Thứ ba, 16/9/2014, 21h09

Nhọc nhằn học cái chữ

“Đến lớp giúp con cảm thấy vui vì vừa được học chữ lại vừa được chơi”, cô bé Kim Anh chia sẻ
Gia đình khó khăn khiến cơ hội đến trường của những đứa trẻ nhập cư dường như không có. Nhưng ước muốn được học chữ luôn cháy bỏng trong tâm trí các em, vì vậy khi có điều kiện học phổ cập ban đêm là các em chớp lấy cơ hội mà không quản nhọc nhằn của cuộc mưu sinh hàng ngày...
Bước vào lớp 2/2 phổ cập giáo dục tiểu học ban đêm tại Trường Tiểu học Bình Triệu (Q.Thủ Đức, TP.HCM) một buổi tối đầu tháng 9, chúng tôi khá bất ngờ không phải vì thấy sĩ số lớp ít (chỉ khoảng 10 em) mà là học viên (HV) có đủ lứa tuổi. Em nhỏ nhất 6 tuổi, em lớn thì hơn 10 tuổi. Một số em mặc đồng phục của trường tiểu học nào đó, một số mặc quần áo cũ thường ngày ở nhà… Giáo viên chủ nhiệm lớp 2/2 cho chúng tôi biết, nhà trường không quy định HV mặc đồng phục mà chỉ mong các em đến lớp đều đặn là mừng rồi.
Ngày mưu sinh, tối đến lớp
Em Kim Anh, HV lớp phổ cập 2/2 tại Trường Tiểu học Bình Triệu đến lớp đều đặn ngay từ hôm khai giảng, mặc dù nhà em cách trường gần 45 phút đạp xe theo quốc lộ 13. Năm nay tuy đã lên 10 nhưng Kim Anh trông như đứa trẻ 5-6 tuổi. Ở tuổi vào lớp 1, thay vì được đi học, Kim Anh theo ba mẹ rời quê Nghệ An vào phường Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức (TP.HCM) mưu sinh bằng nghề bán vé số. Hàng ngày trên đường bán vé số, thấy các bạn đến trường em rất buồn mà chẳng dám xin mẹ cho đi học. Mãi đến năm rồi, trong một lần bán vé số trước cổng trường Tiểu học Bình Triệu, Kim Anh mới biết có lớp học chữ ban đêm trong trường mà không đóng tiền nên em xin mẹ cho đi học. Cô bé rất sáng dạ, viết chữ đẹp lại chăm chỉ, hòa đồng nên được bạn bè và cô giáo yêu quý.
Kim Anh cho biết trước khi vào lớp học, em phải bán vài chục tờ vé số mẹ giao. Hôm nào may mắn thì em bán hết trong buổi sáng, còn khi có mưa gió thì đến xế chiều em mới bán hết. Song bất luận bán hết sớm hay muộn, Kim Anh nhanh nhẹn về nhà soạn sách vở, ăn tạm gói mì tôm hoặc cơm nguội để kịp giờ vào lớp. Không ít lần cơn mưa cuối ngày bất chợt đổ xuống làm Kim Anh ướt hết quần áo nhưng em vẫn không bỏ học.
Để các HV có đầy đủ dụng cụ, sách vở đi học, hàng năm các trường luôn tổ chức tặng sách vở, bút thước... Các phần quà tuy giá trị vật chất không cao nhưng về mặt tinh thần lại lớn lao, động viên các em đến lớp đều đặn.
Tương tự, không khí học tập ở các lớp phổ cập giáo dục tiểu học tại Trường Tiểu học Bình Hòa (Q.Bình Thạnh) cũng diễn ra rất nghiêm túc. Bên cạnh những HV nhỏ tuổi, ở trường này có không ít HV “đặc biệt”. Đó là những người đã lớn tuổi, hay đã làm phụ huynh… Trong số hơn chục HV lớp 1 ở độ tuổi 6-7 có Hoàng Anh (23 tuổi, thợ sửa chữa ô tô) cùng học với tâm trạng rất tự tin. Anh Hoàng Anh tâm sự: “Trở ngại lớn nhất của tôi là không biết đọc, viết và tính toán. Cách đây vài tháng, ông chủ nơi tôi làm thuê bắt phải ký hợp đồng. Nhưng ngặt nỗi một chữ bẻ đôi tôi cũng không biết. Đó là lí do vì sao tôi phải đến lớp học chữ ở tuổi này. Ban đầu tôi cũng mặc cảm tuổi tác lớn hơn các em trong lớp, nhưng nếu không cố gắng thì mãi mãi mù chữ, điều này còn xấu hổ hơn”.
Anh Hoàng Anh cho biết thêm, nhà anh nghèo lại đông anh em. Khi anh lên 4 tuổi thì cha bỏ nhà đi, để một mình mẹ nuôi đàn con khiến việc học của các anh em không đi đến đâu. 8 tuổi, anh từ quê ở Châu Đốc (An Giang) lên TP.HCM sống nhờ nhà bà con để mưu sinh. Nhiều năm trải qua đủ các việc làm thuê kiếm sống, đến nay anh đã có được công việc sửa ô tô khá ổn định ở Q.Bình Thạnh. “Trong nhiều năm làm thuê, tôi đã thỏa thuận với chủ tiệm là không ký hợp đồng lao động gì cả. Mà có ký thì tôi cũng không biết ghi tên mình. Khi biết tôi không biết chữ, ông chủ và bạn bè đã động viên đi học và tôi may mắn được thầy cô ở Trường Tiểu học Bình Hòa nhận vào”, anh Hoàng Anh cho biết.
Nhà trường luôn quan tâm, giúp đỡ

