Thứ hai, 4/8/2008, 16h12

Vai trò người thầy trong việc giúp sinh viên rèn luyện nhân cách

Chắc chúng ta đều biết, trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, nguồn nhân lực (Human Resource) có vai trò quyết định so với mọi nguồn lực khác. Bởi mọi nguồn lực khác như vốn, khoa học công nghệ, tài nguyên thiên nhiên… chỉ phát huy được tác dụng, khi có sự tác động của nguồn nhân lực. Vả lại, các nguồn lực khác sẽ cạn kiệt, nhưng nguồn nhân lực là vô tận.

Trong nguồn nhân lực, sinh viên sẽ là một nguồn lực cao cấp, nếu chúng ta, cả thầy lẫn trò đều thực hiện thật tốt phong trào thi đua “hai không”, “bốn không”, (gần đây, còn có phong trào thi đua đối với bậc tiểu học, THCS, và tiến tới THPT là “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”) do Bộ GD-ĐT phát động. Trong “bốn không”đó, “hai không” tiếp theo là nói không với việc đào tạo không đạt chuẩn và nói không với việc đào tạo không đáp ứng nhu cầu xã hội, nghĩa là đào tạo phải đạt chuẩn, nói theo ngôn ngữ của cụ Khổng là phải “chính danh”; và phải đáp ứng được nhu cầu xã hội, nghĩa là phải thực dụng (pragmatism - tạm hiểu là thực dụng luận theo nghĩa tích cực, như Lê nin nói: “Người cộng sản phải là người biết kết hợp nhiệt tình cách mạng Nga với đầu óc thực dụng Mỹ”, chứ không là chủ nghĩa thực dụng, thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực).

Việc đào tạo sinh viên đạt chuẩn để tạo ra một nguồn nhân lực cao cấp, đáp ứng được nhu cầu xã hội (nghĩa là yêu cầu cả chất và lượng của nguồn nhân lực) có liên quan chặt chẽ với vấn đề “nhân cách sinh viên”. Bởi vậy, tôi xin trao đổi với các bạn một đôi điều xoay quanh “Vai trò người thầy trong việc giúp sinh viên rèn luyện nhân cách”.

Người thầy giữ vai trò rất quan trọng trong việc rèn luyện nhân cách cho sinh viên

Đã quá lâu rồi, dường như người thầy chỉ nặng về dạy chữ (truyền đạt tri thức), mà chưa quan tâm đúng mức việc dạy nghề, và coi nhẹ hoặc bỏ quên việc dạy người (dạy làm người). Trước thực trạng đạo đức xã hội đang xuống cấp nghiêm trọng, việc dạy làm người lại càng trở nên cấp thiết. Để dạy người học làm người, đương nhiên phải thông qua kênh hình thành tri thức. Song, như vậy chưa đủ, mà còn phải thông qua sự mẫu mực sư phạm của người thầy, và điều cực kì quan trọng là thông qua chính nhân cách người thầy.

Thế nào là nhân cách?

Dưới góc độ triết học, nhân cách là một phạm trù dùng để chỉ sự khác biệt giữa các cá nhân. Nó là cái chỉ bản sắc độc đáo, riêng biệt (cái đơn nhất) về tổng thể những phẩm chất tâm - sinh lý - xã hội của mỗi cá nhân, là “cái tôi” của mỗi cá nhân, đóng vai trò chủ thể tự ý thức, tự đánh giá, tự khẳng địnhtự điều chỉnh mọi hành vi của cá nhân.

Dưới góc độ tâm lý học, một số nhà tâm lý học Xô-Viết (trước đây) coi nhân cách (personnality) là một cấu trúc tâm lý (vector tổng của 4 vector thành phần): xu hướng (tendency), tính cách (character), khí chất (temperament) và năng lực (capacity, ability). Mọi hành vi cá nhân đều là biểu hiện các khía cạnh khác nhau của nhân cách cá nhân.

Dưới góc độ đạo đức học, nhân cách là một thể thống nhất giữa đứctài (hay phẩm chất năng lực, hay “hồng” và “chuyên”) trong đó đức là gốc, tạo nên nét đặc trưng và giá trị làm người của mỗi cá nhân cụ thể.

Thông thường, phạm trù nhân cách chỉ được hiểu theo nghĩa tích cực, nghĩa tốt. Nếu ai đó mà nhân cách “có vấn đề”, thường bị đánh giá là yếu, thiếu, kém, hoặc tệ lắm là mất nhân cách.

