Thứ hai, 21/7/2014, 10h07

“Ươm” tương lai trên… rác

Chị Thoa nhọc nhằn mỗi ngày kiếm được vài chục ngàn đồng từ bãi rác
Theo hướng chỉ của một người đàn ông đứng tuổi đang bới rác ở bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng), chúng tôi đã gặp được chị Lê Thị Kim Thoa (42 tuổi, trú tại phường Hòa Khánh Nam) - một phụ nữ nhặt rác đang nuôi 6 đứa con ăn học - khi chị đang lui cui lượm các “chiến lợi phẩm” kiếm được từ sáng sớm bỏ vào rọ... 
Mỗi ngày quăng quật trên bãi rác chị Thoa chỉ kiếm được chừng 5, 6 chục ngàn đồng mang về đong gạo nuôi 6 đứa con và người chồng mất sức lao động.
Hèn sang cũng một kiếp người
Cái nắng 380C ngày giữa hạ bỏng rát mặt người. Thế mà nhiều người sống nhờ vào bãi rác Khánh Sơn vẫn cặm cụi bới từng đống rác bốc mùi hôi nồng nặc.
Sau chút ái ngại ban đầu, chị Thoa bắt đầu kể về cuộc đời mình bằng chất giọng trầm buồn. Năm 18 tuổi, kinh tế gia đình khó khăn, không nuôi mộng theo học con chữ, chị rời mái trường cấp 3 xin đi làm công nhân nhà máy kẹo ở quận Thanh Khê. Cuộc sống công nhân tuy vất vả nhưng bù lại công việc tương đối ổn định, thu nhập ít bấp bênh hơn nhiều nghề thợ đụng khác. Rồi chị gặp anh Trần Phú Quang - một công nhân làm chung nhà máy. Họ yêu nhau và nên duyên vợ chồng một năm sau đó. “Tìm thấy bến đỗ cuộc đời, dù nghèo nhưng vợ chồng sớm hôm có nhau, hạnh phúc chỉ đơn giản vậy cho đến khi đứa con đầu lòng chào đời”, chị Thoa bộc bạch. Hạnh phúc đó không kéo dài được bao lâu, khi nhà máy sản xuất bánh kẹo giải thể, anh chị mất việc. Cuộc sống bấp bênh hơn khi anh chị phải đi làm thuê cho các xưởng thu mua ve chai, phế liệu. Cái nghèo cứ bám riết lấy hai vợ chồng khi 6 đứa con lần lượt chào đời. Hỏi vì sao lại sinh nhiều con? Chị buồn buồn nói: “Anh ấy muốn có con trai, 5 đứa trước toàn con gái nên ráng thêm đứa nữa. Cũng là hi vọng mai này có con đỡ đần!”.
Sự đời cũng khéo trêu ngươi, khi chị sinh đứa con thứ 4 là bé Trần Thị Kim Nga được vài tuần thì anh Quang không may bị tai nạn giao thông. Từ đó, sức khỏe của anh sa sút hẳn. Di chứng chấn thương sọ não để lại là những trận đau đầu dữ dội mỗi khi trái gió, trở trời. Chị vừa chăm con, chăm chồng lại vừa tất bật đi làm thuê kiếm sống. Nhiều lúc gần như đứng bên bờ vực tuyệt vọng nhưng nhìn con say ngủ chị lại tự nhủ phải cố gắng. Thương vợ, anh Quang những lúc bình thường cũng gắng gượng đi bốc vác thuê, kiếm dăm ba chục ngàn đồng phụ vợ nuôi con. Chị Thoa bảo: “Ba năm trở lại đây, các chủ xưởng thu mua phế liệu không còn thuê người làm nên chị đành lên bãi rác Khánh Sơn kiếm sống. Mỗi ngày làm từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều, kiếm được 5 đến 6 chục ngàn đồng”. Ngày mưa cũng như ngày nắng, một tấm áo bảo hộ màu xanh công nhân xin được từ người quen đã rách bươm, chị Thoa vẫn nhẫn nại bới từng đống rác để tìm bất cứ thứ phế thải nào có thể đổi được miếng cơm, manh áo cho chồng, con.
Hi vọng cho ngày mai

