Thứ hai, 2/12/2013, 14h12

Muốn trò yêu sử thầy phải dày công!

Tiết học môn lịch sử lớp 5 của thầy Huỳnh Thế Nhã luôn gắn liền với các dụng cụ trực quan khiến HS rất thích thú
Theo thầy Huỳnh Thế Nhã, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Cảnh (Q.5, TP.HCM), để có một tiết dạy lịch sử địa phương thành công, người giáo viên phải bỏ nhiều thời gian, tâm huyết tìm hiểu, cảm nhận mới đủ để truyền thụ tới học sinh (HS).
Nhờ sự tâm huyết, cùng quá trình chuẩn bị chu đáo của thầy Nhã mà các em HS lớp 5 Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Cảnh đã có một tiết học về lịch sử địa phương cực kỳ hứng thú tại Hội quán Lệ Châu (Q.5), địa danh gắn liền với những thăng trầm lịch sử qua 121 năm.
Đưa học trò tiếp cận kiến thức mới
Tiết học được bắt đầu bằng lời giới thiệu những đặc trưng văn hóa, kinh tế của khu vực Chợ Lớn - một địa danh được coi là hưng thịnh bậc nhất của ba nước Đông Dương thời nhà Nguyễn, cũng là nơi có nhiều đền thờ, chùa chiền, nơi thờ cúng nhiều nhất ở TP.HCM hiện nay. Sau khi được “du lịch” trên bản đồ và hình ảnh, HS “dừng chân” tìm hiểu về Hội quán Lệ Châu, nơi chỉ cách trường học của các em vài trăm bước chân bằng đoạn clip giới thiệu sơ lược về hội quán. Đặc biệt, đoạn clip đó lại được chính thầy Nhã thu âm nên các HS không khỏi ngạc nhiên xen lẫn thích thú. Cũng qua đoạn clip này, các em không chỉ có cái nhìn bao quát về nguồn gốc ra đời, quá trình xây dựng, khuôn viên kiến trúc của di tích mà còn hiểu thêm về một góc văn hóa Sài Gòn - Chợ Lớn những năm cuối thế kỷ XIX. Và một chi tiết khiến ngay cả những em từng biết đến sự hiện diện của hội quán trước đó đều tỏ ra thích thú: Đây chính là đền thờ Tổ nghề kim hoàn sớm nhất tại TP.HCM.
Đang thích thú nghe thầy khơi gợi, các em bỗng được mời… chơi trò chơi. Theo đó, 6 “chiếc hộp bí mật” được chia đều cho các nhóm với nhiệm vụ ghép các mảnh ghép trong chiếc hộp thành một bức hình hoàn chỉnh nói lên những hiểu biết về bức ảnh. Đó đơn giản chỉ là những bức ảnh của một vài vị trí trong hội quán như cánh cổng, bàn thờ, cấu trúc bên trong… nên các em dễ dàng ghép và chỉ ra được điểm cần chú ý từ các bức hình. Tuy nhiên, sau lời phát biểu, bức hình của mỗi nhóm lại được thầy mở rộng kiến thức như không gian bên trong gắn liền với kiến trúc cổ; bàn thờ các vị tổ sư gắn liền với câu chuyện thăng trầm của những vị tổ sư, của nghề thợ bạc. Ngoài ra, thầy con đề cập đến những chi tiết nhỏ như bản sắc phong của vua Khải Định; mái ngói âm dương theo kiến trúc của dân tộc Hoa; cái trống được làm từ thân cây gỗ; bức hoành phi, câu đối bằng sơn son thếp vàng cũng được thầy khơi gợi, giải thích tỉ mỉ như một bằng chứng về sự tồn tại và phát triển của nghề khiến các em HS được mở mang thêm nhiều kiến thức bổ ích. Và chi tiết, bên dưới khám thờ Hội quán Lệ Châu ngày xưa từng là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, trụ sở bí mật của những người chiến sĩ yêu nước nghiệp đoàn thợ bạc cứu quốc khiến ai nấy càng thêm tự hào về vùng đất mà mình đang sống.
Thầy - trò cùng học
Khác với các tiết học trong chương trình sách giáo khoa, giáo viên thường “ngại” đảm nhận tiết học này vì nó đòi hỏi phải có sự đầu tư kỹ lưỡng về giáo án, phương pháp truyền tải… Thầy Nhã cho biết, để chuẩn bị được một tiết dạy như vậy, thầy phải mất hơn nửa tháng để tìm hiểu, thẩm định, đối chứng thông tin do tư liệu về Hội quán Lệ Châu quá ít trong khi bản thân lại chưa từng biết tới những giá trị của địa danh này. Để tạo nên những đoạn clip, thầy phải chụp hình các điểm nhấn trong hội quán, rồi chờ tới đêm khuya mới thu âm, lồng ghép hình ảnh. Nhưng chính nhờ sự chuẩn bị kỹ càng đó nên thầy đã được hiểu biết thêm về địa danh và kịp trả lời những thắc mắc tưởng như rất ngây thơ của các em HS tiểu học như giải thích cái tên của hội quán, tên của một số con đường xung quanh đó, vì sao hội quán chỉ thờ tự chứ không thờ một ông thần nào…
Theo thầy Nhã, điều quan trọng trong tiết dạy lịch sử địa phương là phải nắm được tâm lý của HS, biết các em cần gì, có thể nhớ được những gì để từ đó nhấn mạnh vào điều đó. Với HS tiểu học, tâm lý hiếu động sẽ khiến giáo viên không thể giảng giải suông mà cần phải có sự kết hợp với giáo cụ trực quan, cho các em học bằng trò chơi để phát huy sự nhanh tay, nhanh mắt vốn có ở lứa tuổi này. Ngoài việc “chiều” theo tâm lý hiếu động, giáo viên cũng cần phát huy tâm lý dễ xúc động của HS bằng việc lồng ghép khéo léo các câu chuyện về cuộc đời và những thăng trầm của địa danh và nhân vật. Việc các em cảm nhận, hiểu biết được giá trị lịch sử, văn hóa rồi nói lại với những người thân quen chính là thành công đáng nể của một tiết học lịch sử nằm ngoài chương trình Bộ GD-ĐT.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
“Điều quan trọng trong tiết dạy lịch sử địa phương là phải nắm được tâm lý của HS, biết các em cần gì, có thể nhớ được những gì để từ đó nhấn mạnh vào điều đó”, thầy Huỳnh Thế Nhã cho biết.