Thứ sáu, 11/7/2014, 07h07

Hiên ngang Trường Sa: Kỳ cuối: Dấu ấn khó quên

Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong trận Gạc Ma năm 1988, diễn ra trên tàu HQ 571
Hành trình “Tuổi trẻ vì chủ quyền biển đảo quê hương” năm 2014 được dừng chân trên những hòn đảo thân yêu, đọng lại trong chúng tôi là những dấu ấn sâu đậm...
Buổi lễ tưởng niệm xúc động trong mưa
Một buổi chiều, đoàn hành trình trên tàu HQ 571 làm lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ hải quân đã anh dũng hy sinh khi tham gia xây dựng và bảo vệ đảo Gạc Ma vào ngày 14-3-1988. Lễ tưởng niệm dự kiến diễn ra lúc 16 giờ nhưng sau đó do trời mưa phải hoãn lại đến 16 giờ 30. Không có dấu hiệu cơn mưa sẽ dứt hạt, lãnh đạo đoàn quyết định tổ chức lễ dưới mưa và vì thế mà các thành viên trên tàu đã có một buổi lễ tưởng niệm đặc biệt, đầy xúc động. Chúng tôi được biết, gần như đoàn thăm Trường Sa nào đến làm lễ tưởng niệm ở nơi đây cũng đều có mưa. Đó là sự trùng hợp kỳ lạ hay có yếu tố gì đặc biệt chăng, chúng tôi không thể giải thích…
26 năm trước, khi đang tham gia xây dựng đảo Gạc Ma, bất ngờ các chiến sĩ hải quân Việt Nam bị quân Trung Quốc tấn công. Các chiến sĩ của ta với cuốc, xẻng, xà beng, súng bộ binh đã không thể chiến đấu một cách cân xứng với quân thù. Các anh lần lượt ngã xuống. Có chiến sĩ quấn quốc kỳ quanh mình để quyết giữ cho được lá cờ, thể hiện chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam tại Gạc Ma cũng như khẳng định tình yêu nước nồng nàn…; trước lúc hy sinh còn hô: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân”…
Mọi người lặng lẽ thả hoa cúc tươi, thả hương, thả hạc giấy với những nguyện cầu riêng. Mưa vẫn rơi. Biển nổi sóng, như cũng trầm buồn với sự tiếc thương của mọi người đối với 64 anh hùng liệt sĩ. Chúng tôi chợt nhớ câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu: “Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa”…  Phải chăng dưới lòng biển sâu hay ở đâu đó, các anh thấu hiểu và chia sẻ được nỗi niềm của các thành viên?
Trong mưa, chúng tôi nhìn về Len Đao chơi vơi giữa biển. Mưa mờ mịt nhưng nhìn thấy phía xa xa là Gạc Ma, một phần máu thịt của Việt Nam, một phần thực thể của Trường Sa và của biển Đông. Nhưng bây giờ, quân thù đang chiếm đóng, chúng cho tàu chiến để yểm trợ việc xây dựng trái phép trên đảo. Cần cẩu giương cao càng làm sôi sục lòng căm thù, khắc sâu câu văn tế của Nguyễn Đình Chiểu: “Đêm thấy bòng bong che trắng lốp, những muốn ăn gan/ Ngày xem ống khói chạy đen xì, toan ra cắn cổ”… Sự căm hờn đó chắc có ở trong lòng của tất cả mọi người, nhất là những người đang tận mắt nhìn thấy các đảo.
Tinh thần tiết kiệm của các chiến sĩ
Sống giữa đảo, thiếu thốn nhiều thứ nên các chiến sĩ hải quân phải rất tiết kiệm. Và nhờ đó cũng rèn luyện tinh thần tiết kiệm cho các chiến sĩ, cũng như khơi gợi sự sáng tạo.
Đến một số đảo chìm, do ở khu vực rạn san hô nên cần phải có luồng để ca nô có thể vào được mà không vướng đá hoặc san hô ngầm, các chiến sĩ dùng quả bóng, thùng nhựa… để làm các phao, có tác dụng không khác gì phao chuyên dụng, lại có màu sắc và hình thù đặc biệt. Cơm nấu cho chiến sĩ, phần cháy hoặc khét, đồ ăn thừa… được dùng để nuôi gà, vịt, chó, một số đảo còn để nuôi heo. Làm thức ăn, các thứ thừa thãi hoặc phải bỏ đi như đầu cá, xương vụn… đều được tận dụng để “cải thiện” cho các vật nuôi. Nếu ở đất liền ăn rau thường lặt bỏ phần thân hoặc lá già thì trên đảo chỉ chừa lại phần nào không ăn được, còn lại đều dùng cả, kể cả phần không ăn được đó cũng dùng để ủ làm phân. Một số loại rau như quế, húng, rau muống…, các anh chỉ ngắt ngọn hoặc lấy lá, thân (gốc) và rễ được giữ lại để lên chồi lên lá tiếp… Đặc biệt là việc tiết kiệm nước. Nhiều khi chiến sĩ phải tắm nước mặn, sau đó mới xả lại nước ngọt, mà nước ngọt tắm xong cũng phải giữ lại để tưới cây. Ở các nhà vệ sinh thường có khẩu hiệu kêu gọi tiết kiệm nước và thiết kế việc dội nước sao cho tiết kiệm nhất mà vẫn sạch sẽ. Nước vo gạo, rửa chén, làm cá thịt, giặt đồ… đều được tận dụng tối đa theo cách có thể để mỗi tí nước ngọt đều thực sự có ích và không bị lãng phí. Ngoài ra, việc sử dụng các trang thiết bị khác cũng trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả.
Cây xanh trên đảo

