Thứ bảy, 31/1/2015, 10h01

Bệnh tâm thần: Tăng số lượng, trẻ tuổi đời

Số người bị rối loạn tâm thần ở Việt Nam đang có chiều hướng tăng cao, nhất là trong giới trẻ do phải đối mặt với nhiều áp lực trong cuộc sống như công việc, học tập và kinh tế. Bên cạnh đó, những tác động của mặt trái xã hội như nghiện game, chất kích thích cũng làm gia tăng bệnh tâm thần. Đáng lo ngại, trong khi số người mắc các rối loạn tâm thần tăng nhanh thì chúng ta lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc, điều trị các bệnh về tâm thần.

Tăng nhanh

Mới đầu giờ sáng nhưng khu khám bệnh của Bệnh viện Tâm thần Trung ương đã rất đông những khuôn mặt mệt mỏi và nếu không u sầu thì cũng ngây ngô, đờ dại... Đáng chú ý trong số người chờ khám bệnh, phần lớn là những người trẻ và trung niên với những biểu hiện bất thường. Đưa cậu con trai năm nay mới 17 tuổi tới bệnh viện, anh Nguyễn Minh Trung (ở Thanh Xuân, Hà Nội) buồn rầu nói: “Sau khi vào lớp 10, không biết có phải vì áp lực học tập hay tác động ngoài xã hội nào mà gần 2 tháng nay, cháu nó có những biểu hiện không bình thường về tâm lý. Lúc thì ngồi lì trong phòng đóng cửa hàng giờ liền, không nói chuyện với ai, có lúc lại nổi cáu, cục cằn với mọi người một cách vô cớ. Nhưng đáng lo nhất về đêm, cháu rất hay thức dậy đi lang thang quanh nhà, trong khi đây đang là tuổi ăn, tuổi ngủ”. Trong khi đó, đưa cậu con tới khám định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ, chị Bình (ở Cầu Giấy - Hà Nội) chia sẻ: “Gia đình lo làm ăn, ít quan tâm tới cháu nên nó nghiện game tới mức trầm cảm mới phát hiện ra. Cũng may sau hơn 3 tháng điều trị, sức khỏe và tinh thần của cháu đã có tiến triển tốt”.

Điều trị cho bệnh nhân tâm thần gặp rất nhiều khó khăn.

Theo các nghiên cứu chuyên khoa về tâm thần, nếu trước đây số người bị trầm cảm, rối loạn tâm thần ở nước ta chỉ chiếm khoảng 1% dân số thì vài năm trở lại đây, con số này đang có chiều hướng tăng cao và xu hướng trẻ hóa nhanh chóng. Thống kê cho thấy hiện có khoảng 20% dân số đang mắc 1 trong 10 loại bệnh tâm lý, tâm thần thường gặp như: trầm cảm, lo âu, loạn hành vi. Đặc biệt trong số các bệnh nhân có dấu hiệu tâm thần phải vào viện khám và điều trị, tới hơn 45% ở độ tuổi dưới 30.

TS-BS La Đức Cương, Giám đốc BV Tâm thần Trung ương cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh tâm thần, như: di truyền, mất cân bằng sinh hóa trong cơ thể, tổn thương hệ thần kinh. Hoặc bị tác động, ảnh hưởng bởi những yếu tố bất lợi từ môi trường cuộc sống hàng ngày, như nghiện game, rượu, ma túy tổng hợp. Ngoài ra, do nhiều người ngày càng phải đối mặt với áp lực về kinh tế, công việc, học hành căng thẳng hay biến cố trong đời sống cá nhân cũng gây ra những tác động không nhỏ tới tâm trí. Đáng lo hơn, hiện nay số người được chẩn đoán và tự biết mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần chỉ chiếm chưa tới 30%, còn lại không biết và không thừa nhận mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần nên không được chăm sóc và điều trị kịp thời đúng bệnh.

Thiếu bác sĩ chuyên ngành

Trong khi số người mắc các rối loạn về tâm thần đang tăng nhanh thì việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tâm thần đang gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt nổi cộm và đáng lo nhất là việc rất thiếu nguồn nhân lực y bác sĩ chuyên ngành tâm thần, cũng như thiếu cơ sở chuyên khoa tâm thần chuyên biệt để điều trị cho bệnh nhân nội trú, ngoại trú. Bên cạnh đó, sự khó khăn trong xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử của xã hội đối với người bệnh và sự trở ngại trong việc hồi phục, tái hòa nhập cộng đồng.

BS Lý Trần Tình, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cho biết, trung bình mỗi năm nơi đây phải khám chữa bệnh ngoại trú cho gần 20.000 người và điều trị nội trú trên 3.500 bệnh nhân. Tuy nhiên, đội ngũ bác sĩ chuyên khoa tại bệnh viện chỉ có 38 người, thiếu rất nhiều so với nhu cầu điều trị của người bệnh.

Có nhiều nguyên nhân gây ra những khó khăn trong việc chăm sóc và điều trị bệnh tâm thần ở nước ta. Theo TS-BS La Đức Cương, chính sách thu hút đối với cán bộ chuyên khoa tâm thần hiện còn nhiều bất cập, thu nhập thấp trong khi phải làm việc vất vả nên việc tuyển dụng bác sĩ vào các cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa tâm thần rất khó khăn, đặc biệt ở tuyến tỉnh. Hiện nay, nhiều bệnh viện tâm thần tuyến tỉnh vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu bác sĩ chuyên khoa. Còn BS Lý Trần Tình cho biết, đã có một số bác sĩ khi ra trường được phân công về bệnh viện công tác nhưng chỉ ở được vài tháng họ xin chuyển đi vì lương không đủ sống, sức ép công việc căng thẳng. Bệnh viện được tuyển thêm bác sĩ nhưng vài năm nay không tuyển được người nào.

Hiện nay trên thế giới có khoảng 300 loại bệnh tâm lý, tâm thần nhưng Việt Nam mới quan tâm đến 10 loại bệnh thường gặp (tâm thần phân liệt, rối loạn hành vi, trầm cảm, loạn thần tuổi già, loạn thần do nghiện rượu, ma túy...) nên nhiều dạng bệnh lý về tâm thần, nhất là với trẻ nhỏ đang bị bỏ trống. Mặc dù Việt Nam đã xây dựng mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng, nhưng mới chỉ tập trung vào việc điều trị tâm thần phân liệt và động kinh. Đầu tư trong lĩnh vực sức khỏe tinh thần cũng chỉ mới dừng ở mức độ chăm sóc, điều trị, cấp phát thuốc khi đã mắc bệnh. Còn những vấn đề về dự phòng, tầm soát và phát hiện sớm chưa thực sự được quan tâm đầu tư đúng mức, trong khi số người bị rối loạn trầm cảm trong cộng đồng lại có xu hướng ngày càng tăng ở nhiều lứa tuổi.

TRUNG KIÊN

(SGGP)