Thứ năm, 18/9/2014, 20h09

Giếng xưa ở cố đô

Giếng Trường Xuân đã bị ô nhiễm bởi rác rưởi
Nhắc tới cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) là chúng ta lại liên tưởng đến nơi có nhiều cung điện, đền đài lầu son, gác tía. Mảnh đất này còn được biết đến như một “kinh đô” Phật giáo với rất nhiều chùa chiền nổi tiếng, ra đời từ hàng thế kỷ trước. Song hành với sự hình thành những ngôi chùa thì giếng chùa cũng theo đó ra đời. Qua bao thăng trầm của thời cuộc, chùa vẫn còn đó nhưng giếng… cái còn cái mất!
Một lần có dịp ghé thăm Huế, chúng tôi được một người bạn - vốn mê trà đạo - tỉ mẫn ngồi pha trà sen đãi khách. Câu chuyện quanh tách trà của người trẻ hóa ra cũng có cái hay lạ lùng. Giữa không gian yên ả, thanh tịnh đặc trưng của thú uống trà, chủ - khách như rũ bỏ mọi níu náu áo cơm thường ngày…
1. Người biết thưởng thức trà ở Huế, xưa nay đều cho rằng, trà pha bởi nước giếng ở các ngôi chùa mới thực sự thơm, ngon, dư vị ngọt đọng mãi nơi đầu lưỡi. Xoay quanh ấm trà, người bạn dong dài câu chuyện, gợi lại những cái giếng xưa trong những ngôi chùa cổ ở Huế - nơi một thời sinh viên chúng tôi cứ tranh thủ ngày cuối tuần rủ bạn bè đến tìm chút “dư âm” làng quê với hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình nhằm vơi đi nỗi nhớ nhà.
Quả thật, đến nhiều ngôi chùa ở mảnh đất Thần kinh này mới biết, giếng nước là một công trình không thể thiếu trong tổng thể kiến trúc của chùa chiền xứ này. Chúng tôi không dám đi sâu vào quan niệm phong thủy, chỉ nhìn giếng nước như một điểm nhấn không thể thiếu trong không gian chùa. Khi mà thời của nguồn nước máy chưa lên ngôi thì giếng nước là nơi cung cấp nguồn nước trong lành cho cuộc sống của bao nhiêu con người với bấy nhiêu nhu cầu ăn, uống, sinh hoạt… Ý nghĩa là vậy, song bây giờ dạo quanh một vòng các chùa ở Huế tìm giếng cổ chợt thấy chạnh lòng.
2. Bấm đốt ngón tay, chúng tôi nhẩm tính hệ thống giếng cổ tại các chùa nay chỉ còn lại một số ít, như: giếng Hàm Long (chùa Báo Quốc); giếng Tiên (chùa Kim Tiên); giếng Trường Xuân (chùa Trường Xuân); giếng Thanh Phương (chùa Giác Hoàng)…

