Chủ nhật, 4/5/2014, 21h05

Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954/ 7-5-2014): Gặp người đánh đồi A1

Đại tá Trần Thế Đề hiện nay
Đại tá Trần Thế Đề, chính trị viên Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) là nhân chứng của trận đánh đồi A1 làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử 60 năm. Những chiến sĩ quả cảm trên tuyến lửa ngày ấy nay không còn nhiều, lại ở cái tuổi nhớ nhớ, quên quên. Trong những ngày cả nước hướng tới kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2014), trong căn nhà nhỏ trên đường Trần Phú (Q.5, TP.HCM), chúng tôi đã được nghe Đại tá Trần Thế Đề kể lại những tháng ngày ở trận chiến Điện Biên Phủ năm xưa. Câu chuyện của 60 năm về trước cứ ngỡ như vừa xảy ra hôm qua.
Ngày đầu cầm súng
Trước ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), trong một lần đi thăm cha đang công tác ở Nhà máy Xi măng Hải Phòng, qua khu phố Tây, dù không trêu ghẹo nhưng cậu thiếu niên Trần Thế Đề bị lính Pháp đuổi, đá vào mông đau điếng. Từ đó lòng hận thu giặc Tây càng lớn dần trong lòng cậu thiếu niên. Cách mạng Tháng 8 nổ ra, cậu bé Đề xung phong vào quân đội trong tâm thế háo hức, thèm khát được cầm súng đánh Tây. Ngày đầu trong môi trường quân đội, cậu cầm khẩu súng trường cao bằng đầu mình. Khi Pháp gây chiến ở Hải Phòng, Đề có tên trong đơn vị chủ lực (Trung đoàn 174 thuộc Đại đoàn 316, còn có tên là Trung đoàn Cao Bắc Lạng). Trước chiến dịch Điện Biên Phủ, Đề tham gia nhiều trận đánh lớn thuộc các cứ điểm miền núi hiểm trở…
Đại tá Trần Thế Đề nhớ lại thời khắc lịch sử ấy: Cuộc hành quân gian nan chưa từng có. Vừa vác gạo, vừa cầm súng đi bộ 400km đường rừng suốt ngày đêm. Cuộc hành quân cũng là cuộc thi đua chiến đấu bảo vệ quân số nên bàn chân phồng rộp cũng cố cõng, khiêng nhau đi. Hành quân đến Tuần Giáo (Điện Biên), lệnh của Sở Chỉ huy là phải chặn và tiêu diệt địch đang bố ráp. Tình thế cấp bách, chiến sĩ gần như không ăn, không ngủ đi qua những con đường không hề có trên bản đồ. Sau 3 ngày đêm, địch đã tràn xuống và chiếm đóng ở bản Mường Pồn (xã biên giới Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên - nơi Anh hùng Bế Văn Đàn làm liên lạc cho một tiểu đội có nhiệm vụ giữ chân và bao vây giặc Pháp trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954). Anh em chiến sĩ thay nhau làm “thang” để vượt đèo dốc, nhiều đoạn chỉ đi được vài bước/phút. Lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Bằng mọi cách giữ chân và bao vây địch tại Điện Biên, tấn công trong 3 ngày 2 đêm”. Tuy lương thực cung cấp chỉ đủ cho 1,5 ngày nhưng anh em chiến sĩ háo hức chờ lệnh nổ súng bởi lương thực cho những ngày còn lại nằm trong hầm Đề-Các. “Chiến sĩ Điện Biên không có từ “sợ đói”, “sợ chết”, biết chết không sợ, biết đói chẳng màng”, Đại tá Trần Thế Đề nói.
Để chuẩn bị cho công kích đợt 1 (ngày 13 đến 29-3-1954), Trung đoàn 174 có nhiệm vụ mở đường cho xe kéo pháo. Đó là con đường mới qua suối, đèo dốc hiểm trở. Chiến sĩ phải sống chung với vắt, chỉ cần ngả lưng 5 phút thì vắt đã bám khắp người, bê bết máu. Tuy nhiên, gian nan sao bằng việc đào giao thông hào sát chân đồi A1 chạy đến hàng rào thép gai bảo vệ của địch. Nhiều cách đánh lạc hướng, cả bắn súng nghi binh nhưng vẫn bị phát hiện, Trung đoàn phải hứng chịu nhiều loạt đạn như mưa trút. Đại tá Trần Thế Đề cho biết, trận đánh đồi A1 đợt 2 có nhiều yếu tố bất ngờ và thú vị như: Cùng lúc đánh vào nhiều cứ điểm (5 quả đồi - PV); hiệp đồng giữa bộ binh, pháo binh và cao xạ; đánh cả ngày đêm và đặc biệt là 2 chiến tuyến nằm sát nhau, nói chuyện lớn sẽ bị phát hiện. Đêm 29-3, đang ngồi giao thông hào bàn kế hoạch chuẩn bị đánh đợt 2 (ngày 30-3 đến 1-5), ngoài kia đại bác oanh tạc khiến hai trung đoàn trưởng và một đại đội trưởng hy sinh. Còn chính trị viên Trần Thế Đề bị thương nặng ở vai và mặt, tỉnh dậy trong vòng tay của người chiến sĩ. Ông nhớ lại: “Tôi không bao giờ quên giây phút ấy. Đồng đội vĩnh viễn nằm xuống. Mình được anh em chở che. Chứng kiến cảnh ấy, lòng căm thù giặc trong tôi càng trỗi dậy, quyết đánh thắng”.
Hồi ức đồi A1

