Thứ tư, 4/3/2015, 07h03

Đầu năm lên rừng lấy đoác

Cây đoác thường chỉ mọc ở vùng rừng sâu của đại ngàn Trường Sơn
Trong muôn vàn câu chuyện về ẩm thực Việt Nam, miền quê nào cũng gắn liền với một đặc sản mà mỗi khi nhắc đến nó mọi người lại nhớ ngay đến vùng đất ấy và ngược lại. Cây đoác ở chốn núi rừng Trường Sơn là một trong số đặc sản đó.
Đậm đà hương vị từ… đoác
Đã có hẹn trước, những ngày đầu năm mới, chúng tôi theo chân anh Hồ Ê Nót, Trưởng bản Cu Pua, xã Đakrông, huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) lên rừng lấy đoác - thứ đặc sản chỉ chốn núi rừng vùng này mới có.
Hơn một giờ đồng hồ cắt rừng, len lỏi qua con đường đầy gai bụi, anh Nót dừng lại trước một gốc cây thân đốt, trông qua rất giống cây dừa. Anh Nót giải thích: “Đây là cây đoác. Cây này chỉ mọc ở núi rừng Trường Sơn. Thứ thực phẩm lấy từ ruột cây có thể chế biến thành nhiều món đặc sản mà ai từng một lần ăn sẽ không thể quên hương vị. Những năm tháng chiến tranh, thiếu hụt lương thực, đồng bào thường chế biến các món ăn từ loại cây này để sống qua ngày, hỗ trợ cho bộ đội bám rừng đánh giặc. Bây giờ đời sống đổi thay, đoác trở thành đặc sản được nhiều thương lái miền xuôi lùng mua về làm món ăn trong nhà hàng ở phố thị. Mỗi cây đoác đốn được đem về bán ngày thường có giá 30 ngàn đồng, ngày Tết giá lên gấp đôi…”. Dứt câu chuyện, anh cầm cây rựa sắc bén cặm cụi phát quang cành lá. Rồi tiếp tục đốn gốc cây. Những nhát rựa cứa vào lớp vỏ dày cứng của gốc cây nghe chan chát như người ta đốn gỗ. Lớp vỏ tróc hết, lộ ra lớp thịt non trắng muốt trông như măng tre. Anh Nót hồ hởi nói: “Đấy, thứ thực phẩm quý hiếm mình tìm là đây! Tuy nhiên, muốn chế biến thành món ăn còn phải trải qua nhiều công đoạn”. Liền đó anh cho thân cây đã chặt ra từng khúc vào chiếc gùi để mang trở ra bờ suối. Thân cây đoác to như khúc gỗ được anh tróc vỏ, bỏ hết lớp xơ, chỉ còn lại mỗi ruột cây non mới mang về nhà chế biến.
Món ăn chế biến từ đoác của người Vân Kiều khá cầu kì. Theo đó, đoác sau khi được cắt lát mỏng ngâm nước muối được đưa vào nồi nấu canh với thịt gà. Số còn lại được luộc chấm nước mắm ớt. Chị Hồ Thị Vân, vợ anh Nót vừa cặm cụi nhóm bếp lửa nấu món đoác đãi khách, cho biết: “Thức ăn từ đoác có thể chế biến thành món canh nấu với thịt gà hoặc cá suối, cũng có thể hấp với cơm hay luộc để chấm mắm. Riêng món canh đoác lúc nấu nhất định phải hái một loại lá trên rừng gọi là C’hé, có mùi thơm như lá chanh để tạo hương vị cho bát canh thơm nồng, hấp dẫn”.
Câu chuyện đầu năm mới giữa chúng tôi với gia đình anh Trưởng bản bên bếp lửa hồng mỗi lúc một mặn hơn. Hương vị của món canh đoác đọng nơi đầu lưỡi vừa ngọt, vừa bùi béo và thơm nồng mùi lá rừng. Cả một miền ẩm thực độc đáo của đồng bào Vân Kiều như gói gọn trong bát canh đoác.
Nồng say men rượu đoác

Trưởng bản Hồ Ê Nót bên nồi canh đoác đãi khách ngày đầu xuân
Trong câu chuyện với khách, anh Nót cho biết cây đoác không chỉ để chế biến thức ăn mà còn làm nên thứ rượu độc đáo của người Vân Kiều. Hằng năm đoác đơm bông, kết trái từ tháng 11 đến hết tháng 3 âm lịch. Để làm rượu đoác, bà con chặt bớt lá cây, dùng thân gỗ rừng đập dập quanh cổ buồng vài lần, mỗi lần cách nhau 3-4 ngày, sau đó cắt bỏ phần hoa, còn cổ buồng thân đoác giữ nguyên. Tiếp đó, dùng cây dọc môn có tố chất ngứa đập vào vết nứt ra ở cổ buồng thân đoác, nước tiết ra từ đó. Thứ nước này được hứng vào một cái hũ, trong hũ bỏ sẵn vỏ cây chuồn có tác dụng gây men làm cho đoác chuyển hóa thành rượu.
Để chứng minh điều mình vừa nói, anh Nót lấy từ góc nhà một chai rượu đoác đã lên men, bảo: “Rượu đoác là thứ không thể thiếu trong lễ cúng đầu năm. Vài năm nay bản có quy định tiệc tùng, lễ hội không dùng rượu bia để tránh những tai nạn đáng tiếc. Tuy nhiên rượu đoác vẫn được dùng trong lễ cúng gia tiên. Hôm nay biết có khách nên tôi chuẩn bị sẵn để giới thiệu cho mọi người biết về hương vị của rượu đoác”. Sau đó anh chậm rãi rót tràn cốc rượu mời chúng tôi. Vị the từ rượu đoác dâng lên tận mũi như có ga. Thấy chúng tôi nhăn mặt, anh Hồ Ê Nót cười: “Chính cái vị the này mà rượu đoác còn có tên gọi khác là bia trời đấy!”.
Theo kinh nghiệm của người Vân Kiều, muốn lấy được lõi cây đoác làm thực phẩm thì cây phải có thời gian trưởng thành từ 3 năm, còn để lấy được rượu thì cây phải sống trên 5 năm. Rượu đoác cũng là thứ rượu duy nhất lấy trực tiếp từ buồng hoa của cây mà không phải qua công đoạn chế biến, ngâm ủ. Có lẽ vì vậy mà rượu đoác uống lâu say nhưng khi say thì lại rất lâu.
Bên bếp than hồng rực, trong chếnh choáng men say của rượu đoác, Trưởng bản Hồ Ê Nót chậm rãi kể về những phong tục, đặc sản núi rừng. Từng câu chuyện như những viên gạch xếp chồng nhau tạo thành “trầm tích” ngàn năm của chốn rừng thiêng. Mỗi câu chuyện là một niềm yêu thương, trân quý mà người con của bản dành cho nơi chôn nhau cắt rốn...
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
“Tết đến, mâm cỗ của bà con đồng bào dân tộc có thể thiếu nhiều thứ như thịt cá nhưng nhất định không thể thiếu món ăn từ cây đoác. Bát canh đoác thơm ngon, ngậy hương vị núi rừng được bà con xem như món ăn thanh thoát, tiễn năm cũ nhọc nhằn đi qua, đón năm mới về nhiều may mắn”, anh Hồ Ê Nót cho biết.