Thứ sáu, 15/5/2015, 16h05

Bệnh truyền nhiễm mùa hè biến đổi phức tạp

Thời tiết nắng nóng, khí hậu nóng ẩm mưa nhiều, sự biến đổi phức tạp của các loại virus, vi khuẩn, kiểm soát vùng dịch còn hạn chế... là nguyên nhân phát sinh nhiều loại bệnh, đặc biệt vào mỗi dịp hè, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục Trưởng Cục Y tế Dự phòng cảnh báo tại hội thảo “Tăng cường phòng chống dịch bệnh trước sự biến đổi phức tạp của các tác nhân gây bệnh do virus, vi khuẩn” do Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Unilever và nhãn hàng Lifebuoy tổ chức vào sáng 15.5 tại TP HCM.
Ông Phu cho biết thêm, nếu trước kia, chúng ta kiểm soát được dịch bệnh xảy ra ở một địa phương, thì nay, chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ đã có thể lan ra các nơi khác. Có bệnh vốn không xuất hiện ở miền núi (tả, thương hàn...), hiện cũng có mặt ở khu vục này". Yếu tố môi trường, biến đổi khí hậu, điều kiện vệ sinh kém... là những tác nhân gây dịch bệnh. Hiện một số bệnh dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, nếu không phòng kịp thời sẽ có thể sẽ lan nhanh.
Bên cạnh những dịch bệnh được thanh toán loại trừ như đậu mùa, bại liệt, uốn ván sơ sinh… thì có những loại bệnh có thể du nhập vào Việt Nam nếu không có sự kiểm soát tốt như Ebola, Mers-CoV, H6N1, H7N9, H8N10...

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng.

Ông Nguyễn Đức Khoa, Phó trưởng Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng cho biết thêm, 10 loại bệnh thường gặp vào mùa hè nhất là cúm, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết, ly trực trùng, sốt rét, Adenovirut, lỵ amip, viêm não virus, thương hàn. Các căn bệnh này rất dễ lây lan thông qua đường hô hấp, ăn uống và tiếp xúc bằng tay.

Bà Claire McDonald - đại diện Hiệp hội Y tế công cộng Hoàng Gia (RSPH) - tổ chức sức khỏe đa lĩnh vực, hoạt động độc lập hơn thế kỷ qua cho biết: “Một số bệnh gây nên do vi rút, vi khuẩn được xem là “kẻ thù” của con người. Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2013 cho thấy bệnh tiêu chảy giết chết 2.2 triệu người trên toàn cầu, hầu hết dưới 5 tuổi, chiếm 4% tỷ lệ tử vong. Thống kê cũng cho thấy cứ 15 giây lại có một trẻ tử vong do tiêu chảy và viêm phổi”.
Do vậy, để phòng bệnh, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, người dân cần diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy để phòng bệnh sốt xuất huyết. Phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm phòng vaccine đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng, không chờ đợi vaccine dịch vụ. Các thành viên trong gia đình cần tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi cho con.
Một trong những cách đơn giản để phòng tránh các bệnh do virus, vi khuẩn biến đổi gây nên là rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước, nhưng hiện nhiều người dân chưa chú trọng.
Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Tuệ Tri, Phó Chủ tịch ngành hàng chăm sóc cá nhân và truyền thông Unilever Việt Nam chia sẻ: "Unilever tin rằng chỉ bằng những hành động nhỏ và đơn giản như tắm và rửa tay với xà phòng diệt khuẩn sẽ là một phương pháp hiệu quả và tiết kiệm để bảo vệ sức khỏe của nhiều người khỏi rất nhiều bệnh tật. Chính vì vậy trong mục tiêu đến năm 2020, chúng tôi sẽ góp phần thay đổi hành vi rửa tay của 1 tỉ người trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, Unilever VN đã nâng cao điều kiện vệ sinh và sức khỏe cho gần 14 triệu người (tính đến đầu năm 2015). Với hành trình nối vòng tay lớn vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn, chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2020 là bảo vệ 25 triệu trẻ em Việt Nam khỏi nguy cơ bệnh tật do vi rút, vi khuẩn gây nên”.

Y.T