Thiếu úy quân y Nguyễn Phúc Tộ trên đảo Nam Yết cho gà, vịt ăn
Lên đảo Phan Vinh A, mọi người đều thấy ấn tượng với những cây dừa, bàng vuông, tra… được đánh số hẳn hoi, in bằng bảng mica rất đẹp. Có lẽ ở các thành phố hay các công viên thì cây cối mới được “có tên” như vậy. Khắp nơi trên hòn đảo mang tên người anh hùng thuyền trưởng của tàu không số Nguyễn Phan Vinh (1933-1968) trong kháng chiến chống Mỹ, cây xanh rợp mát. Từng cây được chăm sóc tốt, cắt tỉa khá gọn gàng; nhiều cây dừa có trái, vài cây bàng vuông có hoa đẹp, các cây tra đều ra bông dài… Ra vườn rau, thấy có rau muống, cải…, góp phần làm tăng thêm màu xanh cho đảo.
Ở Sơn Ca, ai nấy đều trầm trồ bởi đảo có rất nhiều cây xanh, những con đường, những khoảnh sân đều rợp mát với phong ba, bàng, bàng vuông, dừa... Rau thì có rau muống, mồng tơi, rau dền, mướp, bí đao… Ở chùa Sơn Ca còn có vài loài hoa kiểng là sứ, trang đỏ và bông giấy. Ở bãi đất hoang, nhiều cây dừa vừa được trồng, dự kiến sẽ có một vườn dừa xanh tốt; còn dưới chân, rau muống biển kiên gan phát triển dưới cái nắng gay gắt và nền đất chỉ có cát với san hô… Ở Nam Yết, cây cối còn nhiều hơn. Từ xa xa đã thấy những cây dừa cao, cứ tưởng như là đang đến một hòn đảo du lịch. Trên đảo, có khá nhiều cây mù u cổ thụ mà nhiều người không biết được trồng tự bao giờ, có lẽ từ thời các chính quyền trước đây đến quản lý đảo, trên dưới nửa thế kỷ. Bàng rất nhiều, ngoài ra còn có bàng vuông… và nhất là một số loài cây ăn trái như chuối, đu đủ… Nam Yết khá rộng nên rau xanh cũng được trồng khá nhiều, với mồng tơi, rau muống, ớt, quế, cải…
Thiếu các dụng cụ đựng đồ, các anh cắt lon bia, chai nhựa, thùng nhựa… để làm đồ múc nước, để xà bông, kem đánh răng hoặc các vật dụng nhà bếp.
Đảo Sinh Tồn Đông cũng có rất nhiều cây xanh. Hôm đoàn đến đảo, trời có mưa nhẹ, những tán cây đẫm nước, những bông bàng vuông nở tím hồng còn đọng những hạt nước long lanh, phong ba và bão táp tươi hẳn trong nắng mới, dừa nghiêng tàu lá xạc xào… Nhưng không phải đảo nào cũng có nhiều cây xanh. Nhất là ở đảo chìm, do diện tích rất nhỏ hẹp nên gần như không có đất để trồng cây. Trên đảo Đá Lớn, có mỗi một cây bàng vuông được trồng trong cái chậu, đặt nép vào một góc đảo. Cây xanh trên đảo chỉ có vườn rau be bé, từ các chậu nhựa, nhưng rất phong phú với rau muống, dền, cải, húng, sả, mồng tơi, quế, ớt… Ở Len Đao hay Phan Vinh B, các nhà giàn… tình trạng cũng thế, khiến màu xanh ở đảo gần như chỉ có màu của trời, của biển.
Bài, ảnh: Nguyễn Minh Hải
Cây xanh được chăm chút cẩn thận
Ở Phan Vinh A, các chiến sĩ còn thực hiện việc chiết cành cây để trồng, thay vì trồng bằng hạt rất lâu lớn. Ở Nam Yết và các đảo khác, lá cây được quét thu gom để ủ làm phân, bón lại cho cây. Trên các đảo, dừa là một của cải quý giá, nên phần lớn được để già và tiếp tục làm giống, thay vì mang giống từ đất liền ra sẽ khó thích nghi. Việc sử dụng mỗi quả dừa phải có lệnh của chỉ huy… Có vậy mới thấy cây xanh ở đảo quý giá như thế nào.