Thứ bảy, 13/9/2014, 09h09

Đau mắt đỏ hoành hành

Đúng ngay thời điểm các trường học vào mùa khai trường thì bệnh viêm kết mạc cấp (bệnh đau mắt đỏ) lại gia tăng nhanh số người mắc, khiến căn bệnh này có khả năng bùng phát thành dịch lớn. Mặc dù không phải là một căn bệnh nguy hiểm nhưng đau mắt đỏ lại rất dễ lây lan. Đáng lo hơn, không ít người bị đau mắt đỏ lại chủ quan, tự ý sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt hay áp dụng biện pháp chữa trị không đúng cách, thiếu khoa học dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm khó chữa, ảnh hưởng nặng nề tới thị lực.

Số ca mắc tăng nhanh

Bệnh viện Mắt trung ương và BV Mắt Hà Nội những ngày đầu tháng 9 luôn chật kín người bệnh cho tới chiều muộn, trong đó có nhiều người bị đau mắt đỏ và không ít ca phải nhập viện điều trị do bệnh nặng và biến chứng.

Tiến sĩ – bác sĩ Lê Xuân Cung, Phó trưởng Khoa Kết giác mạc, BV Mắt Trung ương cho biết, từ đầu tháng 9 tới nay, số trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ tới khám, điều trị đang có chiều hướng tăng nhanh. Những ngày gần đây, bình quân mỗi ngày bệnh viện có trên 1.700 người bệnh tới khám, trong đó số người bị đau mắt đỏ chiếm từ 30% - 40%.

Bệnh đau mắt đỏ thường bắt đầu từ một mắt rồi lây sang con mắt còn lại.

Đáng lo ngại hơn, dịch bệnh đau mắt đỏ năm nay có chiều hướng bùng phát muộn hơn so với các năm trước. Nếu như mọi năm thường vào khoảng tháng 7 đã có rất nhiều người bị mắc căn bệnh này thì năm nay, đúng vào thời điểm mùa khai trường, số người bị đau mắt đỏ lại tăng nhanh, khiến nguy cơ dịch bệnh lan rộng và bùng phát rất cao.

Hơn nữa, đau mắt đỏ là căn bệnh dễ dàng lây lan bằng nhiều đường lây khác nhau như: Tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt, bắt tay, đặc biệt nước mắt người bệnh là nơi chứa rất nhiều virus. Cầm, nắm, chạm vào những vật dụng nhiễm nguồn bệnh như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại, đồ vật, đồ dùng cá nhân của người bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt…; sử dụng nguồn nước bị nhiễm mầm bệnh như ao, hồ, bể bơi. Tệ hơn, bệnh có thể lây truyền mạnh trong gia đình, nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và những nơi tập trung đông người.

Các bác sĩ nhãn khoa cho biết, bệnh đau mắt đỏ là bệnh truyền nhiễm cấp tính thường do virus nhóm Adeno và Picorna gây với triệu chứng thường gặp như: sốt nhẹ, cộm mắt, đau, sưng, đỏ mắt, tiết nhiều ghèn và chảy nước mắt. Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai, cảm thấy khó chịu ở mắt, sau đó cộm như có cát, bụi ở trong mắt và mắt nhiều ghèn nhất là vào buổi sáng ngủ dậy. Khi bị đau mắt đỏ, mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ, đau nhức và chảy nước mắt nhiều.

Không tự ý nhỏ thuốc, đắp lá

Trước tình hình dịch bệnh đau mắt đỏ có nguy cơ bùng phát, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính. Tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động. Hơn nữa, mầm bệnh có khả năng sống ở môi trường bình thường trong vài ngày và người bệnh vẫn có thể là nguồn lây bệnh sau khi đã khỏi bệnh một tuần.

Vì vậy, cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện triệt để các biện pháp vệ sinh và cách ly với người bệnh. Theo đó, mọi người cần luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Dùng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt và không dùng tay dụi mắt. Trong trường hợp đang có dịch đau mắt đỏ cần lưu ý thực hiện thêm các biện pháp như: rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9%), ngày ít nhất 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối; Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, không dùng chung đồ đạc với người đau mắt.

Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt, cũng như hạn chế đến những nơi đông người đặc biệt là những nơi có nhiều mầm bệnh. Đối với người bị đau mắt đỏ cần lưu ý thực hiện việc lau rửa ghèn mắt ít nhất 2 lần một ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông, lau xong vứt bỏ khăn, không sử dụng lại. Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn. Tránh khói bụi, đeo kính mát cho mắt. Những trẻ em bị bệnh nên nghỉ học, không đưa trẻ đến trường hoặc những nơi đông người trong thời gian bị bệnh.

Trong khi đó, TS-BS Lê Xuân Cung cho biết, đau mắt đỏ là bệnh lành tính nếu được phát hiện và điều trị đúng, bệnh sẽ khỏi sau 4 - 5 ngày. Tuy nhiên, nếu chủ quan, điều trị không đúng cách, bệnh rất dễ biến chứng thành viêm, loét giác mạc... dẫn đến khó điều trị, thậm chí có thể làm giảm thị lực hoặc mù lòa.

Do vậy khi bị đau mắt đỏ, người bệnh cần tới các cơ sở y tế chuyên khoa để khám, điều trị, không tự ý nhỏ mắt bằng loại thuốc có thành phần Cocticoid như: Clodexa, Nemydexa, Dexaclor, Polydexa... vì các thuốc này có chứa chất gây giảm miễn dịch mắt, nhiều tác dụng phụ gây ảnh hưởng thị lực.

Đặc biệt lưu ý, các phương pháp chữa trị được truyền tai nhau như xông mắt bằng lá trầu không, đắp mắt bằng rau dấp cá, rau má... cũng không nên thực hiện vì đến nay chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh các loại lá trên có tác dụng chữa trị đau mắt đỏ, do vậy nếu thực hiện các biện pháp này thì rất nguy hiểm cho đôi mắt. Ngoài ra, những người bị đau mắt đỏ nên hạn chế dùng thực phẩm kích thích, có vị nóng như: hành tỏi, ớt, các chất tanh, cũng như hạn chế uống rượu bia... vì có thể gây kích ứng hại cho mắt.

TRUNG KIÊN

(SGGP)