Thứ sáu, 19/9/2014, 09h09

TPHCM: Đẩy mạnh đầu tư giáo dục mầm non

Chưa đầy một tuần, từ ngày 10 đến 15-9-2014, TPHCM đã ban hành liên tiếp ba văn bản quy định một số chính sách đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và hỗ trợ tiền lương đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành học mầm non (MN) trên địa bàn TPHCM. Đây có thể nói là một trong những động thái thể hiện quyết tâm của UBND TPHCM trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy của bậc học này. Tuy nhiên, hòa trong niềm vui to lớn đó vẫn còn không ít nỗi lo…

Dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng TPHCM đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục ở bậc mầm non, đảm bảo tất cả trẻ đều được chăm sóc tốt tại trường.

Sự quan tâm đặc biệt

Một trong những thay đổi lớn nhất của các chính sách đầu tư, phát triển ngành học MN trong năm học này là bổ sung thêm biên chế chức danh nhân viên nuôi dưỡng cho các cơ sở giáo dục MN công lập. Theo đó, mỗi lớp sẽ có thêm một nhân viên nuôi dưỡng để hỗ trợ giáo viên trong việc chăm sóc trẻ, vệ sinh trường, lớp, hành lang, nhà vệ sinh, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi cho các cháu. Thêm vào đó, mỗi cán bộ quản lý và giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục MN công lập sẽ được hỗ trợ thêm 25% tiền lương do tính chất công việc.

Riêng đối với những người trực tiếp giảng dạy nhóm lớp từ 6 đến 18 tháng tuổi, mức hỗ trợ được tăng lên 35%. Các giáo sinh mới ra trường được phân bổ về các cơ sở giáo dục MN trong năm học này sẽ được hỗ trợ 100% lương cơ sở/người/tháng, hỗ trợ thêm 70% lương cơ sở trong năm tiếp theo và 50% lương cơ sở đối với năm thứ ba công tác.

Ngoài ra, đối với các dự án xây mới trường MN, chủ đầu tư sẽ được ngân sách TP hỗ trợ 100% lãi suất, kéo dài thời gian trả vốn vay từ 7 năm theo quy định cũ lên tối đa 15 năm, tùy theo tính chất quy mô dự án. Đối với nhu cầu cải tạo, nâng cấp, sửa chữa và mua sắm trang thiết bị của các nhóm trẻ gia đình, văn bản số 4518/QĐ-UBND ban hành ngày 10-9-2014 quy định rõ: “UBND quận, huyện có trách nhiệm cân đối từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn khác cho các cá nhân vay không tính lãi suất để nâng cao chất lượng hoạt động của các nhóm trẻ gia đình”.

Năm học 2014 - 2015, giáo viên mầm non được hỗ trợ thêm 25% tiền lương. Ảnh: Cô và trò Trường Mầm non Sen Hồng, Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: TRƯƠNG NGỌC

Có thể nói chưa có năm học nào giáo dục MN được TPHCM ưu tiên dành nhiều quan tâm đặc biệt đến như vậy. Nguyên nhân của động thái này, theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận là do quy mô dân số hiện nay gia tăng quá lớn. Mặc dù năm nào ngân sách TP cũng dành hơn 5.000 tỷ đồng xây mới 1.500 phòng học nhưng vẫn chưa đáp ứng nổi nhu cầu. Do đó, “nếu không chủ động tháo bỏ nhiều quy định về mặt cơ chế, TP sẽ không hoàn thành các nhiệm vụ được giao”, đồng chí Hứa Ngọc Thuận bày tỏ.

Nhìn nhận vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch đánh giá cao những đổi mới về mặt chủ trương, chính sách mà TPHCM đã và đang thực hiện trong thời gian chờ đợi những đổi mới toàn diện, căn cơ hơn từ phía trung ương.

Mừng nhưng chưa đủ…

Theo số liệu thống kê mới nhất của UBND TPHCM, hiện nay TP đang thiếu khoảng 2.000 giáo viên MN. Dự kiến trong năm học 2015 - 2016 cần bổ sung thêm 2.000 giáo viên nữa, nâng tổng số giáo viên cần tuyển dụng mới là 4.000 người. Tuy nhiên, số liệu tổng hợp từ 8 đơn vị đang đào tạo giáo viên MN trên địa bàn TP, năm học 2014 - 2015, tổng số sinh viên tốt nghiệp ra trường các ngành sư phạm MN là 1.567 người, trong đó ước tính sẽ có khoảng 80% giáo sinh ở lại công tác tại TP. Như vậy, vẫn còn thiếu đến hơn 50% nhu cầu tuyển dụng.

Từ thực tế đó, nhiều chuyên gia đã dự đoán không chỉ trong năm học này mà ít nhất 4 - 5 năm nữa, vấn đề thiếu hụt giáo viên MN vẫn là bài toán lớn đặt ra cho TP. Thêm vào đó, cô H.T.N.M., một trong những giáo viên trẻ đang công tác tại Trường Mầm non Mai Anh (quận Gò Vấp), bày tỏ: “Mặc dù theo quy định vừa được ban hành, giáo viên được tuyển dụng mới trong năm học 2014 - 2015 sẽ được hỗ trợ 100% lương cơ sở/người/tháng nhưng so với mặt bằng thu nhập chung các ngành nghề khác, mức hỗ trợ này vẫn tương đối thấp. Đó là chưa kể đối với những giáo viên đã công tác tại trường được 2 - 3 năm, chưa thấy quy định có bất kỳ khoản hỗ trợ nào dù thu nhập của chúng tôi hiện nay chưa đến 3 triệu đồng/tháng”.

Ngoài ra, văn bản số 31/2014/QĐ-UBND ban hành ngày 13-9-2014 quy định: “Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nuôi dưỡng trẻ ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo kế hoạch hàng năm, kinh phí đào tạo thực hiện từ ngân sách nhà nước với mức 1.800.000 đồng/người/khóa”.

Song, nhiều giáo viên bày tỏ lo ngại, với tình hình nhân sự thiếu ổn định và thu nhập chênh lệch giữa các cơ sở giáo dục MN ngoài công lập hiện nay, yêu cầu này liệu có được thực hiện một cách đồng đều và công bằng giữa các cơ sở? Cơ quan nào sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm quản lý cũng như giải quyết các khiếu nại, thắc mắc của giáo viên liên quan đến các vấn đề về chế độ, chính sách ở các cơ sở giáo dục MN ngoài công lập?

Thêm vào đó, Đề án thí điểm nuôi giữ trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi hiện nay mới tập trung cho khu vực các trường công lập với nhiều kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ thu nhập, trong khi từ nhiều năm nay đã có rất nhiều trường ngoài công lập nhận giữ trẻ từ 12 - 18 tháng tuổi nhưng chưa được bất kỳ sự quan tâm, hỗ trợ nào.

Tuy còn không ít băn khoăn nhưng đại diện các trường đều thừa nhận những nỗ lực rất lớn của TP trong việc đi đầu cả nước về những chính sách nâng cao chất lượng giảng dạy ở bậc MN. Đổi mới đầu tiên tuy chưa tròn trịa nhưng dư luận có quyền hy vọng vào những bước bổ sung, hoàn thiện tốt hơn để giáo dục MN TP trở thành một trong những điểm sáng đối với cả nước.

THU TÂM (SGGP)