Thứ hai, 16/2/2015, 21h02

Vị tướng cùng 542 bức thư tình

Vợ chồng Thiếu tướng Phan Khắc Hy
Xuân này, Thiếu tướng Phan Khắc Hy bước qua tuổi 88. Trong câu chuyện của người lính năm xưa, ngoài những kỷ niệm về năm tháng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, ông còn luôn nhắc đến 542 bức thư tình của ông và người vợ thảo hiền. Một gia tài kỷ niệm được ông bà nâng niu suốt những năm tháng dài…
Nơi tình yêu bắt đầu
Thiếu tướng Phan Khắc Hy sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Như bao thế hệ thanh niên thời bấy giờ, ông hăng hái lên đường nhập ngũ. Năm 23 tuổi, ông đã được cử làm Tỉnh đội trưởng - Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình. Trên gương mặt người lính năm xưa vẫn còn in dấu một thời oanh liệt. Lần tìm trong cuốn album đã ố vàng, ông lấy ra những bức ảnh một thời trai trẻ của mình. Những năm tháng công tác, chiến đấu tại mặt trận Bình - Trị - Thiên đã làm nên dấu mốc đáng nhớ trong cuộc đời ông và đây cũng chính là nơi bắt đầu một tình yêu tha thiết, thủy chung của ông với bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (SN 1932, Hương Khê, Hà Tĩnh). Ông bảo người con gái mang tên loài hoa ấy đã cùng ông trải qua những năm tháng tuy vất vả, đầy gian lao nhưng hào hùng, ý nghĩa vô cùng. Và ký ức tuôn chảy trong ông…
“Khi được phân công vào mặt trận Bình - Trị - Thiên, đảm nhận vai trò Tỉnh đội trưởng nên tôi phải thường xuyên lên Văn phòng chính trị mặt trận để liên hệ công tác. Mối nhân duyên của vợ chồng tôi cũng chính từ mảnh đất này. Ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ, tôi đã thấy rung động bởi nét đằm thắm, dịu dàng của người con gái “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”. Hỏi chuyện ra thì mới biết cô là một trong 4 thiếu nữ xung phong ra mặt trận được điều vào làm công tác văn thư. Càng tiếp xúc, tôi càng thấy tim mình xao xuyến nên lấy hết quyết tâm để bày tỏ. Sau gần hai năm tìm hiểu, chúng tôi đã nên duyên vợ chồng vào cuối năm 1952 tại chiến khu Ba Lòng. Một buổi tối ấm áp nghĩa tình mà đi suốt cuộc đời này tôi cũng không thể nào quên”, ông Hy chia sẻ.
Một tuần sau ngày cưới, mỗi người lại một nơi để tiếp tục nhiệm vụ của mình. Nghĩ về những năm tháng đó, ông bảo cứ nhớ đến dáng bà vất vả ngược xuôi, quán xuyến mọi việc trong nhà, chăm sóc các con và hai người mẹ già. Những ngày phải đi sơ tán, bao nhiêu gánh nặng đổ dồn lên vai người phụ nữ bé nhỏ đó. Thương bà bao nhiêu thì ông lại càng nỗ lực bấy nhiêu. Những tình cảm riêng đều được họ dồn nén lại nơi đáy lòng, những lá thư từ hậu phương gửi ra tiền tuyến và ngược lại là sợi dây kết nối giữa họ, tiếp thêm cho họ niềm tin và sức mạnh để chiến đấu trên mọi mặt trận.
Những lá thư nối dài tình yêu
Đã xấp xỉ tuổi 90, Thiếu tướng Phan Khắc Hy vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh. Trong căn nhà nằm trên đường Trường Sơn (Q.Tân Bình, TP.HCM), ông hào hứng kể một cách kỹ càng từng kỷ niệm gắn với mỗi lá thư. “Ngày đó trước khi lên đường, tôi và vợ dặn dò nhau tối thiểu một tháng phải gửi cho nhau một lá thư. Nhiều tháng thư đến chậm là tôi lại bồn chồn, sốt ruột. Cưới nhau là đã vội xa nhau rồi nên chúng tôi yêu nhau nhiều hơn qua từng lá thư. Mỗi khi đọc thư bà ấy, tôi cứ hình dung mọi việc đang diễn ra ở nhà ra sao, các con tôi đang làm gì… Bà ấy có đau ốm cũng không bao giờ viết trong thư vì sợ tôi lo lắng, ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu”, ông cười hiền rồi nói.
Với ông, đôi khi chỉ có một ước mơ giản dị là được trở về nhà ăn bữa cơm cùng gia đình trong ngày kỷ niệm 10 năm ngày cưới nhưng khoảnh khắc ấy, ông đang đi học ở Liên Xô nên đành gửi gắm tâm sự qua thư về cho vợ. Ngày ông cùng đồng đội bắn rơi 10 máy bay, ông được về thăm nhà thì vợ con lại đang đi sơ tán. Vô tình đọc cuốn nhật ký của bà, ông không kìm được cảm xúc. Ông tự hứa với lòng là khi hòa bình, ông sẽ bù đắp cho bà những tháng ngày vất vả mà bà đã một mình chịu đựng.

