Thứ ba, 7/10/2014, 21h10

“Du hành” vào thế giới thủy cung

Lạc vào thế giới thủy cung
Tàu vừa cập bến Hòn Mun (Nha Trang, Khánh Hòa), 5 chàng sinh viên đến từ Thụy Điển và Canada - những người dày dạn kinh nghiệm từng hàng chục lần lặn biển - nhanh nhẹn thay đồ lặn, đeo bình dưỡng khí ra hiệu “bái bai” tôi rồi cùng hướng dẫn viên người Việt biến mất trong làn nước xanh.
Biết tôi hồi hộp, huấn luyện viên Hoàng Nam trấn an: “Lần đầu đi lặn ai cũng có cảm giác căng thẳng. Điều quan trọng là mình phải tập dượt thật kĩ trước khi khám phá thế giới thủy cung!”. Tôi hồi hộp mặc bộ đồ bơi bó sát người...
Khóa học cấp tốc trên biển
Anh Hoàng Nam chủ động lắp ráp bình dưỡng khí và các phụ tùng lặn khác gồm kính đeo mắt, chân vịt, thắt lưng chì (để tăng sức nặng)... vào người tôi. Toàn bộ thiết bị lặn phức tạp nặng hơn 20kg này khiến tôi lảo đảo khi đứng lên chuẩn bị nhảy ùm xuống nước. Dìu tôi trôi bềnh bồng trên mặt biển, anh Hoàng Nam bắt đầu hướng dẫn những bài học lặn cơ bản nhất dành cho người mới tập. Đầu tiên, tôi phải úp mặt xuống mặt nước tập thở miệng bằng bình dưỡng khí. Cảm giác ngột ngạt vì không được thở bằng mũi chẳng dễ chịu tí nào. Mất hơn 10 phút tập đi tập lại, hơi thở tôi mới dần ổn định. Tôi và anh Hoàng Nam tiếp tục thực tập qua lại hàng chục kí hiệu qui ước - ngôn ngữ của người lặn dưới nước - như: OK (hai ngón tay cái và trỏ vo tròn vào nhau), xuống sâu (tay cái trỏ xuống), lên mặt nước (tay cái trỏ lên), khó thở (bàn tay chẹn ngang cổ), vo tròn ngón tay cái và tay trỏ (tỏ ý hài lòng)…  Sau đó, anh Hoàng Nam ra hiệu cho tôi khởi hành vào làn nước xanh. Cảm giác luống cuống và vướng víu ở độ sâu 2-3m nước đầu tiên trôi qua, tôi háo hức đạp nước tiến sâu hơn nữa vào lòng đại dương. Một thế giới thủy cung huyền ảo lung linh hiện ra trước mắt tôi...
Thủy cung huyền ảo
Tôi ngây ngất ngắm nhìn rạn san hô đầy màu sắc dày đặc dưới lòng đại dương. Một số khóm san hô mềm trông như những cánh tay đung đưa trong làn nước biển, số khác lại tua tủa như những chiếc sừng nai hoặc xương rồng trông vô cùng lạ mắt. Ở khoảng cách 10m phía trước, một rừng san hô mềm cứng đủ loại vươn ra như một trái núi khổng lồ. Những con hải quỳ tua tủa, những con sứa biển trong suốt trôi bềnh bồng trong làn nước xanh thẳm. Tôi sờ thử vào một khóm san hô trước mặt. Chúng mềm và trơn tuột. Thấy tôi dừng hơi lâu, anh Hoàng Nam ra hiệu tiến sâu hơn vào rừng san hô dày đặc. Lớp lớp cá mao tiên, cá nàng đào, cá bướm... sặc sỡ đủ màu lững lờ bơi lượn như làm duyên xung quanh chúng tôi. Một chú cá nhỏ màu sắc vằn vện còn “làm quen” với khách lạ bằng cách cắn nhẹ vào bàn tay tôi. Tôi mải mê vừa bơi vừa ngắm hết rạn san hô này đến rạn san hô khác, hết bầy cá này đến bầy cá khác như lạc vào một cõi mê cung thần tiên. Tuy nhiên, cảm giác nhoi nhói của tai vì áp suất nước đưa tôi trở về thực tại. Được hướng dẫn từ trước nên tôi hít thật sâu và thở mạnh. Đồng hồ báo độ sâu của tôi chỉ 8m...