Anh Quang bệnh nặng chỉ biết vui đùa cùng các con để động viên vợ
Trong 6 đứa con của chị Thoa, đứa lớn vừa tốt nghiệp THPT, đứa út mới 20 tháng tuổi. Chị bảo, âu cũng là một kiếp người nên chị không cho phép mình gục ngã. Bởi gục ngã sao được khi cả đàn con cần chị, và người chồng cũng cần chị. “Thú thật cũng mệt lắm nhưng nghĩ tới đàn con, thế là gượng dậy thêm chút nữa…”, chị Thoa nói. Vừa nói, chị vừa xếp gọn đống chai lọ, nilon vào rọ rồi đưa đến điểm tập kết cân bán. Bà chủ thu mua nhanh chóng liếc mắt về phía cái cân nhẩm tính được 55 ngàn đồng. Chị đón lấy xấp tiền dính đầy bụi vuốt thẳng góc, cẩn thận cho vào túi áo, cài chặt nút rồi tất tả dắt chiếc xe đạp cũ nát trở về nhà. Căn nhà cấp 4 cũ nát của chị cách bãi rác tầm 1 cây số. Thấy bóng mẹ, bầy trẻ ùa ra rồi nhanh chóng tản đi mỗi đứa mỗi việc. Chị dựng chiếc xe đạp vào cột hiên, ngoắc cái nón rách lủng lẳng đầu ghi đông xe rồi đón lấy đứa con út 20 tháng tuổi. Chị ngượng ngùng khi nhà chỉ có vỏn vẹn 2 cái cốc uống nước, không đủ mời khách. Chúng tôi để ý thấy trong căn nhà trống hoác này không có một vật gì có giá trị ngoài một cái bàn để sách vở của mấy đứa trẻ. Chị Thoa cho biết, khi đứa này ngồi viết bài thì đứa kia đành nằm dưới sàn nhà học bài. Nhà không có quạt, hơi nóng tỏa ra hầm hập như chảo lửa. Chị nói: “Nhiều lúc cuộc sống nghèo khó đến ngột ngạt không thể thở được. Nhiều đêm vợ chồng nhìn con ngủ mà rơi nước mắt rồi tự động viên nhau, đời mình coi như bỏ, cố gắng làm lụng để lo cho con”. Nói thì dễ nhưng vòng xoay cơm áo đôi khi như cái nút thắt ngoài ý muốn. Đứa con thứ hai tên Thu Thảo năm ngoái khi vừa học xong lớp 9 đã phải nghỉ học, đi học in thêu. Đứa đầu vừa tốt nghiệp THPT không đăng ký thi ĐH, CĐ mà có ý định học một nghề nào đấy để sớm giúp ba mẹ nuôi em. Khá nhất trong 4 đứa còn lại là em Kim Nga, đang học lớp 8. Suốt 8 năm liền em luôn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. “Cháu Nga học được, hai đứa em sau cũng noi gương chị chăm chỉ lắm. Vợ chồng tôi mỗi khi khổ quá đều nhìn vào tấm giấy khen của con để vượt qua”, anh Quang nói.
Nhiều lúc gần như đứng bên bờ vực tuyệt vọng nhưng nhìn con say ngủ chị lại tự nhủ phải cố gắng.
Ráng chiều, bữa cơm được dọn ra chỉ vỏn vẹn có dĩa rau lang luộc, kèm theo nước luộc rau thay canh và vài ba con cá khô nhỏ. Vợ chồng, con cái bảo nhau ăn nhanh kẻo tối, để dành ánh sáng ở giữa nhà cho các con ôn bài, chuẩn bị vào năm học mới…
Chúng tôi chợt nhận ra rằng, ở ngoài kia cuộc sống diễn ra xô bồ, thì nơi góc nhỏ của căn nhà cũ nát cách bãi rác Khánh Sơn không xa này, cuộc sống dù có khốn khó với công việc nhặt rác nuôi con, chị Thoa - anh Quang vẫn không thôi hi vọng. Mỗi thứ rác phế thải nhặt lên họ đều ươm lên ở đó một mầm hi vọng cho tương lai con cái!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
 
 
“Nhiều bữa đang bới rác, chị Thoa trúng gió lăn đùng ra bất tỉnh. Mọi người dìu chị vào cái lều bạt che tạm ở góc bãi rác xoa dầu. Thế mà khi tỉnh lại, khuyên bảo thế nào chị ấy cũng tiếp tục công việc”, anh Hùng - một người cùng làm nghề nhặt rác - cho biết.