Thứ sáu, 1/8/2014, 15h08

Ngủ bao nhiêu thì đủ ?

Kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy ngủ 7 giờ mỗi đêm là thời gian tối ưu cho sức khỏe tinh thần lẫn thể chất, và ngủ nhiều cũng có hại giống như chợp mắt quá ít.

Ảnh: Shutterstock

Các chuyên gia thường khuyên người trưởng thành nên ngủ từ 7 - 9 giờ/ngày để cơ thể và đầu óc đều khỏe mạnh. Tuy nhiên, một số cuộc nghiên cứu về giấc ngủ gần đây phát hiện độ dài thời gian nghỉ ngơi vào ban đêm tốt nhất là vào khoảng 7 giờ chứ không phải 8 giờ như quan niệm trước đây, nếu xét theo các đánh giá về sức khỏe và nhận thức. Trong một báo cáo khác, chỉ cần ngủ ít hơn, dù 20 phút, so với thời gian tối ưu cũng gây ảnh hưởng đến sự thể hiện và trí nhớ của một người trong ngày hôm sau. Và ngủ quá nhiều cũng dẫn đến những vấn đề về sức khỏe, chẳng hạn như tiểu đường, béo phì, tim mạch, từ đó tăng nguy cơ tử vong.

Daniel F.Kripke, Giáo sư danh dự về tâm lý học tại Đại học California San Diego, đã theo dõi dữ liệu thu thập suốt 6 năm của 1,1 triệu đối tượng tham gia vào một cuộc nghiên cứu về bệnh ung thư.

Theo đó, những người ngủ từ 6,5 giờ đến 7,4 giờ mỗi ngày có tử suất thấp hơn những người ngủ ít hơn hoặc dài hơn.

Báo cáo được đăng trên chuyên san Archives of General Psychiatry, đã cân nhắc 32 yếu tố có ảnh hưởng đến sức khỏe, bao gồm thuốc men mà nhóm người này từng sử dụng trong thời gian theo dõi.

Trong một cuộc nghiên cứu khác đăng trên chuyên san Sleep Medicine vào năm 2011, tiến sĩ Kripke tìm được thêm chứng cứ về số giờ ngủ tối ưu cho con người, theo đó thời gian cần nghỉ ngơi vào mỗi tối dường như ít hơn mức 8 giờ theo như đề xuất trước đây. Nhóm chuyên gia đã ghi nhận hoạt động ngủ của khoảng 450 phụ nữ lớn tuổi, dựa trên thiết bị đeo cổ tay trong suốt 1 giờ. Mười năm sau, họ phát hiện những người ngủ ít hơn 5 giờ hoặc nhiều hơn 6,5 giờ/ngày có nguy cơ tử vong cao hơn.

Tờ The Wall Street Journal dẫn lời Shawn Youngstedt, Giáo sư Đại học bang Arizona ở Phoenix (Mỹ) cho hay “tử suất thấp nhất và bệnh tật ít nhất được ghi nhận ở những người ngủ 7 giờ/ngày”. Tiến sĩ này nói thêm kết quả khảo sát cũng cho thấy ngủ từ 8 giờ trở lên không tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, một báo cáo đăng trên chuyên san Frontiers in Human Neuroscience vào năm ngoái phát hiện sự thể hiện về mặt nhận thức gia tăng theo thời gian ngủ của đối tượng, và đạt mức cao nhất khi ngủ được 7 giờ, trước khi bắt đầu trượt xuống. Sau khi ngủ được 7 giờ, “ngủ thêm không mang lại ích lợi gì”, theo Murali Doraiswamy, Giáo sư của Đại học Duke (Mỹ).

Trước thông tin trên, một số chuyên gia cho rằng cần phải xem lại những nghiên cứu đưa ra kết luận về tình trạng ngủ nhiều có thể gây hại nhiều hơn có lợi. Theo nhóm này, bệnh tật có thể khiến con người ngủ nhiều hơn bình thường, và nếu chỉ dựa vào con số thống kê thực tế có thể không phản ánh chính xác về tác động của giấc ngủ. Trong khi đó, Trung tâm kiểm soát và ngăn chặn bệnh tật của Mỹ (CDC) đang hỗ trợ nguồn quỹ cho một nhóm các chuyên gia y khoa và những nhà nghiên cứu để đánh giá lại tình trạng ngủ và đưa ra những gợi ý mới về chuyện ngủ nghê của con người, nhiều khả năng vào năm sau sẽ có kết quả.

Các chuyên gia cho hay con người có thể tự mình xác định thời gian ngủ tối ưu bằng cách thử nghiệm từ 3 - 7 ngày. Thứ nhất, không nên dùng đồng hồ báo thức. Đi ngủ khi cảm thấy mệt. Tránh uống nhiều cà phê hoặc rượu, và ngừng sử dụng thiết bị điện tử vài giờ trước khi ngủ. Trong lúc kiểm tra, ghi nhận lại số giờ ngủ trên thực tế theo từng ngày. Nếu ngày nào cảm thấy thức dậy một cách khỏe khoắn và duy trì được sự tỉnh táo suốt ngày, có thể bạn đã tìm được thời gian ngủ tối ưu cho chính mình.

Tụ Yên (TNO)