Thứ ba, 18/11/2014, 15h11

Sinh viên “ví có bạc triệu, xài toàn đồ hiệu"

Nhiều sinh viên theo học ở các thành phố lớn được gia đình mua nhà cửa, chu cấp tài chính dồi dào, xe tay ga đắt tiền, điện thoại Iphone xịn và ví lúc nào cũng rủng rỉnh tiền.

Nhiều người thường liên tưởng cuộc sống sinh viên luôn khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, nhưng trong số hàng ngàn tân sinh viên bước vào cổng trường ĐH năm nay, không ít bạn trẻ có điều kiện tốt hơn được gia đình chăm lo hết cỡ.
Điều đáng nói, nhiều gia đình mua sắm cho con đến mức giống như một gia đình mới về nhà mới. Thậm chí có người còn sắm nhà ở Sài Gòn “tạo cho con điều kiện tốt nhất để tập trung học hành”.
"Trang bị tận răng"
SV Nguyễn Tú Anh, Trường ĐH Xây dựng miền Trung trong phòng trọ với đầy đủ tiện nghi - Ảnh: Kim Thủy
Khi Nguyễn Tú Anh nhận được giấy báo trúng tuyển Trường ĐH Xây dựng miền Trung, gia đình bà Huỳnh Thị Trang (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) mở tiệc mừng mời bà con, hàng xóm chia vui.
Trước ngày con nhập học, vợ chồng bà Trang tự lái xe đưa con vào TP Tuy Hòa, Phú Yên “lo chỗ ăn, chỗ ở cho con mới yên tâm”.
Mất một ngày tìm kiếm, khảo sát nhiều nơi, cuối cùng bà đã chọn được căn phòng trọ biệt lập khá rộng rãi, khang trang gần trường với giá 1 triệu đồng/tháng để cậu con trai đầu trọ học. Xong chuyện chỗ ở, hai vợ chồng bà Trang tất tả sắm máy giặt, tủ lạnh, bếp điện từ, quạt…
“Con cố gắng chịu khó ở tạm vậy đi. Nếu vài hôm nữa trời nóng quá thì gọi điện mẹ cho lắp máy lạnh luôn. Ổn định chỗ ở rồi vài hôm mẹ gửi xe máy, laptop vô cho. Cố gắng học cho giỏi nghen con…” - bà Trang động viên con.
Sợ con mình ăn quán không đủ no, ảnh hưởng sức khỏe, bà Trang cũng tìm chỗ đặt nấu ăn hai bữa/ngày với giá 1,8 triệu đồng/tháng.
Năm nay, cô con gái đầu của ông Lê Văn Hưng (Đà Nẵng) trúng tuyển vào Trường ĐH Ngoại thương cơ sở tại TP.HCM. Không yên tâm khi để một mình con gái vào Sài Gòn nhập học, khi có giấy báo trúng tuyển, ông Hưng đặt vé máy bay cho cả hai cha con.
Chiều một ngày giữa tháng 9-2010, hai cha con có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Ngay sau đó ông bắt taxi chạy thẳng về một khách sạn trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nghỉ ngơi để hôm sau cùng con gái tìm chỗ trọ.
Hôm sau, ông Hưng đưa con gái đến trường để khảo sát đường sá và hỏi thăm tìm chỗ trọ gần trường.
Nhờ các sinh viên giới thiệu, ông cũng tìm được một chỗ trọ ưng ý cho con trên đường Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) với giá 4 triệu đồng/tháng.
Căn phòng khá đẹp, đầy đủ tiện nghi (truyền hình cáp, Internet…) nằm trong “khu trọ VIP” đủ cho ba, bốn người ở nhưng ông Hưng bao nguyên phòng “để con bé ở cho thoải mái”. Lo xong chỗ ở hai cha con dẫn nhau đi mua sắm các vật dụng cần thiết máy quạt, bếp điện từ, tivi…
Ở nhà riêng, xài đồ xịn
 "Ở nhà sao, khi xa nhà cũng phải vậy"
Nói về việc chăm lo cho con, bà Huỳnh Thị Trang cho rằng: “Không chỉ riêng tôi mà cha mẹ nào cũng muốn tạo điều kiện tốt nhất cho con mình yên tâm học hành. Những thứ tôi mua sắm cho con là bình thường. Con tôi ở nhà sao thì khi đi học cũng được như vậy chứ không có chi hơn. Tôi chưa phải giàu nhưng trong khả năng lo được cho con, không có lý do gì để con phải chịu cực”.
