Thứ sáu, 21/11/2014, 13h11

Người chèo đò không bến

Anh Hoàng được đánh giá là người nói ít nhưng làm nhiều

Ước mơ trở thành ông giáo làng nhưng cơ duyên được làm nghề “gõ đầu trẻ” đã không đến với anh. Không được trực tiếp đứng trên bục giảng, nhưng vì tâm nguyện hết lòng vì sự học của thế hệ trẻ, hơn 20 năm qua anh luôn “níu kéo” thêm cơ hội cho trẻ em nghèo được đến lớp, quyết không để các em phải bỏ dở con đường học vấn bằng mọi cách. Việc làm thầm lặng này đã được người dân nơi đây gọi anh là người chèo đò không bến…
Yêu nghề từ cái tâm
Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Sài Gòn năm 1993, anh Lê Văn Hoàng (SN 1973, ngụ xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM) xin về làm việc và phụ trách mảng giáo dục của xã Hiệp Phước. “Ước mơ trở thành ông giáo làng không thành hiện thực, tôi đành rẽ sang hướng khác. Từ khi tôi phụ trách mảng giáo dục, đến nay cũng đã hơn 20 năm gắn bó với nghề và tự nhiên thấy yêu cái nghề này từ lúc nào không hay…”, anh nở nụ cười phúc hậu khi tâm sự với chúng tôi. Bắt đầu từ khi đảm nhận công việc này anh Hoàng không nhớ rõ đã vận động được bao nhiêu em trở lại trường lớp. Đôi mắt anh nhìn xa xăm: “Trong số các em mà tôi đã từng gặp có nhiều em để lại cho tôi nhiều kỉ niệm mà có lẽ không thể nào quên được”. Niềm hạnh phúc trào dâng hiện lên trên khuôn mặt, anh Hoàng kể: “Đó là em Nguyễn Ngọc Ngà có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, gia đình nghèo, không có tiền đi học nhưng em lại học rất giỏi. Khi Ngà thi đỗ đại học gia đình không có tiền để em đi học tiếp, tôi luôn đau đáu trong lòng nên đề xuất trường hợp của em với Ban lãnh đạo xã rồi tìm mạnh thường quân giúp đỡ để em được bước chân vào giảng đường đại học. Để đền đáp công ơn các thầy cô giáo, ngày trở về trường Ngà đã tặng cho Trường THCS Hiệp Phước và THCS Hai Bà Trưng mỗi trường một chuông báo giờ ra chơi tự động do em tự làm”.
Để vận động được các em đến lớp đòi hỏi anh Hoàng phải nhẫn nại, phải hiểu sâu sắc hoàn cảnh gia đình của từng em, phải nắm bắt được tâm lí phụ huynh. Anh chia sẻ: “Xã Hiệp Phước có 4 ấp với diện tích hơn 3.000ha, ấp này cách xa ấp kia nếu đi bộ mất cả ngày trời. Đoạn đường vào ấp không phải chỗ nào cũng bằng phẳng mà có những đoạn đất lầy lội, thậm chí là phải qua đò thì mới tới được ấp. Nhưng không phải lần đi vận động nào cũng thành công, nhiều em phụ huynh kiên quyết không cho đến trường với lý do “cái chữ không thể làm em nó no bụng được” nên tôi phải ra sức thuyết phục họ thay đổi suy nghĩ. Đôi khi tôi phải nhờ đến cả cô giáo chủ nhiệm hay vận động hội phụ nữ, hội thanh niên cùng nhau tuyên truyền về giáo dục. Cần phải giải thích để phụ huynh hiểu thông suốt mọi vấn đề nhất là việc các em cần học để có một tương lai tươi sáng. Đối với tôi không kể ngày nắng hay mưa, không kể đi lại vất vả tất cả là vì tương lai của các em, vì cái tâm với nghề”. Anh thổ lộ: “Sau mỗi lần vận động thành công tôi vui lắm nhưng đến khi thất bại thì cảm thấy mình bất lực, buồn bã rồi chán nản và có phần nào day dứt”. Từ năm 2012 bắt đầu thực hiện phổ cập bậc mầm non nên phải thực hiện vận động cả ở bậc học này. Anh cười buồn: “Ở đây không giống như nội thành vì ở trung tâm thành phố phụ huynh lo chạy trường chứ ở vùng quê này phải vận động mà phụ huynh còn không muốn cho con đến lớp vì quan niệm học chữ không giải quyết được khó khăn mà họ đang đeo mang…”.
Gian nan những nẻo đường
Khi nhắc đến TP.HCM chắc hẳn nhiều người nghĩ rằng đây là một trong những thành phố lớn của cả nước với nền kinh tế phát triển, với những tòa nhà tráng lệ cao chót vót. Thế nhưng khi chúng tôi đặt chân đến xã Hiệp Phước, cảm nhận đầu tiên đó là một làng quê yên ả, có hàng dừa, có những đồng cỏ rậm mọc cao ngang đầu người, có con đò, dòng sông, bến nước… Con đò ấy nằm ở cuối con đường vào trụ sở UBND xã, và nơi ấy đã gắn bó với nhiều thế hệ học trò của vùng đất còn lắm khó khăn này. Nước cạn các em phải lội sình ra bến để đến trường nhưng sóng to, gió lớn thì đò không thể qua sông. Chính vì thế việc các em đến lớp với những bộ đồ lấm bẩn, ướt át hay những ngày đi học muộn là chuyện không hiếm gặp.
Những năm gần đây, đối với anh Lê Văn Hoàng việc khó khăn trong công tác vận động chính là số lượng dân nhập cư ngày càng đông do ở đây có Khu công nghiệp Hiệp Phước nên để nắm bắt được đặc điểm kinh tế, hoàn cảnh gia đình của học sinh là điều vô cùng gian nan. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho công tác vận động của anh gặp không ít trở ngại. Tuy nhiên với lòng yêu nghề, với sự đam mê anh đã nỗ lực từng ngày để giảm thiểu số lượng học sinh bỏ học trong xã. Và công việc của anh đã được chính quyền xã thừa nhận là người có công lao to lớn trong việc vận động học sinh đến lớp. Thành tích mà anh đạt được đã phần nào chứng minh năng lực và tâm huyết của anh. Anh đã được UBND TP.HCM tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Sở GD-ĐT tặng giấy khen, từ năm 2004 đến nay anh luôn đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở…
Bài, ảnh: Nghiêm Quế