Thứ ba, 24/3/2015, 22h03

Nghề nào cho cư dân bãi rác Khánh Sơn?

Nhọc nhằn nghề nhặt rác
Đà Nẵng vừa gia hạn lộ trình đóng cửa bãi rác Khánh Sơn (P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu) đến năm 2020. Theo đó, trong thời gian tới các cấp, các ngành cần có giải pháp để chuyển hướng nghề nghiệp cho lao động nhặt rác ở đây trước khi đóng cửa.
Tuy nhiên, vấn đề giải quyết việc làm cho hàng trăm con người vốn sống nhờ vào bãi rác hiện vẫn là bài toán khó!
Nhọc nhằn “nghề” nhặt rác
Nắng tháng 3 chao chát dội xuống bãi rác Khánh Sơn. Mùi khăm khẳm của đủ thứ rác tạp xộc vào mũi. Trăm con người trong bộ áo quần cũ kỹ, bẩn thỉu cặm cụi bới, nhặt thứ có giá trị bỏ vào những chiếc sọt tre cũng cũ kỹ. Cư dân bãi rác đủ độ tuổi, trẻ có, già có, trung niên có… Nhiều người có cái nón che nắng, cái khẩu trang giá rẻ che miệng, nhưng cũng có không ít người đầu trần đội nắng kiếm sống. Với họ, dường như việc trưa hay tối nay đàn con ở nhà có được bát cơm quan trọng hơn chuyện họ có thể bị nhiễm bệnh bất cứ lúc nào từ nguy cơ tiềm ẩn trong rác.
“Cô tìm ai?”, người đàn ông tên Hùng hỏi. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về đời sống của cư dân bãi rác, ông Hùng tỏ ra e ngại: “Cô thấy đấy, đầu tắt mặt tối cả ngày trong hàng đống rác bẩn thỉu hôi hám, ai cũng ngại tiếp xúc người lạ”. Tuy nhiên, sau phút e ngại ban đầu, những người nhặt rác thân thiện hơn với khách. Chị Nguyễn Thị Thoa (46 tuổi) có thâm niên hơn chục năm bới rác tâm tư: “Nghề cực chẳng đã. Không làm thì không biết lấy chi nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Dù biết bệnh tật nguy hiểm vẫn phải làm thôi cô ạ!”. Đứng cạnh chị Thoa, bà Nguyễn Thị Nguyệt (63 tuổi) nói thêm: “Mấy chục năm ni nhặt rác dù nhọc nhằn nhưng mang lại miếng ăn hàng ngày cho người không nghề nghiệp, tuổi cao, sức yếu như tôi. Mỗi ngày cũng kiếm được dăm ba chục ngàn đong gạo”.
Giữa trưa nắng gắt, hàng trăm con người vẫn cần mẫn với cây sắt dài nửa mét bới móc các đống rác hỗn tạp, chọn ra thứ có giá trị. Thi thoảng, những chuyến xe chở rác rú ga thật mạnh leo lên con dốc lối vào bãi, tung bụi mịt mùng. Cứ mỗi xe rác đổ xuống, họ lại cùng nhau tiến đến để bới, nhặt. Đôi khi mệt nhọc, ai đó ngẩng mặt lên góp vui bằng câu chuyện phiếm trong tiếng cười làm dịu không khí nặng mùi của rác rồi ai nấy lại hăng say làm việc. Ven bãi rác, vài túp lều bằng bạt cũ mèm dựng lên. Khó có thể tưởng tượng ra đó là hàng quán bán mì tôm. Những tấm bạt cũ bị gió giật cứ va vào nhau phần phật.
Buồn vui quanh… chuyện rác

Bà Phạm Thị Vui (ở tổ 156, P.Hòa Khánh Nam, Q.Liên Chiểu) với 20 năm gắn cùng với nghề nhặt rác
Cư dân bãi rác Khánh Sơn không chỉ nhặt rác. Những thứ họ nhặt được có khi là tiền bạc, giấy tờ tùy thân, sổ tiết kiệm, thậm chí cả… hài nhi. Với các thứ có giá trị như giấy tờ tùy thân, họ đều mang tới nhờ bảo vệ tìm trả lại người mất. Còn riêng với hài nhi, họ gom góp người vài ngàn đồng để tổ chức an táng, hương khói cho các cháu. Ông Nguyễn Văn Hoàng (75 tuổi), một cư dân nhiều năm kiếm sống ở bãi rác tâm sự: “Ở đây có đến 5 ngôi mộ hài nhi mà chúng tôi nhặt được trong rác. Nghĩ tội! Cũng là thân phận một con người nhưng…”. Ông Hoàng ngừng bặt, đôi mắt trĩu buồn. Ông bảo, mỗi lần phát hiện thấy hài nhi, bà con liền nghỉ nhặt rác, đặt tên và an táng cho các cháu. Ông đưa tay chỉ về bãi đất hoang, cách bãi rác không xa, nơi có 5 nấm đất được vun tròn. Những que hương vừa cắm mới xua đi sự hoang vu lạnh lẽo.
Bài toán nào cho hướng nghiệp?
Theo lộ trình, đến năm 2020, bãi rác Khánh Sơn đóng cửa, một nhà máy xử lý rác thải quy mô lớn, công nghệ cao được tiến hành xây dựng để thay thế với quy trình xử lý khép kín. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng trăm lao động trên bãi rác không còn nơi kiếm sống. Ông Hà Văn Thái, Giám đốc Xí nghiệp Quản lí bãi rác và xử lí chất thải Đà Nẵng, trăn trở: Bài toán chuyển đổi ngành nghề cho số lao động trên rất khó. Bởi đa phần trong số họ đã cao tuổi, học vấn hạn chế. Đà Nẵng chưa có hệ thống tái chế, phân loại rác trước khi phân hủy, nếu tạo cơ hội cho bà con phân loại rác bằng thủ công sẽ tốt hơn cho họ. Hoặc chuyển hướng ngành nghề cho họ, càng sớm càng tốt.
Để giúp bà con, chính quyền P.Hòa Khánh Nam cũng đã tìm các giải pháp như vận động bà con trồng nấm, canh tác vườn tược, hoa màu nhưng thực tế vẫn vấp nhiều cái khó khi mà đất đai, nguồn vốn lẫn kinh nghiệm của bà con hạn chế. Mặt khác tâm lý nhặt rác có tiền liền tại bãi ít nhiều ăn sâu vào ý nghĩ của họ. Bảy năm, khoảng thời gian không phải dài để ổn định việc làm cho lao động ở bãi rác. Đó vẫn là một bài toán khó, cần sự hỗ trợ mạnh mẽ cũng như sự hướng nghiệp bền vững từ chính quyền địa phương!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Nên duyên vợ chồng nhờ bãi rác
Theo cư dân ở bãi rác, trước nay nhiều người tìm được ý trung nhân, nên duyên chồng vợ cũng nhờ vào… bãi rác. Con gái bà Phạm Thị Vui, ở tổ 156, P.Hòa Khánh Nam (Q.Liên Chiểu) là một ví dụ. Gia cảnh khó khăn, một nách hai đứa con thơ, bà Vui đành đưa con lên bãi rác theo mẹ. Tháng ngày trôi đi, bà không dám nghĩ đến ngày mai của con. Duyên phận run rủi, đầu năm nay con gái đầu của bà gặp và kết duyên cùng một chàng trai cùng nghề, quê ở Quảng Nam. Cuộc sống tuy vẫn ngặt nghèo, nhưng bà bảo: “Con cái nên gia thất, tui vui lắm”.