Thứ năm, 17/4/2014, 22h04

Hóc Môn: Dân khổ vì nước ngầm ô nhiễm

Một đoạn ở hồ chữ T xã Xuân Thới Đông chứa đầy rác thải, nguồn nước nơi đây được xác định là có chứa chất gây ung thư
92% người dân Hóc Môn thiếu nước sạch sử dụng, phải dùng nước giếng ngầm trong sinh hoạt. Tuy nhiên, nguồn nước ngầm được xác định là bị nhiễm khuẩn, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của người dân trong nhiều năm qua.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh dịch
Mới chuyển đến phòng trọ ở tổ 11, ấp Xuân Thới Đông 3, xã Xuân Thới Đông chưa đầy một tuần, Mai và em gái đã quyết tâm tìm chỗ trọ khác. Phòng trọ có nước giếng màu vàng khè, bị nổi màng sắt trên bề mặt bể chứa. Trong những ngày ở đây, hai chị em Mai cũng ráng rửa chén, rửa rau hay cá thịt, còn việc ăn uống thì phải mua nước khoáng để dùng. Ngay cả việc tắm rửa cũng phải ráng nốt. Kết cục là sau mấy ngày tắm nước ngầm, hai chị em đều bị ngứa ngáy và nổi mụn li ti. Quần áo giặt bằng nước này khiến áo màu trắng cũng thành màu vàng và tanh tanh mùi bùn.
Cùng dãy nhà trọ với Mai, chị Nguyễn Thị Kiều Trang, công nhân may của Công ty May O-Sung Vina nói rằng căn phòng trọ Mai đã ở là căn phòng chưa có khách trọ nào trụ được quá 2 tuần, cũng chỉ vì nguồn nước giếng khoan bị nhiễm phèn quá nặng. Phòng của chị Trang ở kế bên nước cũng nhiễm phèn nhưng không nặng màu và nặng mùi như vậy. Duy chỉ có một điều khiến chị Trang lo lắng là đứa con trai nhỏ tắm bằng nước nhiễm phèn riết rồi bị viêm da. Chị Trang cũng nghi ngờ rằng do chị rửa thực phẩm bằng nước này nên con chị thỉnh thoảng bị tiêu chảy. Vẫn biết là nguồn nước ảnh hưởng đến sức khỏe của con, nhưng vì công việc của hai vợ chồng chị Trang đều đã ổn định ở gần khu trọ nên họ phải gắng gượng. Nỗi lo của chị Trang vẫn chưa dừng lại ở đó, bởi cách đây 6 năm, huyện đã đưa đoàn đến kiểm tra mẫu nước ở hồ chữ T, ngay sát nơi dãy nhà trọ chị Trang ở, kết quả cho thấy nước hồ bị ô nhiễm nặng do rác và nước thải từ các hộ dân làm nghề dệt, nhuộm, nguy hiểm hơn nước hồ này còn có chất gây ung thư. Mỗi khi mùa mưa đến, nước hồ đen ngòm và rác lại đua nhau sản sinh ra muỗi, ruồi nhặng hàng đàn khiến người dân phải chịu thêm khổ sở.
Sống gần vùng bị ô nhiễm dù sao cũng là việc chẳng đặng đừng của nhiều hộ dân, vì thuận lợi công việc, trường học hoặc thậm chí do giá nhà trọ rẻ hơn so với những nơi khác. Cũng chỉ vì công việc có thu nhập thấp nên người lao động buộc lòng phải chấp nhận. Anh Phan Công Tráng, một nhân viên phục vụ nhà hàng hai năm qua khổ tâm vì bị viêm gan siêu vi B. “Trước đây khi còn ở quê tôi đã xét nghiệm chức năng gan cho kết quả bình thường, nhưng sau gần 10 năm sống gần bãi rác Đông Thạnh thì lại bị nhiễm bệnh. Hồi ở quê mới lên cũng đi hết chỗ này đến chỗ nọ để tìm phòng trọ, cuối cùng mới ưng ý chỗ này vì giá rẻ. Nào ngờ bây giờ mang bệnh thế này”, anh Tráng than. Cũng theo lời anh Tráng, đa phần người dân đều sử dụng nước trực tiếp bơm từ giếng lên, không qua bộ lọc nước, nên nguy cơ bệnh tật là khó có thể tránh khỏi.
Nước ngầm ô nhiễm và những lời cảnh báo
Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hóc Môn cảnh báo rằng mạch nước ngầm trên địa bàn huyện kiểm nghiệm gần đây cho thấy đang bị nhiễm phèn nặng, nhiễm vi sinh từ 7-15% và nhiễm vô cơ 10%.
Nguyên nhân ô nhiễm tầng nước ngầm ở TP.HCM được xác định là do cấu trúc địa chất và tình trạng khai thác bừa bãi, nhiều giếng được khoan gần khu vực ô nhiễm như cống thải, nghĩa trang, hố ga, sát bờ kênh, bãi rác. Thêm vào đó, kỹ thuật khoan giếng nhiều nơi chưa tốt kéo theo việc gia cố, cách ly tầng không bảo đảm, tạo thêm những cửa sổ địa chất thủy văn nhân tạo làm cho các chất ô nhiễm từ trên bề mặt theo nước khuếch tán và thẩm thấu xuống tầng nước ngầm.
Theo các chuyên gia về sức khỏe, nước ngầm có độ pH thấp về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nếu không sử dụng trực tiếp cho mục đích ăn uống. Tuy nhiên, tính acid trong nước có khả năng ăn mòn kim loại từ đường ống, vật chứa nước và tích lũy các ion kim loại trong nước dễ phát sinh bệnh tật ở người. Hàm lượng sắt cao, cùng với ô nhiễm chất hữu cơ, ô nhiễm từ hợp chất chứa nitơ, các vi sinh gây bệnh có trong nước giếng, nếu sử dụng và tiếp xúc lâu dài, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, gây nên bệnh tả, lỵ, thương hàn, sốt rét, siêu vi khuẩn viêm gan B, siêu vi khuẩn viêm não Nhật Bản, nhiễm giun đỏ...
Các chuyên gia này khuyến cáo rằng, trong trường hợp người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước giếng khoan cho ăn uống, sinh hoạt, thì việc cấp thiết cần làm là dùng phương pháp lọc cổ điển như xây bể lọc than, cát, sạn. Hoặc nếu có điều kiện thì sử dụng thiết bị lọc nước để loại trừ chất ô nhiễm trong nước, bảo vệ an toàn cho sức khỏe của chính bản thân và gia đình.
Bài, ảnh: Bích Vân
Hiện toàn huyện Hóc Môn có 83.442 hộ dân, nhưng chỉ 7.079 hộ có nước sạch sử dụng (chiếm 8,5%), đa phần người dân phải sử dụng nước giếng khoan không đảm bảo chất lượng. Theo UBND huyện Hóc Môn, việc còn quá nhiều người dân trên địa bàn huyện chưa được sử dụng nước sạch là do thiếu kinh phí đầu tư, đồng thời người dân cũng chưa mặn mà với việc gắn đồng hồ nước.