Ngày 22-9, Nguyễn Thị Nhật Hồng (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) tân sinh viên Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cũng đã có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất để chuẩn bị nhập học.
Ngay khi có mặt tại sân bay, Nhật Hồng được chị gái Nguyễn Thị Quỳnh Anh (sinh viên năm thứ tư Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) đón về nhà ở. 
Căn nhà hai tầng gần chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) khá rộng rãi là nơi ở của Quỳnh Anh suốt bốn năm nay, giờ có thêm cô em vô ở cùng. Bên trong căn nhà đầy đủ tiện nghi: máy giặt, bếp, tủ lạnh, phòng ngủ được gắn máy lạnh…
Bước vào nhà đã thấy cây đàn piano mới toanh hoành tráng nằm ở phòng khách. “Cả nhà ai cũng mê nghệ thuật, em gái mình quản lý văn hóa nhưng cũng thích chơi nhạc nên ba mẹ mình mới sắm cây đàn này để hai chị em giải trí”- Quỳnh Anh chia sẻ.
Quỳnh Anh cho biết thêm: “Căn nhà này ba mẹ mình mua lúc chị mình xuống Sài Gòn học. Chị ra trường mình xuống ở nhà này và nay có em gái vô ở. Nhờ nhà gần trường nên đi lại tiện lợi, tham gia các hoạt động phong trào của trường”.
Khi được hỏi về các vật dụng, tư trang, cô sinh viên năm cuối ngành kế toán nói gọn lỏn “mình không thiếu gì”. Thật vậy, Quỳnh Anh không chỉ được gia đình trang bị đầy đủ mà còn toàn đồ xịn: xe tay ga, laptop, điện thoại Iphone 5S… Nay em gái Nhật Hồng vô ĐH cũng được ba mẹ sắm sửa đầy đủ mọi thứ như chị.
Sống và học tập tại TP.HCM, đều đặn mỗi tháng Quỳnh Anh đều mua vé bay về thăm nhà ở Buôn Ma Thuột. Nghỉ hè Quỳnh Anh còn được gia đình mua tour du lịch châu Âu. “So với các bạn trong lớp mình cũng bình thường, không có gì đặc biệt hay chơi nổi. Hầu hết các bạn trong lớp mình gia đình đều khá giả, ai cũng được chăm lo rất tốt”- Quỳnh Anh cho biết.
Mới đây, Võ Minh Tiến (sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) được gia đình mua cho căn hộ ở chung cư Mỹ Đức (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) trị giá 2,1 tỷ đồng.
“Lúc trước mình ở nhờ nhà người thân bên Q.8, đi học hơi xa nên ba mẹ không chịu, tuần nào cũng gọi điện nói phải tìm chỗ nào gần trường để ở mà đi học. Rồi ba mẹ mua luôn căn hộ này cho mình…” - Tiến cho biết.
Căn hộ khá rộng, khang trang được trang bị đầy đủ tiện nghi này chỉ mỗi mình Tiến ở. Hôm chúng tôi đến, thấy Tiến say sưa trò chuyện với chị đang ở nước ngoài qua Iphone 5S.
Theo Minh Tiến, số sinh viên “ví có bạc triệu, xài toàn đồ hiệu” ngày càng nhiều nhưng không phải vì thế mà các sinh viên này xao nhãng việc học. Minh Tiến tâm sự: “Số tiền hàng tháng gia đình gửi đủ cho mình chi phí nên mình yên tâm học. Nhờ đó mình có thời gian tham gia các hoạt động và kết quả học tập luôn đạt loại khá”.