Đại tá Trần Thế Đề trong ngày nhận huy hiệu 65 năm tuổi Đảng
Ngày 30-3-1954, từ các hướng tiếng súng, pháo rền vang dội về, khói bay mù mịt. Có lệnh nổ súng rồi chăng?, chính trị viên Trần Thế Đề nghĩ thầm. 30 phút sau khi nổ súng, Trung đoàn 174 mới xung phong. Ở trong thế bị động, cuộc chiến giành đồi A1 rất cam go. Vượt vòng vây lửa đạn, hai Trung đội trưởng đến báo cáo: “Chúng tôi bị thương. Anh em chiến sĩ…”. Nghe tới đó, với cương vị là một chính trị viên, dù người bê bết máu nhưng giọng ông vẫn mạnh mẽ: “Bị thương nhẹ thì tự băng bó, cầm chắc tay súng tiến lên”.
Đồi A1 là cánh cửa tạo điều kiện tổng công kích Mường Thanh. Không chiếm đồi A1 thì không thể đánh chiếm được căn cứ Mường Thanh. 8 giờ sáng ngày 1-5, lại được lệnh xung phong lên đồi A1. Giao thông hào dài hơn 50m tràn ngập xác địch. Ở một mũi tấn công khác, Trung đoàn 308 cũng đã được lệnh hỗ trợ Trung đoàn 174 từ đêm 31-4. Đến ngày 4-5 mới chỉ chiếm được 1/2 đồi A1, phòng ngự chờ đánh đợt 3. Đợt 3 là trận quyết chiến. Cứ địa Mường Thanh đã gần hơn. Nhiệm vụ nặng nề của Trung đoàn 174 lúc này là thiết kế quả bộc phá nặng 1.000kg và đào hầm đến vị trí của viên đại úy chỉ huy địch để đặt. Phương án là vậy nhưng trong kho của đại đoàn chỉ còn 180kg thuốc nổ. “Thuốc nổ cần kíp chính là từ những quả bom máy bay địch bỏ chưa nổ”, ý kiến của ông là hy vọng của Trung đoàn chiếm được đồi A1. Một nhóm chiến sĩ được phân công thực hiện. Dù đã cố gắng hết sức nhưng số thuốc nổ chỉ tròm trèm 980kg. Gói số thuốc vào một quả bộc phá không dễ, hơn nữa sẽ giảm sức công phá đến 30% nên chia thành 49 gói nhỏ, mỗi gói nặng 20kg. 16 ngày đêm đào hầm đã hoàn tất. Bộc phá được đặt đúng vị trí. Đúng 20 giờ 30 ngày 6-5, tiếng nổ vang trời, địch lớp chết, lớp bị thương rời căn cứ. Tiếng nổ mở màn cho đợt xung phong tổng công kích.
Hình ảnh những chiến sĩ quả cảm nằm xuống; bà mẹ Tây Bắc ăn sắn, ngô dành gạo cho bộ đội đánh Tây… đã khắc sâu trong tâm trí của người chiến sĩ Điện Biên năm xưa như một lời nhắn nhủ, tri ân người ngã xuống và giáo dục thế hệ trẻ truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc.
Khi cờ đỏ sao vàng tung bay trên đồi A1 cũng là lúc chính trị viên Trần Thế Đề nhận lệnh đưa 11.000 tù binh Pháp xuôi về Thanh Hóa. Trên đường đi, ông bắt gặp một hình ảnh mà suốt đời ông không bao giờ quên. Đại tá Trần Thế Đề kể: “Trong 56 ngày đêm chiến đấu, 1kg gạo đến người ăn phải mất từ 22-24kg cho người vận chuyển. Người dân Tây Bắc sẵn sàng ăn ngô, ăn sắn dành gạo cho bộ đội. Tôi gặp một cụ bà, trên tay cầm 10 quả trứng gà đứng bên vạt rừng, hỏi: “Có gạo không đổi cho mế (má - PV). Mế đói lắm rồi”. Tôi không cầm lòng được. Họ đói nhưng không xin, chỉ đổi. Tôi dành phần mình cho cụ. Từ đó, mong từng ngày từng giờ gặp lại cụ nhưng không thể”…
Bài, ảnh: Trần Tuy An
Cuộc đời binh nghiệp hào hùng
Đại tá Trần Thế Đề sinh năm 1929 tại Nam Định, lớn lên và tham gia cách mạng ở Hải Phòng. 15 tuổi đã trở thành anh Vệ quốc đoàn và là một trong những chiến sĩ đầu tiên đánh thực dân Pháp xâm lược, mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc năm 1946 tại Hải Phòng. Ông là chứng nhân lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Nước nhà thống nhất, ông lại cấp tốc lên đường làm nghĩa vụ quốc tế ròng rã 10 năm giúp nước bạn chống lại chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Hơn 40 năm trong quân ngũ, Đại tá Trần Thế Đề đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý. Có thể nói, cuộc đời binh nghiệp của ông gắn liền với lịch sử chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.