Thứ hai, 6/2/2012, 14h02

Cảnh báo ngộ độc do uống thuốc cảm cúm

Các bậc phụ huynh cần thận trọng khi cho trẻ uống thuốc cảm (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: L.T

Cảm cúm là một bệnh mà hầu như ai cũng mắc phải. Khi mắc bệnh này, hầu hết mọi người đều cho là nhẹ và thường tự ý mua thuốc về uống. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc không đúng, hậu quả sẽ rất khó lường…
Cháu suýt mất mạng vì bà “làm” bác sĩ
Tin từ Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 cho biết, BV vừa cấp cứu cho bệnh nhi Ph.T.B.Ngọc -  6 tuổi (P.8, Q.4, TP.HCM). Trước đó, thấy cháu bị sốt hai ngày liên tiếp không bớt nên bà ngoại (gần 80 tuổi) sang nhà hàng xóm xin toa thuốc rồi ra tiệm thuốc tây mua thuốc cho cháu uống. Trong đó có một gói thuốc hạ sốt Paracetamol (Acetaminophen) 250mg. Vì muốn cháu hạ sốt nhanh nên bà ngoại đã cho B.Ngọc uống liên tục 4 gói chỉ trong vòng nửa ngày. Tuy vậy, B.Ngọc vẫn không hết sốt và có triệu chứng co gồng nên bà ngoại phải đưa cháu tới BV gần nhà. Tại đây, B.Ngọc tiếp tục được hạ sốt với hai viên Efferalgan (Acetaminophen) 150mg nhét hậu môn và chích 260mg Perfangan (cũng là Acetaminophen). Sau đó bệnh nhi có triệu chứng ói ra máu và lơ mơ nên được chuyển đến BV Nhi đồng 2. Các bác sĩ ghi nhận B.Ngọc trong tình trạng xuất huyết tiêu hóa trên, môi tái, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, suy chức năng gan, thận, rối loạn đông máu. Sau nhiều ngày được các bác sĩ tích cực cứu chữa, B.Ngọc đã thoát khỏi “bàn tay của tử thần”.
Trước đó, BV Nhi đồng 1 cũng đã cấp cứu thành công hai trường hợp sốc phản vệ do cha mẹ tự ý dùng thuốc. Trường hợp thứ nhất là bé N.P.H.K - 9 tháng tuổi, nhà ở Q.Phú Nhuận. Thấy bé ho sổ mũi nhiều nên người nhà cho bé uống thuốc trị sốt ho không rõ loại. Sau khi uống thuốc khoảng 2 giờ, hai mi mắt của bé đều bị sưng phù và khó thở nên được gia đình đưa đi nhập viện cấp cứu. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán bé bị sốc phản vệ do thuốc, vì vậy phải xử trí cấp cứu ngay. Sau khoảng 6 giờ điều trị, các dấu hiệu sinh tồn mới ổn định. Trường hợp thứ hai là em P.N.P.N - 12 tuổi, nhà ở Q.5. Thấy N. ho và sổ mũi nên ba của bệnh nhi đã lấy toa thuốc mà bác sĩ kê cho mình trước đây để đi mua thuốc cho em uống. Hơn 1 giờ sau, N. kêu mệt, thở khò khè, thấy vậy gia đình đã đưa em tới BV…
Không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn khi uống thuốc cảm cúm quá liều cũng bị ngộ độc. Trung bình mỗi năm Khoa Chống độc các BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy… tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhân bị ngộ độc thuốc cảm cúm với triệu chứng đau đầu, choáng váng.
Không tự ý mua thuốc theo toa cũ
Để tránh những tai nạn nguy hiểm do dùng thuốc không đúng ở trẻ em, bác sĩ Hải Thoa - BV Nhi đồng 1 khuyến cáo: “Khi trẻ bị bệnh, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được khám bệnh và tư vấn dùng thuốc an toàn. Phụ huynh nên báo lại cho các bác sĩ biết những thuốc mà trẻ đã từng bị dị ứng. Phụ huynh tuyệt đối không tự ý mua thuốc theo toa cũ. Đặc biệt, không lấy thuốc của người lớn cho trẻ uống vì rất nhiều loại thuốc cho người lớn có tác dụng phụ khi dùng cho trẻ em. Nếu không hiểu rõ đặc trưng của các loại thuốc này mà tùy tiện cho trẻ em uống sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Cha mẹ cũng không nên lấy thuốc của trẻ này cho trẻ khác uống, cho dù thuốc bổ hay thuốc trị bệnh…”.
Các bệnh nhân bị ngộ độc thuốc cảm cúm đều cho biết, sau khi uống thuốc cảm cúm khoảng 15 phút thì có triệu chứng khó thở, đau ngực, vã mồ hôi, giật hai tay, đau đầu. Phần lớn các bệnh nhân, do thấy thuốc chưa có tác dụng hoặc muốn chóng khỏi bệnh nên đã tùy tiện uống tăng liều (2 viên/lần). Như vậy là đã quá liều, trên mức an toàn theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Trong thời tiết giao mùa như hiện nay, từ nóng chuyển sang lạnh, ẩm thấp đột ngột, cơ thể không điều tiết kịp thời khiến nhiều người, cả người lớn lẫn trẻ em bị mắc bệnh cảm cúm, nóng sốt, nhức đầu, ho... Việc điều trị thường là tự dùng thuốc cảm sốt, giảm đau, hạ nhiệt. Tuy nhiên vấn đề không đơn giản như ta tưởng, nếu sử dụng thuốc không đúng liều lượng và theo chỉ dẫn của thầy thuốc có thể gây ngộ độc. Thật ra thuốc cảm cúm không an toàn như ta tưởng, ngay ở liều điều trị đúng cũng có thể gây biến cố tăng huyết áp rất nguy hiểm.
Kim Anh