Thứ năm, 16/4/2015, 21h04

Bình Khang, “ngã ba bụi đời” nay đã khác

Bà Nguyễn Kim Huê, chứng nhân rất rành về “ngã ba bụi đời” bên xe hủ tiếu
Sài Gòn từng có những khu vực là nơi nương náu của các băng du đãng khét tiếng. Sau giải phóng, chính quyền địa phương đã hết sức nỗ lực làm công tác chuyển hóa địa bàn, lập lại trật tự, đem an bình đến cho khu dân cư.
“Ngã ba bụi đời”
Sài Gòn có một “ngã ba bụi đời” mà không phải ai cũng biết, kể cả những người Sài Gòn chính gốc, có chăng cũng chỉ nghe loáng thoáng trong dịp tình cờ nào đó. Cái tên “ngã ba bụi đời” có từ trước năm 1975, là ngã ba Bùi Đình Túy - Nguyễn Thiện Thuật và hẻm 304 (phường 12, đường Bùi Đình Túy hướng ra đường Ngô Đức Kế) thuộc Q.Bình Thạnh bây giờ.
Bà Nguyễn Kim Huê là một trong số ít người lớn lên ở “ngã ba bụi đời” còn sống đang ngụ tại số 343 Bùi Đình Túy (phường 24, Q.Bình Thạnh). Dù tuổi cao sức yếu (87 tuổi) nhưng bà Huê vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn và là chủ quán hủ tiếu, bò kho nổi tiếng suốt 27 năm tại số nhà trên. Bà Huê cho biết: ““Ngã ba bụi đời” trước là nghĩa địa, bao bọc bởi vô số ao rau muống, là nơi tụ tập của những tên du đãng, đầu trộm đuôi cướp khét tiếng. Hồi xưa chỉ nghe tên “ngã ba bụi đời” là từ già đến trẻ đều sợ. Nhiều người bị chúng sát hại rồi cướp tài sản. Không chỉ cướp, giết người mà những tên du đãng này còn bắt bớ phụ nữ hiếp đến chết rồi quăng xác ở nghĩa địa”. Bà Huê cho biết thêm, trước năm 1975, gia đình bà sống cách ngã ba này một ao rau muống.
Bà Nguyễn Kim Tư (79 tuổi) quê ở Lái Thiêu (Sông Bé cũ, nay là Bình Dương - PV) có hàng chục năm sống ở khu Bà Chiểu, cho biết từ hồi gia đình mới chuyển lên Sài Gòn sinh sống bà đã nghe những câu chuyện rùng rợn ở “ngã ba bụi đời”. Có lần người thân bà định chuyển đến gần đó ở vì giá nhà đất rẻ mạt, bà biết chuyện đã hết lời can ngăn nhưng họ không nghe. “Tức quá, tôi liều mình dắt họ sang, giả vờ đi thăm mộ để được tận mắt chứng kiến cảnh chém giết giữa ban ngày, lúc đó thì họ mới đổi ý định”, bà Tư kể lại.
Mãi đến sau giải phóng, các nhóm du đãng mới dạt đi nơi khác, một số ít bị chính quyền bắt hay chết vì bệnh già. Nghĩa địa cũng được san lấp. Như nhiều hộ gia đình khác, lúc bấy giờ gia đình bà Huê mới dám chuyển ra ngoài ở. Bà Huê cười nhe hàm răng chỉ còn vài chiếc, khẳng định: ““Ngã ba bụi đời” được truyền miệng đến bây giờ nhưng mọi thứ đã đổi thay kể từ sau ngày giải phóng”.
Trở lại Bình Khang