Trong khi Quỳnh Anh cũng cho biết vì có “máu” văn nghệ nên khi mới vào ĐH Quỳnh Anh tìm đến các vũ đoàn để thỏa đam mê. “Mỗi buổi đi múa mình được trả 70.000 đồng. Mình đi múa không phải để kiếm tiền nhưng cũng nhờ thế mà mình hiểu được đồng tiền làm ra rất khó. Được ba mẹ chăm lo đầy đủ thế này thấy mình thật may mắn. Đây như là động lực để mình học tốt hơn. Mình đang cố gắng để đạt loại giỏi trong học kỳ cuối này”- Quỳnh Anh bày tỏ.
TS Đinh Phương Duy - chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục TP.HCM: 
Giữ liên lạc thường xuyên với con
Khi chăm lo cho con, cha mẹ cần phải làm sao đừng để con mình cảm thấy mọi thứ đều sẵn có, không cần phải phấn đấu học tập vẫn có đầy đủ. Khi trang bị cho con những điều kiện về sinh hoạt, ăn ở, đi lại… cha mẹ đồng thời phải giúp con hiểu những việc trang bị này để phục vụ cho việc học.
Đối với những gia đình khá giả, không nên để con mình quá lạc quan về tiềm lực kinh tế gia đình. Việc mua sắm những vật dụng, tiện nghi quá đắt tiền mà ít phục vụ trực tiếp cho việc học của con cũng nên cân nhắc. Nếu luôn được trang bị những thứ đắt tiền không cần thiết, các bạn trẻ rất dễ mắc “bệnh” chạy theo công nghệ, chạy theo thời trang một cách không có mục đích, từ đó rất dễ sao nhãng việc học.  
Đối với những phụ huynh có con học xa gia đình, cần thường xuyên liên lạc với con mỗi tuần. Việc gọi điện không phải để giám sát, mà để hỏi han và động viên tinh thần, giao tiếp những điều con gặp về cuộc sống mới.
Không ít phụ huynh nghĩ cứ mua sắm đầy đủ, gửi tiền đều đặn cho con nhưng không theo dõi gì cả, đến vài năm sau mới biết con mình “trượt” dài… Do đó, khi con ở xa nhà, cha mẹ thỉnh thoảng cần ghé thăm để hiểu được con mình có gặp khó khăn gì không và cũng biết được con mình sử dụng những điều kiện vật chất đó thế nào. 
PGS TS Huỳnh Văn Sơn - phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam: 
Cần trang bị kỹ năng sống
Việc chăm sóc và lo lắng hay thậm chí đầu tư “quá” cho sinh viên là một biểu hiện có chiều hướng trở nên phổ biến. Thậm chí nhiều bậc cha mẹ còn mua cả nhà cho con để có nơi ăn, chốn ở đàng hoàng… Hàng loạt sự đầu tư có điểm đến nhưng chưa hẳn có đích đến đang là lựa chọn của những bậc cha mẹ suy nghĩ: bù đắp, bảo vệ, tạo điều kiện cho con…
Thiết nghĩ, cái cần thiết nhất không phải là điều kiện vật chất mà là những kinh nghiệm sống, kỹ năng sống, bản lĩnh sống mà các bậc cha mẹ cần trang bị cho con. Việc cho con trở thành quý tộc ở độc lập chưa hẳn là trao cho con niềm tin và nghị lực. Vì vậy, những nguy cơ và hệ lụy có thể xảy ra.
Việc sinh viên không tự lập khi không phải chịu trách nhiệm với cuộc sống hàng ngày, sinh viên thiếu hẳn những kinh nghiệm giản đơn để tổ chức cuộc sống, ỷ lại, khẳng định mình thái quát, vòi vĩnh… là điều có thể xảy ra.
Trao cho con một điều kiện học tập tốt nhưng cần dung hòa với người xung quanh, cần chú ý đến môi trường sinh viên nói chung và chuẩn bị thêm cho con những suy nghĩ tích cực, những bản lĩnh vượt lên từ điều kiện hiện có thiết nghĩ là điều cần thiết.
TRẦN HUỲNH
(TTO)