Giếng Hàm Long ở chùa Báo Quốc đã được bịt kín bằng lưới thép B40
Lần theo những cái tên chùa, chúng tôi tìm đến để được một lần mục sở thị hình ảnh những cái giếng nước trong veo, hai bên thành rong rêu mịn tọa lạc trong sân chùa yên tĩnh. Nơi đầu tiên chúng tôi chọn là giếng Tiên. Giếng nằm trên đường vào chùa Kim Tiên, thuộc phường Trường An, TP.Huế. Theo các bậc cao niên kể lại, Kim Tiên là một ngôi chùa cổ lâu đời, khi chiếm đóng tại Phú Xuân, vua Quang Trung  đã trưng dụng chùa này để làm phủ ở cho công chúa Ngọc Hân, sau này là Bắc cung Hoàng hậu. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, viết: “Chùa có giếng cổ sâu hơn 30 trượng, nước rất trong mát, tương truyền các tiên nữ thường tắm đêm ở đây nên gọi là giếng Tiên”. Vãng cảnh chùa, thấy lòng thanh tịnh lạ! Nhớ đến những năm xưa, mọi người kể rằng do mang trong mình một giai thoại lãng mạn nên nhiều văn nhân, thi sĩ đến viếng chùa, thăm giếng để lại nhiều câu thơ lột tả cảnh đẹp hiếm có ở nơi này: “Kim Tiên giếng ngọc trong dòng nước/ Bảo tháp chùa xưa thoảng khói trầm/ Vườn tịnh gió chiều reo ngõ trúc/ Gậy thiền thanh thản dạo đường trăng”. Cảnh xưa là vậy, nhưng nay muốn xem giếng nông sâu cũng không thể được. Thành giếng phủ kín rêu phong, miệng giếng đã bị bịt kín bởi một tấm bê tông nằm chắn ngang, chỉ còn một khe hở nhỏ nhoi không đủ để mắt một người tinh nhất có thể nhìn xuyên qua xem nước trong lòng giếng trong hay đục.
Mang nỗi buồn rêu phong của giếng Tiên, chúng tôi tìm đến giếng Trường Xuân với niềm hi vọng sẽ được tận mắt nhìn và nếm thử dòng nước mát lành từ những chiếc giếng cổ nổi tiếng một thời này. Xưa, giếng nằm phía sau chùa Trường Xuân, thuộc đường Chi Lăng, phường Phú Hiệp (TP.Huế). Chùa Trường Xuân là một ngôi cổ tự nổi tiếng được nhiều người biết đến khi có dịp ghé cố đô. Đầu tiên, chùa Trường Xuân chỉ là một cái am có tên Kỳ Viên, được thành lập dưới thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Đến thời nhà Nguyễn, am được nâng lên thành chùa, đặt tên là chùa Xuân An. Năm Minh Mạng thứ 16 (năm 1835), chùa được trùng tu và đổi tên thành chùa Trường Xuân cho đến bây giờ. Song hành với sự hình thành của ngôi chùa thì giếng Trường Xuân cũng có mặt từ thuở mới khai lập am Kỳ Viên. Năm Minh Mạng thứ 16, khi trùng tu chùa, ông Nguyễn Đình Tân đã viết trong văn bia về giếng Trường Xuân: “Nước đã ngọt lại ấm, lặng lại trong, có thể rửa lòng trần mà độ chìm mê qua bến giác…”. Chỉ chừng ấy ngôn từ đủ để gợi lại cho người đọc sự tò mò, muốn một lần đến tận nơi chiêm ngưỡng. Tiếc rằng, hiện nay giếng Trường Xuân đã nằm ngoài khuôn viên chùa Trường Xuân. Theo quan sát, giếng được đào theo hình tròn, thành giếng có nhiều rong rêu bao phủ, trên thành giếng chúng tôi thấy có khắc số 11/77. Có lẽ con số ấy là thời điểm cuối cùng người dân trong vùng góp công trùng tu lại giếng. Không bị bịt kín miệng như giếng Tiên nhưng đáy giếng đã bị bồi lấp khá nhiều, nước giếng ô nhiễm.
Sau đó chúng tôi tìm đến giếng Hàm Long dưới chân đồi Hàm Long, thuộc chùa Báo Quốc. Theo sách sử ghi lại, khoảng năm 1674, hòa thượng Giác Phong khai sơn chùa Báo Quốc thì giếng có từ thời đó. Dưới đáy giếng có một tảng đá như hàm rồng, nước mạch trong đá phun ra trong vắt, thơm và ngọt. Tương truyền, nước giếng này thường được sử dụng pha trà tiến vua. Chuyện xưa về giếng thiêng có nguồn nước đãi khách trần để độ người qua bến giác nay cũng chỉ còn dấu tích. Giếng đã bị bịt kín bởi lưới thép B40 để tránh trẻ con ném đất, đá làm bồi giếng. Thời đại có nước máy nên cũng không ai còn dùng nguồn nước này, dù chỉ để thưởng ngoạn thú pha trà mỗi sớm tinh sương.
3. Chia tay xứ cố đô Huế, chúng tôi mang theo nỗi niềm quê kiểng về dấu xưa giếng cũ. Nhớ và ước một lần được thưởng lãm cái thú của người xưa bằng một ly trà pha từ nguồn nước giếng ngọt lành của những giếng cổ nay đã đi vào thơ văn, bia đá của những ngôi chùa xứ Huế!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Người bạn của chúng tôi bảo: “Kể cũng lạ, trà ở đâu và bao giờ cũng vậy, chất lượng không đổi nhưng nước trà thì sẽ đổi tùy theo loại nước dùng pha ra nó, hẳn nhiên là sự pha chế ấy phải đúng kỹ thuật thưởng trà xưa mà các cụ để lại”.