Chủ nhật, 21/9/2014, 21h09

Dịch đau mắt đỏ tại Hà Nội: Ngăn chặn lan vào trường

Một bệnh nhân đang khám đau mắt đỏ tại bệnh viện. Ảnh: I.T
Dịch đau mắt đỏ bùng phát ở khu vực phía Bắc vào đúng thời điểm học sinh bắt đầu tựu trường năm học mới. Tuy nhiên, theo các BS thì dịch năm nay bùng phát có muộn hơn so với những năm trước.
Trẻ con bị nhiều hơn người lớn
Chị Nguyễn Thị Lan Hương ở Long Biên Hà Nội cho biết từ đầu tuần đến giờ chị cho con trai (cháu đang học mẫu giáo 4 tuổi) nghỉ ở nhà vì ở lớp đang có dịch đau mắt đỏ. Chị Hương cho biết cô giáo của lớp con thông báo lớp có đến gần 20 cháu bị đau mắt đỏ nên khuyên các phụ huynh có con chưa bị nên cho các cháu ở nhà. Không chỉ riêng trường con chị Hương mà một số trường khác của Hà Nội cũng đã có học sinh bị đau mắt đỏ. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương và Bệnh viện Mắt Hà Nội, vài tuần trước ghi nhận rải rác các trường hợp đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc cấp) vào khám. Tuy nhiên mấy ngày nay, số khám bùng phát, trung bình đến 300 bệnh nhân tới khám mỗi ngày. Trong đó, nhiều gia đình cả nhà cùng bị đau mắt đỏ. Đa số các bệnh nhân bị đau mắt đỏ vào khám thường không biết rõ nguyên nhân mắc bệnh hoặc nguồn lây bệnh cho mình, chỉ giải thích chung chung do bị bụi bay vào mắt, dụi mắt nhiều hay tự nhiên thấy đau, một số bị lây do trong nhà hoặc cơ quan có người bị đau mắt trước. Điểm khác biệt so với bệnh đau mắt đỏ các năm trước, năm nay số trẻ bị bệnh nhiều hơn đối tượng người lớn. Trẻ em bị đau mắt đỏ vào khám thường kèm theo các triệu chứng sốt, đau họng, dễ bị nhầm là viêm họng. Có thể nhận biết sớm dấu hiệu khi mắc bệnh qua các biểu hiện: Sốt, đau họng, sưng hạch ở trước tai, sau từ 5-7 ngày một bên mắt bị đỏ, và từ 3-5 ngày sau đỏ sang mắt còn lại, mắt rỉ nước, bị đỏ, gây cảm giác ngứa, cộm, sợ ánh sáng, BS khám phát hiện có hột đặc trưng trong mắt...
Bệnh dễ mắc, dễ lây lan

 

Bệnh nhân chờ khám đau mắt đỏ ở Bệnh viện Mắt Trung ương. Ảnh: N.Huê
Đau mắt đỏ (hay còn gọi là viêm kết mạc) thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh. Những ngày qua, lượt người bị đau mắt đỏ tại Hà Nội đã nườm nượp tới khám tại các bệnh viện chuyên khoa mắt. Theo BS. Hoàng Cương, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương, bình quân tại bệnh viện này có tới 300 ca đến khám có triệu chứng bị đau mắt đỏ. Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay, bệnh đau mắt đỏ thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu, khi thời tiết từ nắng nóng chuyển sang mưa, độ ẩm không khí cao, khi giao mùa… Đây là những thời điểm mà cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết dễ bị mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu nên dễ bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, môi trường nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm, dùng chung đồ dùng sinh hoạt như khăn mặt, gối… cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển và bùng phát thành dịch.
“So với năm ngoái thì năm nay dịch đau mắt đỏ đến muộn hơn một chút nhưng tốc độ lây lan có phần nhanh hơn” - BS. Cương cho hay.
Được biết, khoảng tháng 9-2013, dịch đau mắt đỏ cũng bùng phát mạnh tại Hà Nội và các tỉnh lân cận khiến nhiều người mắc dịch này. Theo các BS cho biết: “Vào thời điểm này hàng năm, bệnh đau mắt đỏ thường xuất hiện nhiều và gia tăng ở Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận. Bệnh tăng mạnh nhất khi bắt đầu mùa mưa ở miền Bắc. Trong số những ca đau mắt đỏ vào điều trị tại Bệnh viện Mắt Trung ương trong tuần qua, có ít ca nặng. Tuy nhiên, cũng có một số bệnh nhân do đến điều trị muộn, do đã sử dụng rất nhiều loại thuốc uống, thuốc nhỏ mắt trước đó nên dẫn đến biến chứng viêm giác mạc, giảm thị lực”.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng.  Tuy nhiên, bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.
Do mầm bệnh có khả năng sống ở môi trường bình thường trong vài ngày và người bệnh vẫn có thể là nguồn lây bệnh sau khi đã khỏi bệnh một tuần. Vì vậy, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện triệt để các biện pháp vệ sinh và cách ly với người bệnh.
Nghiêm Huê
Trước diễn biến lan nhanh của dịch, ngày 11-9, Sở Y tế Hà Nội vừa có công văn yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân cách phòng tránh cũng như tăng cường bàn khám, thuốc, nhân lực để phục vụ người bệnh. Sở Y tế Hà Nội đặc biệt lưu ý khâu giám sát dịch đau mắt đỏ tại các nhà trẻ, trường học.