Thứ ba, 28/4/2015, 22h04

Tấm lòng của một nhà giáo

NGƯT Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hội Khuyến học Q.Ngũ Hành Sơn
Hơn 30 năm đứng trên bục giảng, ngày nghỉ hưu, ông từ chối công việc quản lý ở một ngôi trường tư thục với mức lương nhiều người mơ ước, ông quay về tiếp tục nghiệp “đưa đò” ở Hội Khuyến học quận. Từ đó, ông đã giúp hàng trăm học sinh nghèo trên hành trình chinh phục con chữ. Ông là NGƯT Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Khuyến học Q.Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng).
1.NGƯT Trần Anh Tuấn không nói nhiều về mình, thứ thường trực trong ông chỉ là niềm trăn trở dành cho các em học sinh nghèo, mồ côi ở một địa bàn còn nhiều khó khăn như Q.Ngũ Hành Sơn. Ông bảo, trong nghề giáo, người giáo viên không chỉ hoàn thành nhiệm vụ trên bục giảng mà còn phải tạo điều kiện để học sinh tới trường, như vậy nghề mới trọn vẹn.
Ở vào tuổi 75, lẽ ra ông có cái quyền được nghỉ ngơi sau nhiều năm cống hiến cho ngành giáo dục, thế nhưng bất kể ngày nắng hay mưa, bước chân ông vẫn miệt mài trên những nẻo đường đi vận động quỹ khuyến học, chia sẻ kinh nghiệm giáo dục con người với những gia đình có con em chưa ngoan. Ông nói: Mang tiếng là quận thuộc thành phố nhưng nhiều năm trước, Ngũ Hành Sơn vẫn còn có nhiều khu dân cư, tổ dân phố có đông dân lao động chân tay, thu nhập bấp bênh. Việc học của con em họ vì thế cũng bị ảnh hưởng. Nhiều trường hợp đang học giữa chừng thiếu tiền đóng học phí là đành bỏ ngang.
Ý nghĩ làm gì đó giúp đỡ học sinh nghèo hình thành trong ông từ lúc còn đứng trên bục giảng. Rồi những năm làm công tác quản lý, ông có dịp chia sẻ với đồng nghiệp về cách thức hỗ trợ học sinh tới trường. Ông tâm niệm, phải làm thế nào giúp đỡ được thật nhiều học sinh đến trường, thực hiện giấc mơ học chữ. “Trong gần 8 năm (2008-2015), hội đã tiếp nhận gần 5 tỷ đồng từ các tổ chức trong và ngoài nước thông qua Hội Khuyến học TP để tiếp sức cho hàng ngàn học sinh nghèo có điều kiện tới trường”, NGƯT Trần Anh Tuấn bấm đốt ngón tay nói. 
2. NGƯT Trần Anh Tuấn bảo không phải cứ đến gõ cửa các cơ quan, doanh nghiệp là có tiền mang về. Có lần ông đến gõ cửa một công ty nhưng không có cách gì qua được cửa… bảo vệ. “Giám đốc đi vắng!”, đó là câu nói thường trực của anh bảo vệ khi nhìn dáng vẻ người thầy giáo già. Không thể bỏ cuộc, ông tặc lưỡi nghĩ cách tiếp cận hay hơn. Một lần không vào được cửa… bảo vệ, ông quay về nhà gọi điện cho cậu con trai nhờ mượn cơ quan anh chiếc xe ô tô. Sự sang trọng của chiếc xe ô tô đã giúp ông qua lọt cánh cổng bảo vệ dễ dàng để đến thẳng phòng làm việc của giám đốc. Hôm ấy, ông vận động được 40 triệu đồng. “Làm công tác khuyến học phải lấy lợi ích của học sinh đặt lên hàng đầu. Đôi khi gặp trường hợp khó chịu cũng phải cố gắng nhẹ nhàng bởi nếu mình cũng căng thì thiệt thòi lại thuộc về các em học sinh”, NGƯT Trần Anh Tuấn nói.
Một mặt tìm cách vận động kinh phí gây quỹ, mặt khác ông cùng các cấp chính quyền và phụ huynh phối hợp ngăn chặn những đối tượng học sinh bỏ bê việc học để tụ tập ăn chơi, gây mất an ninh trật tự. Ông đi đến từng nhà để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của các em; tâm sự, chia sẻ việc nuôi dạy con cái với các bậc phụ huynh. Mưa dầm thấm lâu. Các nút thắt mâu thuẫn giữa bố mẹ và các con được hóa giải từ đó, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng được hạn chế rõ rệt. Ông cho biết: “Làm công tác khuyến học không thể làm đơn lẻ. Vì vậy, muốn thành công phải bắt đầu từ sự đoàn kết, chung tay góp sức để tạo nên sức mạnh tổng hợp. Như vậy công tác khuyến học mới trở thành một hoạt động có ý nghĩa, gắn liền với công tác an sinh xã hội, góp phần phát triển giáo dục - nền tảng bền vững của xã hội”.
3. Chia tay NGƯT Trần Anh Tuấn, trong ngõ nhỏ dẫn vào ngôi nhà số 9 đường Hồ Xuân Hương, phường Mỹ An (Q.Ngũ Hành Sơn), người thầy giáo già vẫn miệt mài với từng con số, hoàn cảnh học sinh cần giúp đỡ. Ở ông, dường như được làm những việc giúp ích cho người khác đã thành căn duyên. Gần cả cuộc đời cống hiến cho giáo dục, ông nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước, Bộ GD-ĐT, UBMTTQ Việt Nam và Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, nhưng với ông: “Tôi làm những việc này, chẳng mong được ngợi khen hay hàm ơn, chỉ đơn giản rằng, sống trong cuộc đời cần có một tấm lòng biết sẻ chia với người khác, nhất là với học sinh - thế hệ tương lai của đất nước”.
Một tấm lòng dẫu chỉ để “gió cuốn đi” thì tấm lòng của những người như NGƯT Trần Anh Tuấn thật đáng được trân trọng!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
“Làm giáo dục, không chỉ riêng việc đứng trên bục giảng mà phải nghĩ cách để tất cả học sinh trong độ tuổi được đến trường bình đẳng. Làm sao để tạo ra được một xã hội học tập, khơi dậy tinh thần học tập ở mỗi người. Đó mới là điểm cốt yếu để xây dựng nền tảng xã hội vững mạnh về giáo dục”, NGƯT Trần Anh Tuấn chia sẻ.