Thứ hai, 4/5/2015, 11h05

Những tiết học hứng thú

Khởi động từ những ý tưởng sáng tạo, dạy học theo dự án, chủ đề - gắn kiến thức bài giảng với thực tiễn cuộc sống, nhiều trường THPT trên địa bàn TPHCM đã tạo ra những giờ học hấp dẫn, giúp học sinh trải nghiệm thực tế, phát huy sở trường, năng khiếu riêng.
Tạo môi trường cho học trò thể hiện năng lực
Để tiết học môn Văn hấp dẫn, thoát khỏi cái bóng xơ cứng của sách giáo khoa, thầy và trò lớp 12A5 Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1, TPHCM đã chung tay thực hiện dự án Văn và Đời. Tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu được chọn để thao giảng. Tham dự tiết học, nội dung tác phẩm văn học này được kịch hóa do học sinh thể hiện, nhiều giáo viên dạy Văn của trường cảm thấy bất ngờ trước sự đầu tư công phu, sự sáng tạo của các em. Từ khâu chuẩn bị tiểu phẩm đến lúc ra mắt trình diễn chỉ có 1 tháng và dù vất vả, cực nhọc nhưng thầy, trò đều vui, nhìn thấy hiệu quả của việc dạy - học theo hướng đổi mới.
Thầy Lê Minh Tân, giáo viên dạy Văn của lớp, chia sẻ: “Tuy gần đến kỳ thi THPT quốc gia quan trọng nhưng học sinh lớp tôi rất hào hứng tham gia. Các em tự làm mọi việc từ viết nội dung kịch bản, tập diễn, dàn dựng chương trình… Giáo viên chỉ làm vai trò hướng dẫn, định hướng và biên tập nội dung kịch bản nếu có chi tiết nào chưa phù hợp”. Tuy không hoành tráng, quy mô như nhiều dự án Học Văn để sống của các trường khác ở TP đã thực hiện nhưng dự án Văn và Đời của lớp 12A5 đã tạo ấn tượng sâu sắc. Nói như em Lê Thị Hải Đăng thì thông qua tiết học và dự án này, các em cảm thụ nội dung tác phẩm sâu hơn, hiểu về tác giả kỹ hơn. Tương tự, em Vũ Mai Hương cũng bộc bạch rằng trước đây học Văn theo lối mòn - đọc chép và ghi nhớ như “con vẹt” nên học sinh mau quên. Còn học Văn theo tiểu phẩm dễ truyền cảm hứng, hiểu sâu, nhớ lâu. Cái được lớn hơn nữa là học sinh được trang bị kỹ năng tự học, tìm tòi tư liệu và khả năng mạnh dạn, tự tin thuyết trình trước đám đông…

Học sinh lớp 12A5 Trường THPT Lương Thế Vinh diễn tiểu phẩm trích đoạn trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa.

Theo nhận định của cô Thúy Hằng, Tổ trưởng tổ Văn của Trường THPT Lương Thế Vinh, sau khi tham dự tiết học theo dự án này, các giáo viên nhận thấy học trò của mình tự tin, trưởng thành nhanh hơn. Và điều khiến họ bất ngờ hơn là các em trở thành trung tâm - chủ động đặt những câu hỏi với nội dung khó đến thầy cô dạy Văn. Rõ ràng, khi nhập tâm vào nhân vật, hiểu rõ về nội dung tác phẩm, học sinh không chỉ thẩm thấu kiến thức, liên hệ rộng hơn về tác giả mà còn gắn kết những câu chuyện ngoài đời. Đó chính là sự gắn kết giữa tác phẩm văn học với chất “Đời” gần gũi, từ đó nó giúp học trò hiểu thêm về cuộc sống đa chiều, cùng những giá trị tốt đẹp khác phải nâng niu, vun xới từng ngày.