Nhân cách được hình thành như thế nào?

Nhân cách không phải là cái bẩm sinh, mà chủ yếu được hình thành bằng con đường ngoài cơ thể. Với tiền đề vật chất là cơ thể sinh học phát triển tới mức cao nhất của giới hữu sinh, thì sự tác động biện chứng giữa yếu tố môi trường xã hộicá nhân (tức bên ngoài cơ thể) đóng vai trò quyết định trong sự hình thành và biến đổi nhân cách. Quá trình hình thành nhân cách nói riêng và hình thành con người nói chung đã được Marx chỉ ra từ lâu : “con người vừa là chủ thể vừa là sản phẩm của lịch sử” , và “con người tạo ra hoàn cảnh tới mức nào thì hoàn cảnh cũng tạo ra con người tới mức đó”(1). Như vậy là: con người - với tư cách loài người - đóng vai trò chủ động trong quá trình hình thành nhân cách của mình.

Tuy nhiên, đối với thế hệ trẻ - thế hệ chưa trưởng thành, thì vai trò chủ động đó không xuất hiện ngay từ khi chúng chào đời. Khi trẻ mới chào đời, vai trò chủ động đó hoàn toàn lu mờ. Nói cách khác: chúng hoàn toàn thụ động. Vai trò đó chỉ xuất hiện khi đứa trẻ (khoảng 3 tuổi) bắt đầu có ý thức về “cái tôi” (nghĩa là biết phân biệt bản thân với người khác), lúc ấy nhân cách ở trình độ cảm tính mới bắt đầu hình thành. Nhân cách đó một lần nữa được xác định về lý tính ở lứa tuổi 16, 17. Nó sẽ được hoàn thiện dần hay bị thui chột theo năm tháng, tùy theo môi trường sống (gia đình, nhà trường, xã hội). Như vậy, ở giai đoạn thế hệ trẻ chưa trưởng thành, vai trò của xã hội, với tư cách là “hoàn cảnh mang tính người”, có tính chất quyết định trong việc hình thành nhân cách cho họ. Liên quan đến vấn đề này, trong một bài thơ, Bác Hồ viết: “Ngủ thì ai cũng như lương thiện / Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền / Hiền dữ phải đâu là tính sẵn / Phần nhiều do giáo dục mà nên”.

Tới tuổi thành niên, nhân cách đó sẽ phụ thuộc hai chiều vào sự tương tác giữa cá nhân và xã hội. Ở trình độ sinh viên thì cả về cảm tính lẫn lý tính, nhân cách đã hình thành. Song nhân cách đó đạt tới mức nào, trung bình hay tốt; còn khiếm khuyết hay biến dạng, thì còn tùy thuộc vào từng em và môi trường xã hội.

Ở bậc đại học, nhân cách sinh viên cần theo những tiêu chí nào

Bước vào thế kỷ 21, với xu thế “toàn cầu hóa” không thể đảo ngược (nhân tố khách quan), trên tinh thần chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của chúng ta (sự nỗ lực chủ quan), phải chăng mẫu nhân cách của sinh viên phải là:

- Sống có lý tưởng XHCN, có trách nhiệm với công việc, với xã hội, với mọi người và với chính mình.

- Sống trong “lẽ phải và tình thương”, dám đấu tranh cho lẽ phải, cho chân lý, cho sự tiến bộ và công bằng xã hội; dám tự khẳng định mình và nuôi chí lớn để rửa “nỗi nhục đói nghèo và lạc hậu” cho đất nước.

- Có sức khỏe, có học thức, có năng lực làm việc sáng tạo, có ý thức tổ chức kỷ luật.

- Có sự phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức và tâm hồn.

Để đạt được yêu cầu của những tiêu chí trên, bên cạnh sự nỗ lực tự thân của sinh viên là chính, không thể không có vai trò của tập thể sư phạm, trong đó có tầm quan trọng rất mực của đội ngũ những người thầy.

Vai trò của người thầy đối với việc rèn luyện nhân cách của sinh viên

Chúng ta đã quá quen thuộc với những câu nói, chẳng hạn: “Không thầy đố mày làm nên”, “Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục và được xã hội tôn vinh” (2). Vấn đề hiện nay là cần hiện thực hóa chúng trong cuộc sống. Theo tôi, vai trò của người thầy tác động vào nhân cách người học, ở tầm nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, phải được thể hiện đồng bộ trên cả 3 mặt:

- Hình thành tri thức mới (mới đối với người học).