Những bức thư thời chiến được Thiếu tướng Phan Khắc Hy cất giữ cẩn thận
542 lá thư chứa bao nhiêu niềm lạc quan, tin tưởng, không hề có một sự ủy mị, than vãn nào. Những nhung nhớ, kỷ niệm kháng chiến, chuyện học hành, mong ước về ngày thống nhất đất nước… đều được ông và bà gửi gắm vào 542 lá thư, chưa kể những thư bị thất lạc, đều là những dòng yêu thương, mang màu sắc chính trị mà đậm chất trữ tình. Một trong những lá thư của Thiếu tướng Phan Khắc Hy viết cho vợ đã được in trong quyển Những lá thư thời chiến Việt Nam. Lá thư được viết vào dịp Sài Gòn giải phóng, trong đó có đoạn: Ngày 7-5-1975... Chắc em không ngờ ngày 7-5 năm nay anh lại ngồi viết thư cho em tại Sài Gòn giải phóng. Nhiều cảm xúc thật đặc biệt, nhiều chuyện Sài Gòn trước, trong và sau ngày giải phóng không thể viết vội cho em được. Anh sẽ ghi lại nhật ký hai tháng qua, bây giờ phải dành thời gian để ghi lại những ngày lịch sử anh đã sống, để sau này em cùng được sống lại với anh những ngày bằng hàng chục năm đó... Tròn 30 năm tham gia cách mạng, trực tiếp được dự ngày lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, ngày vĩnh viễn giành độc lập tự do thống nhất Tổ quốc, anh và mọi người đã trào nước mắt vui sướng...
“Ngày giải phóng miền Nam, tôi dừng chân tại TP.HCM để viết thư theo thói quen cho vợ để báo tin vui chiến thắng. Giây phút ấy tôi thấy thiêng liêng vô cùng khi đất nước đã thống nhất. Tuy vợ chồng tôi chưa được sum họp vì bà ấy đang học tập ở Tiệp Khắc (Cộng hòa Séc hiện nay - PV) nhưng niềm vui ngày hòa bình đã cho tôi niềm tin rằng gia đình mình sẽ sớm đoàn tụ, ngày hạnh phúc đang cận kề”, ông bồi hồi kể lại. Sau năm 1976, bà Ngọc Lan về nước, niềm vui như vỡ òa. Những kỷ vật tình yêu của hai vợ chồng là những lá thư được họ nâng niu, cất giữ cẩn thận đến hôm nay.
542 lá thư được gửi đến tay người nhận giữa bom đạn, phục kích của quân thù phải chăng là một điều kỳ diệu... Với ông, biết bao kỷ niệm xương máu của những ngày đạn bom khói lửa vẫn như mới hôm qua. “Giữa những giây phút sinh tử, ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, những lá thư động viên, chứa chan tình yêu thương của vợ đã giúp tôi có thêm sức mạnh, nghị lực để vượt qua mọi hiểm nguy. Tôi thấy mình may mắn khi được lành lặn trở về bên gia đình. Đồng đội tôi, hàng vạn trái tim đã mãi mãi nằm lại ở tuổi hai mươi”, ông trầm ngâm.
Nặng tình với đồng đội cũ, người lính năm xưa ấy vẫn miệt mài trên những cung đường Trường Sơn trong những chuyến đi đền ơn đáp nghĩa, tìm kiếm mộ liệt sĩ… bởi ông hiểu cái giá của ngày hòa bình được đổi bằng xương máu của hàng triệu người con ưu tú. Mỗi chuyến đi, Thiếu tướng Phan Khắc Hy mang theo hành trang là chiếc ba lô cũ kỹ được vợ mình gói ghém những vật dụng cá nhân cần thiết với chai dầu gió xanh, với ít lương khô để ông lót dạ khi đi đường. Dường như, tình yêu của ông và bà dành cho nhau vẫn tha thiết, nồng nàn như ngày nào…
Yên Hà