Không chỉ thể hiện tác phẩm thông qua tiểu phẩm, học sinh còn thể cảm xúc, nhận định qua những bài văn nghị luận xã hội và tất cả được đóng thành tập san làm tài liệu tham khảo cho khối lớp 12.
Có thích dạy học theo dự án?
Thời gian gần đây, thực hiện chủ trương đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, giảm lý thuyết, gắn với thực hành, nhiều trường THPT ở TPHCM đã triển khai dạy học theo chủ đề, dự án và dạy tích hợp. Tuy nhiên, môn Văn được nhiều trường chọn dạy theo dự án nhiều hơn vì chủ đề phong phú, dễ tích hợp kiến thức, nội dung liên quan đến các bộ môn khoa học xã hội khác. Các dự án Học Văn để sống với nhiều chủ đề khác nhau đã được thực hiện ở nhiều trường THPT như: Đinh Thiện Lý, Bùi Thị Xuân, Trần Đại Nghĩa, Giồng Ông Tố,… Riêng đối với Trường THPT Lê Quý Đôn, học sinh ở các khối lớp đều được tham gia các tiết học tích cực ở nhiều môn như Văn, Sử, Anh văn… Khi tham gia dự án, trải nghiệm và cọ sát với thực tế để lấy thêm tư liệu, dàn dựng chương trình, lên kịch bản tiểu phẩm, chụp ảnh, làm video clip…, học sinh phải vận dụng kiến thức tổng hợp, tự trau dồi thêm các kỹ năng cần thiết như phỏng vấn, thuyết trình, chụp hình, quay phim…
Theo nhận định của cô Hải Yến, giáo viên dạy Văn Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, học Văn theo dự án luôn mang lại những giá trị học đích thực và hành trang kỹ năng cần thiết để vào đời. Khi được tiếp xúc với thực tế, tìm hiểu sâu về tác phẩm, tác giả, học trò không chỉ cảm thụ về văn học tốt hơn, hiểu cuộc sống đa chiều, giàu ý nghĩa nhân văn, mà còn phát huy hết năng lực, sở trường của mình. Sau 2 tháng thực hiện dự án học Văn với chủ đề Chung tay lan tỏa giá trị Việt, thầy và trò Trường THPT Giồng Ông Tố đã tạo ra 30 sản phẩm có giá trị thực học, thực hành. Theo thầy Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng nhà trường, mỗi sản phẩm được chắt lọc từ trải nghiệm thực tế đã kích thích sự đam mê, sáng tạo, giúp học sinh trưởng thành, tự tin hơn.

Ai cũng thấy dạy học theo dự án, theo chủ đề và tích hợp kiến thức liên môn là cần thiết nhưng nhìn lại, dù cố gắng, mỗi trường THPT cũng chỉ có thể làm được 1 - 2 dự án trong một năm học. Cái khó là thiếu quyết tâm từ giáo viên, thêm vào đó là thiếu thời gian, thiếu điều kiện và kinh phí thực hiện. Tuy học sinh thích thú nhưng giáo viên, nhà trường lại mệt hơn, cực hơn. Chính vì thế, nếu giáo viên và ban giám hiệu thiếu quyết tâm, ngại cực nhọc thì rất khó khởi động dự án dạy học theo chủ đề, dạy học tích hợp như khuyến khích của Bộ GD-ĐT. Trên thực tế, chỉ có những giáo viên có năng lực, có tâm huyết mới thích chọn việc dạy học theo dự án, dạy học tích hợp. Và theo nhiều hiệu trưởng, để triển khai rộng hơn chủ trương dạy học sáng tạo, dạy theo năng lực học sinh và gắn kiến thức với thực hành thì ngành GD-ĐT phải chuẩn bị đội ngũ giáo viên đạt chuẩn năng lực, kỹ năng sư phạm. Thiếu hai yếu tố này thì họ không thể đáp ứng với vai trò kiến tạo tri thức, đồng hành với sự nghiệp đổi mới giáo dục.

KHÁNH BÌNH

(SGGP)