- Rèn luyện phương pháp tư duy (tư duy độc lập, tư duy phê phán và tư duy sáng tạo - một điểm đang yếu trong giảng dạy hiện nay).

- Bồi dưỡng tâm hồn trong sáng (bao hàm cả việc giáo dục lý tưởng, lẽ sống, đạo đức) cho các em. Phải “chắp cánh” ước mơ cho các em bay cao, bay xa...

Trong mỗi bài giảng, đều nhất thiết phải có được cái mới trên những mức độ khác nhau để đạt được yêu cầu về cả 3 mặt đó. Tri thức mới, như “vật liệu xây dựng”. Phương pháp tư duy tựa như “cách thiết kế ngôi nhà”. Chỉ có vật liệu mà không biết cách làm thì cũng như không. Song, nếu có vật liệu, biết cách xây dựng, mà không chịu / muốn / dám / say mê làm thì cũng vô dụng; nghĩa là không có tâm hồn hay tâm hồn bệnh hoạn, méo mó thì cũng hỏng.

Trong 3 mặt trên, xét về tầm quan trọng của yêu cầu giáo dục, thì bồi dưỡng tâm hồn là cái “gốc”, bởi vậy nên chúng ta mới đề ra khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn”. Và “học lễ” thông qua “học văn”, bởi “văn dĩ tải đạo”, nghĩa là thông qua dạy chữ dạy người. Đương nhiên không phải sống sượng “lắp ghép” 3 mặt với nhau. Thực hiện tốt yêu cầu của cả 3 mặt đó đòi hỏi người dạy phải có nghiệp vụ và năng lực, năng khiếu sư phạm nhất định. Chính vì vậy mà sư phạm không chỉ là khoa học, mà còn là nghệ thuật.

Trong ba mặt này, thực hiện yêu cầu của mặt thứ ba là khó nhất, nó đòi hỏi người thầy phải thực sự là thầy, bởi “chỉ bằng nhân cách người thầy tác động vào nhân cách người học mới là bản chất đích thực của quá trình giáo dục”. Người thầy không được phép khuyên nhủ học trò “Hãy làm những điều thầy nói, chớ làm những điều thầy làm” (Fais ce que je dis, ne fais pas ce que je fais).

Nói đúng và làm đúng là điều kiện cần và đủ của người thầy. Nếu chỉ nói mà không làm, nghĩa là chỉ “rao giảng” đạo đức mà bản thân người thầy không “hành” đạo đức (nghĩa là ông thầy chỉ là kẻ đạo đức giả) và không “tổ chức” cho sinh viên rèn đạo đức (“trăm năm tụng niệm Như Lai, Không bằng lượm một cành gai giữa đàng”) thì chẳng khác nào “đem cái bất lực ra mà hành động” (Marx).

Victor Hugo đã nói: “Trước trí tuệ siêu việt, ta cúi đầu bái phục; trước lòng tốt cao cả, ta quỳ gối tôn thờ”. Để có thể tác động tích cực tới nhân cách của trò, để trò có thể coi thầy như “thần tượng”, thì - theo lời chỉ dẫn của Victor Hugo - người thầy vừa phải có trí tuệ, vừa phải có tấm lòng, bởi: “Trong giáo dục, tất cả phải dựa vào nhân cách của nhà giáo dục (K.D.Usinxki).

Trong tiến trình giúp các em rèn luyện nhân cách, có lẽ lời khuyên của đương kim Tổng thống Pháp là có ích đối với mỗi thầy, cô giáo chúng ta: “Giáo dục, tức là tìm cách dung hòa hai vận động trái chiều nhau: một đằng là giúp cho từng em tìm ra con đường riêng thích hợp, và một đằng là dạy cho các em những điều mà mỗi chúng ta tin là chân, thiện, mỹ.

Có một điều bắt buộc đối với người lớn khi đối diện với đứa trẻ đang trưởng thành, ấy là không bóp nghẹt nhân cách các em, song vẫn không khước từ sứ mệnh dạy dỗ các em”(3).

C.DÂN

1). (Mác - Ăng-ghen tuyển tập - Tập 1 - NXB Sự Thật Hà Nội 1980 tr 306.

(2). NQ TW 2 - Khóa VIII.

(3). Thư của Tổng thống Pháp Sarkozy gửi các thầy cô giáo Pháp nhân ngày khai trường năm học 2007-2008.