Anh Hoàng Anh chăm chỉ đến lớp học chữ cùng các em nhỏ
Không chỉ khó khăn về vật chất, nhiều HV ở các lớp phổ cập còn thiếu thốn về mặt tinh thần vì mồ côi cha mẹ, hoặc cha mẹ vào tù do vướng vào ma túy... Có lẽ vì thế, hình ảnh ông bà đưa cháu đi học, ngồi ghế đá chờ đến khi tan trường đón cháu về là hình ảnh thường bắt gặp ở Trường Tiểu học Bình Hòa.
Cô H. Thu, chủ nhiệm lớp 2 phổ cập tại Trường Tiểu học Bình Hòa, chia sẻ: “Trong hoàn cảnh này, đa số các em sống tựa nhờ ông bà nội, ngoại. Sự thiếu thốn tình cảm, bàn tay chăm sóc của cha mẹ có khi thể hiện bằng việc chống đối, khó bảo, ương bướng. Lúc này buộc chúng tôi vừa mềm mỏng vừa phải quy tắc nghiêm nghị. Tuy nhiên, điểm khiến chúng tôi thương các em nhiều đó là sự chăm chỉ, chịu khó đến trường học chữ. Càng thương hơn khi nhiều em đến lớp mà trong cặp chỉ có mỗi một quyển tập, vài cuốn sách cũ. Hay có em mặc đi mặc lại một bộ quần áo, hoặc đến trường mà trên người vẫn dính hồ vữa, thậm chí chưa kịp rửa sạch dầu nhớt trên tay chân, mặt mũi...”.
Thông thường, điều kiện để các em vào học lớp phổ cập chỉ cần giấy khai sinh, giấy đăng ký tạm trú. Mỗi lớp chỉ khoảng 10 HV. Các em được học toán, tiếng Việt, khoa học, lịch sử, địa lý (từ 17 giờ đến 20 giờ) và không phải đóng học phí.
Cô Hàn Thị Thuận, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Triệu, cho biết: “Trong quá trình học, các em được đánh giá điểm số, điểm thi đua vào học bạ tương tự lớp ban ngày. Cuối năm học các em cũng trải qua các kỳ thi lên lớp như học sinh bình thường. Điều kiện này vừa tạo cơ hội lẫn động lực cho các em học tiếp lên cao hơn…”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
 
“Lẽ ra tôi không được học vì quá tuổi quy định. Nhưng thầy cô ở Trường Tiểu học Bình Hòa không từ chối mà vẫn chấp nhận để tôi được học. Tấm lòng của thầy cô khiến tôi hạnh phúc vô bờ và tự nhủ phải cố gắng học thật tốt. Hiện nay tôi rất vui vì đã biết đọc, biết viết tên mình để ký vào tờ hợp đồng làm việc”, anh Hoàng Anh xúc động nói.