Thứ ba, 16/9/2014, 21h09

Tập học sinh có thói quen đọc sách thư viện

Học sinh Trường Tiểu học Trung Lập Hạ đọc sách ở thư viện

Xuất phát từ việc có thật trong thực tế, hiện nay học sinh không ham mê đọc sách ở thư viện trường học nhưng lại thích đọc các loại truyện tranh mua từ nhà sách hay các quầy sách nhỏ được bày bán xung quanh cổng trường. Sách dạng này thì giáo viên và phụ huynh khó mà kiểm soát hết nội dung bên trong tốt xấu thế nào? Các em có học tập, bắt chước làm theo các nhân vật trong sách hay không là một điều đáng lo ngại. Để chấm dứt tình trạng học sinh mua các loại sách bán trôi nổi ngoài vỉa hè mà quay về đọc sách thư viện nhà trường là điều không hề dễ chút nào. Vì thư viện khó đáp ứng được yêu cầu có thật đó là sách trang bị không được phong phú về thể loại, ít về số lượng. Đa số là sách cũ sử dụng nhiều năm nên các em đọc chỉ vài ngày là chán, không còn gì để đọc tiếp; bên cạnh đó thư viện không có phòng ốc đủ chuẩn quy định để phục vụ học sinh. Mặt khác, cán bộ phụ trách thư viện trường học thường là người làm công tác kiêm nhiệm, không được đào tạo chính quy nên chuyên môn nghiệp vụ còn ít nhiều hạn chế; cụ thể là họ chưa chủ động xây dựng kế hoạch trong khâu giới thiệu sách theo chủ đề từng tháng, trong những lần sinh hoạt ngoại khóa… để sách đến với học sinh một cách nhanh nhất. Bởi vì qua lời giới thiệu hay, truyền cảm trên loa phát thanh, vài lời giới thiệu viết trên bảng, trên giấy màu sẽ hấp dẫn, kích thích các em ham mê, tò mò muốn tìm ngay quyển sách mà cô vừa giới thiệu.
Muốn học sinh hình thành thói quen đọc sách ở thư viện nhà trường nhằm mục đích trang bị cho các em một số kiến thức về cách hành văn, giúp học tốt môn tiếng Việt (nhất là phân môn tập làm văn) thì nhà trường nên tập cho các em có thói quen đọc sách thư viện ngay khi còn học tiểu học. Đồng thời nhà trường nên duy trì phong trào tổ chức cho học sinh thi kể chuyện theo sách hàng năm.
Trần Văn Tám 
(Trường Tiểu học Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)