Thứ năm, 27/10/2011, 23h10

Chuyện cà vạt, sơ mi và sức khỏe của quý ông

Gài cổ sơ mi và thắt cà vạt quá chặt sẽ dẫn đến thiếu máu não và nhãn cầu gây đau đầu, giảm thị lực, đãng trí, mất ngủ, chóng mặt.
Chiếc sơ mi gài kín nút cổ cộng thêm cà vạt là hình ảnh không thể thiếu của nhiều người. Người diện trang phục đúng điệu tất nhiên không thể vì muốn dễ thở mà bật nút, kéo lỏng cà vạt, trừ khi rời bàn giấy để lai rai với bạn bè ngoài quán... nhậu.

Dễ gây thiếu máu não
Nhưng cũng vì phải diện đúng điệu mà nhiều người vô tình ngã bệnh hồi nào không hay.
 “Chiếc áo không làm nên thầy tu”, chiếc cà vạt cũng không tự gây nên tội tình gì cho thân chủ, nhưng vì sao phải mất thời gian cho những chuyện nhỏ như... cái cà vạt? Là vì hai nữ bác sĩ Leonora Langan và Susan Watkins, ở Đại học Cornell (thuộc tiểu bang New York-Hoa Kỳ), không biết có giận hờn gì với chiếc cà vạt của đấng mày râu hay không mà đã bỏ công thực hiện một công trình khảo sát rất chi ly về tác hại của cặp bài trùng “cổ áo + càvạt”. Cuối cùng, cả hai đã quả quyết là:
- 2/3 đàn ông mặc áo với cổ quá chật vì khi mua áo chỉ để ý đến kích cỡ những chỗ khác mà quên không để ý đến vòng cổ, hoặc trong đa số trường hợp do quá điệu nên sợ mất đẹp nếu mặc áo với cổ không thật sát như dán vào da thịt. Với số đàn ông này thì cổ áo chật 0,5 cm so với cần thiết là chuyện bình thường.
Khi mua sơ mi cần để ý đến chi tiết kích cỡ vòng cổ áo
- 12% nam giới thậm chí có cổ áo chật đến 1 cm nhưng vẫn ráng cài nút mỗi ngày.
- Hơn 50% các đấng mày râu khi đeo cà vạt thường thắt ở tình trạng quá chật. Lý do một phần là vì thói quen siết quá mạnh tay do hấp tấp để đi làm cho kịp giờ hoặc vội vàng thắt cho kịp dự hội họp, phần thì vì làm biếng không muốn sửa tới sửa lui dù cà vạt bị lệch.
Cổ áo sơ mi và cà vạt quá chặt chính là lý do dẫn đến tình trạng thiếu máu não và nhãn cầu. Nạn nhân vì thế rất dễ đau đầu, giảm thị lực, đãng trí, mất ngủ, chóng mặt... hơn những người có trang phục vừa vặn, thoáng mát.
Dễ gặp trục trặc
Không chỉ có thế, hai nữ bác sĩ nói trên còn chứng minh được rằng so với những người nói không với cà vạt thì những người đeo cái “gông” chật chội thường xuyên ở cổ cũng sẽ tính toán chậm hơn, phản ứng chậm và không chính xác bằng trong các tình huống éo le, dễ gặp trục trặc hơn trong khi dùng máy vi tính.
Nghiên cứu cũng cho thấy nếu ngày nào cũng có hơn 4 giờ tự nguyện chịu đựng cảnh tự “siết”... cổ bằng cà vạt chật chội thì nạn nhân sẽ còn phải gánh chịu hai hậu quả tệ hại nữa. Đó là:
- Dễ gây tai nạn giao thông do phản ứng quá chậm chạp hoặc quá nhanh nhảu nhưng thực chất là thiếu chính xác đến độ phải gọi cho chính xác là rất... đoảng.
- Dễ gặp rối loạn trong chuyện chăn gối mà một trong những rối loạn đó là tình trạng “trên bảo dưới không nghe”.
Theo BS. Lương Lễ Hoàng
Người lao động