Một trong những con hẻm dẫn vào xóm Bình Khang hiện nay
Trong những ngày đi tìm tư liệu viết bài phục vụ sự kiện 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngoài những địa danh khét tiếng có hoặc không có trên bản đồ hành chính TP.HCM, chúng tôi còn được người dân thông tin về xóm Bình Khang - Cây Điệp. Xóm này nằm lọt thỏm giữa các đường Lê Hồng Phong, Trần Nhân Tôn, Hùng Vương, Vĩnh Viễn… thuộc khu phố 1, phường 1, Q.10 (TP.HCM ngày nay).
Trở lại Bình Khang vào một ngày trung tuần tháng 4, đúng như thông tin những người hành nghề xe ôm cho biết, các con hẻm ở xóm Bình Khang chằng chịt, ngoằn ngoèo với những căn nhà thấp tè, diện tích khiêm tốn, tất cả phủ màu thời gian. Ông Lý Tịnh, người Việt gốc Hoa lớn lên ở Bình Khang, nheo mắt nhớ về ngày xưa: “Những năm 50 trở về trước, đây là vùng đất lành, người dân địa phương chăm chỉ làm ăn, dù cuộc sống túng thiếu nhưng không có tệ nạn. Chỉ từ sau năm 1954, cũng như một số vùng đất khác của Sài Gòn, xóm Bình Khang là nơi tập trung dân tứ xứ với đủ ngón nghề. Hẻm nhỏ như ma trận lại là thế mạnh, cơ hội cho các băng nhóm bảo kê, môi giới mại dâm hoạt động. Những ông trùm, bà trùm chăn dắt gái mại dâm lúc bấy giờ bắt đầu cuộc thanh trừng tranh giành cứ địa làm ăn. Xóm Bình Khang trở thành vùng đất dữ từ đó…”.
Lũ trẻ lớn lên ở xóm Bình Khang đã sớm quen với lối sống không lành mạnh. Hình ảnh những cô gái trẻ phấn son lòe loẹt, những thanh niên cơ bắp cuồn cuộn với hình xăm vằn vện đã quá quen thuộc với chúng. Ông Tịnh cho biết: “Ngày cũng như đêm liên tục xảy ra những cuộc truy sát giữa dân bảo kê với dân làng chơi cố tình quỵt nợ. Không ít người ở xóm Bình Khang là nạn nhân bởi tháng ngày sống với các dịch vụ ăn theo hoạt động mại dâm. Cám cảnh về tương lai mờ mịt của đám trẻ, không ít gia đình phải bán nhà chuyển đi nơi khác sinh sống”.
Nhắc đến xóm Bình Khang một thời, bà Bùi Thị Mây (ngụ ở đường Lê Hồng Phong, phường 1, Q.10) nói: “Những năm 50, cha tôi sống bằng nghề chạy xích lô máy ở bến xe (Bến xe Lê Hồng Phong, thuộc phường 2, Q.10 bây giờ - PV). Cái ăn hàng ngày đắp đổi nhưng có nhà cửa đàng hoàng. Khi sức khỏe yếu, cha tôi ngăn nửa nhà sau cho thuê. Một vài tháng đầu người ta thuê để ở, sau đó biến làm điểm đáp của gái mại dâm nên cha tôi  quyết định không cho họ thuê nữa mà chỉ dành cho những người mua bán lương thiện ở bến xe về ngả lưng mỗi đêm”. Cũng theo bà Mây, xóm Bình Khang khi ấy có nhiều gia đình sa vào tệ nạn. Đàn ông thanh niên thì chăn dắt, bảo kê. Còn trẻ em cũng kiếm sống với công việc canh gác…
Hiện nay, với sự nỗ lực chuyển hóa địa bàn của thành phố, quận và các phường, tệ nạn xã hội ở xóm Bình Khang đã giảm hẳn. Tuy vẫn còn một số gia đình xác xơ, người thân ở chốn lao tù vì vướng tệ nạn nhưng con số ấy không nhiều. Chúng tôi đã được nghe người dân nói đi nói lại: “Bình Khang đã bình yên”.
Bài, ảnh: Trần Anh
Hiện nay khách đến ăn hủ tiếu, bò kho của bà Huê là vì ghiền cái hương vị đặc trưng của nước lèo do chính tay bà nấu. Tuy nhiên trong số ấy có không ít người đến là để được nghe, được hiểu thêm về nguồn gốc cái tên “ngã ba bụi đời” từ bà chủ quán.