Thứ năm, 2/8/2012, 11h08

Sách giáo khoa – công cụ giáo dục chủ quyền biển đảo

Từ khi xảy ra các tranh chấp ngày càng gia tăng về chủ quyền của một số nước ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam, nhiều người Việt quan tâm tới chủ quyền quốc gia và vận mệnh đất nước đã tự hỏi: các công trình nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông trong lịch sử không phải là quá ít và không phải không có căn cứ vững chắc, vậy sao không công bố rộng rãi cho toàn dân được biết, sao không soạn thảo thành nội dung trong sách giáo khoa để sớm nâng cao hiểu biết về chủ quyền đất nước cho thế hệ trẻ, để củng cố niềm tin vào chính nghĩa mà Việt Nam đang đường đường chính chính giữ trong tay?

Học sinh lớp 12 trường THPT Hùng Vương – TP.HCM ôn thi môn địa lý trên Atlat. Ảnh: NLĐ

Những câu hỏi tâm huyết và chính xác, nhưng việc trả lời các câu hỏi trên dường như vẫn có chút ngập ngừng. Vì quả thực, mặc dù Việt Nam là một quốc gia biển, có bờ biển dài hơn 3.200km, kinh tế biển có đóng góp lớn trong tổng thu nhập quốc dân và từ năm 1994, Việt Nam đã là thành viên của Công ước Luật biển (UNCLOS 1982), nhưng cho đến trước khi Quốc hội thông qua luật Biển vào ngày 21.6.2012 (có hiệu lực kể từ 1.1.2013) thì Việt Nam chưa có một bộ luật tổng quát nào về biển!

Thế nên, khi luật Biển Việt Nam được thông qua, niềm vui xúc cảm của biết bao người Việt có lương tri đã bừng chuyển thành niềm vui lý trí. Có luật Biển là có sự hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phục vụ việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam. Có luật Biển là có điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước, vì hoà bình, ổn định trong khu vực và thế giới. Có luật Biển với 7 chương 55 điều, mỗi công dân Việt Nam vững dạ hơn rất nhiều về chủ quyền của quốc gia. Vì ngay từ trong điều 1 chương 1, luật Biển quy định rõ đường cơ sở, nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và các quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; quy định về hoạt động trong vùng biển Việt Nam, phát triển kinh tế biển, quản lý và bảo vệ biển đảo.

Thế nhưng, vui mừng là một chuyện, còn làm thế nào để xây dựng và củng cố niềm tin tri giác vào chủ quyền, để khẳng định quyết tâm bảo vệ đến cùng chủ quyền của Việt Nam, lại là một chuyện khác. Bây giờ là lúc không thể và không được phép ngập ngừng khi trả lời câu hỏi “Vì sao không soạn thảo nội dung giáo dục chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông trong sách giáo khoa?”

Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội thông qua với đầy đủ sự phù hợp Công ước Luật Biển do Liên hiệp quốc ban hành năm 1982 (UNCLOS), với đầy đủ nội hàm về pháp lý và tập quán quốc tế đã được quốc gia hoá. Luật Biển Việt Nam còn được minh hoạ sinh động bằng hàng trăm bằng chứng lịch sử và pháp lý từ các công trình khảo cứu, sưu tầm, hệ thống hoá của các học giả Việt Nam và nước ngoài khi nghiên cứu vấn đề chủ quyền ở Biển Đông.

Học sinh phổ thông của chúng ta cần phải được sớm tiếp cận một cách chính thống và phù hợp với năng lực tiếp nhận của từng bậc học các khái niệm về nội thuỷ, đường cơ sở, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng biển quốc tế. Những soạn thảo dễ hiểu nhất về các tri thức lịch sử, pháp lý, kinh tế gắn với địa lý sẽ giúp những công dân tương lai của Việt Nam hiểu vì sao nước mình là một quốc gia biển, chủ quyền của Việt Nam trên biển là như thế nào và phải làm thế nào để gìn giữ vững chắc chủ quyền ấy trong tư cách công dân Việt Nam…

Rồi sẽ đến lúc các học sinh của chúng ta có dịp đi ra ngoài Việt Nam, có dịp cọ xát với một không gian quốc tế – nơi mà một vài quốc gia luôn có mục đích đen tối “chiếm hết các đảo”, “chiếm diện tích lớn nhất” và “nhiều quyền lợi nhất” trên các vùng biển bất chấp các đảo ấy, diện tích ấy, các quyền lợi ấy có thuộc về chủ quyền của quốc gia mình hay không, cả về lịch sử lẫn pháp lý. Đến khi ấy, các công dân trẻ tuổi của Việt Nam sẽ biết ứng xử như thế nào cho đúng với tập quán lịch sử và pháp lý quốc tế như những con người văn minh, hết mực tự tin trước chủ quyền của quốc gia mình và cũng hết mực tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác trong cộng đồng quốc tế. Được như vậy là vì ngay từ trường phổ thông, ngay từ trong các trang sách giáo khoa nuôi dưỡng tâm hồn và trí tuệ từ tuổi ấu thơ, các em đã được tiếp cận vấn đề chủ quyền của đất nước; đã được biết và được hiểu rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam; rằng ranh giới chủ quyền trên biển của nước Trung Hoa láng giềng chỉ đến đảo Hải Nam mà thôi v.v.

Những xúc cảm chủ quyền và sự trưởng thành của lý trí người trẻ được hình thành rất giản dị như vậy.

Nguyễn Thế Thanh

SGTT.VN