Chuẩn bị xuống biển
Con tàu tiếp tục đưa chúng tôi đến bãi lặn Hòn Rơm, một trong những bãi lặn đẹp nhất tại vịnh Cam Ranh. Lần này, tôi quyết định đi cùng 5 chàng sinh viên nước ngoài. Nước biển ở đây mát lạnh người. Qua ánh nắng chói chang của mặt trời từ trên cao chiếu thẳng xuống, thế giới sinh vật biển rực rỡ lạ thường. Khi chúng tôi lò dò vượt qua những bãi san hô dày đặc sinh vật biển để tiến vào một hang đá, một con cá chình to cỡ bắp đùi người lớn thò nửa thân mình ra khỏi hốc đá, ngoác chiếc mồm đầy răng đợi mồi khiến mọi người ai cũng thích thú. Rất tiếc hôm nay các hướng dẫn viên không mang theo thức ăn nếu không chúng tôi đã có thể tận mắt chứng kiến cảnh cá chình tung mình đớp mồi giữa lòng đại dương. Phát hiện chúng tôi, một con cá mú rất to dễ chừng gần chục ký giật mình vọt thẳng vào rạn san hô làm một số sinh vật biển hoảng sợ co quắp thân mình để ngụy trang.
Do lần đầu đi lặn nên tôi không được phép xuống sâu hơn nữa, đành quyến luyến rời thế giới thủy cung huyền ảo đẹp như cảnh thần tiên.
Tình yêu và lòng can đảm
Trở về tàu, 5 chàng sinh viên Stafftrom, Magnusson, Augustinsson, Sruseback (Thụy Điển) và Goski (Canada) ra vẻ vô cùng hài lòng vội vàng lấy sổ nhật kí ghi lại những gì họ vừa quan sát được dưới lòng đại dương. Chìa cho tôi xem quyển sổ chứng nhận từng hơn 40 lần lặn khắp thế giới, Goski lộ vẻ tự hào: “Vừa rồi mình lặn sâu 25m nhưng chưa “xi-nhê” bằng lần xuống độ sâu hơn 40m ở biển Thái Lan!  Sắp tới mình sẽ cố gắng lấy bằng lặn “3 sao””.
Bài học lặn cơ bản nhất dành cho người mới tập, đó là phải úp mặt xuống mặt nước tập thở miệng bằng bình dưỡng khí. Cảm giác ngột ngạt vì không được thở bằng mũi chẳng dễ chịu tí nào...
Hướng dẫn viên Bảo An, một trong số ít những huấn luyện viên lặn Việt Nam được cấp bằng “4 sao”, bật mí: “Nhật kí số lần lặn là niềm kiêu hãnh của hầu hết người yêu lặn biển đấy!”. Anh cho biết đã từng gặp những vị khách từng hàng trăm lần đi lặn, trong đó lần lặn sâu nhất hơn 50m. Mặc dù xuống độ sâu đó người lặn chỉ thấy toàn đá và cát nhưng họ thích chứng minh tình yêu biển cũng như lòng can đảm tuyệt vời - điều mà không phải ai cũng có được.
Đứng trên boong tàu trở về đất liền, Goski làm kí hiệu vòng tròn (OK) rồi hào hứng nói với tôi: “Vịnh Cam Ranh của các bạn xứng đáng là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Hè năm sau mình sẽ trở lại đây để tiếp tục khám phá thế giới thủy cung kì diệu nơi này”.
Tôi cũng ra dấu vòng tròn OK với anh chàng Canada. Một ngày lạc vào thế giới thủy cung huyền ảo, tôi đã khám phá rất nhiều điều thú vị từ biển. Biển Cam Ranh bao la xinh đẹp chứa đựng biết bao điều bất ngờ đến kì lạ...
Bài, ảnh: Nhã Uyên
Môn thể thao mạo hiểm
Lặn biển là môn thể thao mạo hiểm dành cho người trên 13 tuổi, sức khỏe tốt và có lòng can đảm. Nếu không lặn biển, bạn có thể ngắm san hô và sinh vật biển bằng tàu đáy kính (đáy tàu gắn kính để ngắm cảnh dưới làn nước sâu vài mét). Khu vực biển Hòn Mun có trên 300 loài san hô, 250 loài cá và nhiều loài sinh vật biển khác.
Giá các tour thử lặn biển Hòn Mun hiện nay của các hãng lữ hành khoảng 500.000 đồng bao gồm tất cả các dịch vụ kể cả hướng dẫn viên, ăn trưa, bảo hiểm…