Thứ tư, 13/8/2008, 10h49

Rèn chính tả cho học sinh tiểu học

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Giáo viên luôn phải rèn chữ viết cho học sinh. Ảnh: H.TRIỀUBài 1: Vì sao học sinh viết chữ xấu?

1. Hiện nay, trong quá trình dạy - học, khá nhiều giáo viên cho rằng: “Học sinh của chúng ta bây giờ viết chữ rất xấu và sai nhiều lỗi chính tả. Đặc biệt là trong giờ học chính tả và tập làm văn, học sinh viết sai lỗi chính tả và viết chậm nên phải bỏ dở bài viết rất nhiều”.

Qua tìm hiểu thực tế ở các tiết dạy học chính tả ở đơn vị trường học, tôi nhận thấy giáo viên chỉ quan tâm tới việc rèn cho học sinh ghi đúng chính tả, viết đẹp mà ít chú ý đến việc rèn cho các em viết đúng qui trình liền mạch. Khi học sinh không viết đúng qui trình, viết dấu phụ, ghi dấu thanh không theo trình tự hợp lý thì việc các em viết chậm cũng là điều tất yếu.

Thêm nữa, trong quá trình đọc cho học sinh viết chính tả, giáo viên cũng chưa thật quan tâm đến yêu cầu về tốc độ mà chương trình đặt ra cho từng khối lớp. Khá nhiều giáo viên căn cứ về tốc độ đọc, viết của học sinh lớp mình để xác định tốc độ đọc bài chính tả. Vì vậy hầu như học sinh không có ý thức phải cố gắng viết nhanh cho đạt yêu cầu về tốc độ như qui định. Chính vì không rèn được kỹ năng viết nhanh nên mỗi khi bị khống chế về thời gian thì học sinh viết không kịp, phải bỏ dở bài hoặc viết rất xấu.

Về phương pháp dạy học, trong quá trình dạy chính tả, giáo viên thường “Lấy sách làm trung tâm”. Có nghĩa là sách giáo khoa có bài nào dạy bài đó, phần viết đúng chính tả có từ nào viết từ  đó, có bài tập nào làm bài tập đó. Các giáo viên hầu như không quan tâm đến nguyên tắc “Dạy chính tả theo phương ngữ”. Tức là, trong giờ chính tả, giáo viên phải căn cứ vào đặc điểm phương ngữ, thổ ngữ và cả đặc điểm tiếng mẹ đẻ của học sinh để lựa chọn những từ ngữ mà học sinh ở địa phương mình thường phát âm sai và viết sai để luyện viết đúng cho phù hợp. Trong khi đó, các lỗi học sinh ở địa phương thường viết sai chính tả thì lại không được giáo viên đưa vào giảng dạy vì cho rằng nội dung này không có trong chương trình và sách giáo khoa. Vì thế có thể nói, trong thời gian qua, nội dung dạy học chính tả trong trường tiểu học vừa thừa lại vừa thiếu. Đây là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta chưa khắc phục được một cách hiệu quả các lỗi chính tả cho học sinh.

Qua phân tích, tìm hiểu, học sinh thường viết sai chính tả do hai nguyên nhân chính:

Một là, các em phát âm như thế nào viết như thế đó.

Hai là, các em không nắm vững qui tắc chính ta.

Vì vậy, kết quả bài viết chính tả của học sinh thường mắc nhiều lỗi chính tả.

2. Để dạy tốt và rèn cho học sinh viết đúng chính tả thì việc nghiên cứu về nội dung chương trình chính tả ở từng lớp là một việc làm không thể thiếu đối với từng giáo viên.

Một bài chính tả thường có cấu tạo 2 phần: chính tả đoạn bài và chính tả âm vần. Phần chính tả đoạn bài là phần bắt buộc cho tất cả học sinh. Học sinh tập chép hoặc nghe viết hoặc nhớ viết một đoạn hay một bài có độ dài cụ thể cho từng khối lớp. Phần lớn các bài chính tả này đều trích từ bài tập đọc vừa học trước đó hoặc là nội dung tóm tắt của bài tập đọc. Phần chính tả âm vần có nội dung cụ thể chủ yếu là luyện cách viết đúng các tiếng có âm vần dễ viết sai chính tả do không nắm vững qui tắc của chữ quốc ngữ như: c/k; g/gh; ng/ngh; ia/ya; iê/yê… hoặc do ảnh hưởng của phát âm địa phương như: tr/ch; r/d/gi; an/ang; at/ac; dấu hỏi/dấu ngã…

Các bài chính tả mang nội dung tương ứng với chủ đề của tuần đó.

Ngoài bài tập chính tả đoạn bài và chính tả âm vần, chương trình chính tả còn có các bài tập về trật tự bảng chữ cái được học ở những tuần đầu năm học, nhằm giúp cho học sinh nắm vững cách viết các chữ cái.

(Còn tiếp)

Huỳnh Văn Đông

(Trường Tiểu học Hòa Thuận, thị trấn Chợ Lầu,
huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận)