Thứ hai, 6/6/2011, 15h06

Khó thở, thủng ruột do nuốt răng giả

Kỹ thuật làm hàm giả hiện đã phát triển không ngừng, hạn chế tối đa những rủi ro về chất liệu cho người sử dụng. Tuy nhiên, đeo cả hàm răng giả không phải lúc nào cũng an toàn tuyệt đối. Những tai nạn do răng giả rớt vô đường hô hấp, tiêu hoá… không còn là những trường hợp hy hữu mà đã khá phổ biến trong các ca cấp cứu dị vật đường thở, đường ăn.

Nuốt nguyên hàm giả vẫn không biết
Khoa răng, bệnh viện Việt Nam – Cuba (Hà Nội) từng giải cứu cho không ít bệnh nhân gặp sự cố với những chiếc răng giả. Gần đây nhất là trường hợp bệnh nhân T.Q.Q., 70 tuổi, ở Bắc Ninh, nhập viện vì đã nuốt luôn hàm răng giả đang dùng trong lúc ăn cơm nhưng không biết. Vài ngày sau, nghe ông Q. kêu khó thở, đau bụng dữ dội, người nhà mới vội đưa ông đi cấp cứu. Tại bệnh viện, thông qua kết quả chụp phim, các bác sĩ phát hiện một hàm răng giả đang ngự trong ruột và thành ruột non thì đã có biểu hiện bị răng giả làm thủng.
Một trường hợp hy hữu khác, bệnh nhân N.V.Đ., 60 tuổi, ở Hà Nội. Do vẫn còn một ít răng thật nên ông Đ. được nha sĩ chỉ định dùng răng giả hàm tháo lắp, đeo ròng rã đã vài năm. Gần đây, trong một lần ăn uống, do vừa nói chuyện vừa nhai thức ăn nên ông Đ. nuốt luôn cả hàm răng giả. Được bệnh viện xử trí kịp thời, ông đã đi ngoài ra nguyên hàm răng giả nằm lẫn trong chất thải.
Thận trọng khi chọn đeo răng giả
Hàm răng rất quan trọng trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt với việc ăn uống, nói năng. Trong trường hợp người bệnh bị mất răng, răng hư hỏng… các bác sĩ đều khuyên nên làm răng giả càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng xảy ra do khó khăn trong ăn nhai, xương hàm bị thoái hoá, lão hoá sớm, ảnh hưởng đến các răng còn lại, mắc bệnh đau đầu do mất răng…
Nếu phải làm răng giả, người bệnh nên tới những cơ sở nha khoa có uy tín, đã được cơ quan quản lý y tế giám sát hoạt động. Một số người do đánh giá chưa đúng vai trò răng giả với sức khoẻ nên nghĩ kỹ thuật đeo răng giả đơn giản, làm ở đâu cũng được. Điều này rất sai lầm. Một hàm răng giả ngoài bảo đảm sức nhai, tính thẩm mỹ còn phải tính đến sự an toàn để người bệnh không dễ nuốt vào bụng. Hiện chất liệu làm răng giả có nhiều loại, phổ biến nhất là bằng sứ, thép, nhựa. Trong mỗi chất liệu còn có nhiều loại khác, ví dụ bằng sứ thì có sứ không kim loại, sứ titan, sứ kim loại… Trong sứ không kim loại lại có sứ alumina, sứ sercon, sứ impress... Giá thành sẽ tuỳ từng loại cụ thể và cũng có thể thay đổi theo cách thức mài răng, vật liệu lấy dấu, mức độ tinh xảo của xưởng đúc, trình độ người làm.
Cần kiểm tra răng giả thường xuyên
“Theo tuổi tác, nướu dần teo nhỏ lại, hàm răng giả rất dễ bị lỏng lẻo nên bệnh nhân cần kiểm tra răng giả thường xuyên”.
Sau khi làm răng giả cần phải giữ vệ sinh tốt, đánh răng đúng cách và làm theo hướng dẫn của bác sĩ với từng loại hàm giả, vì mỗi loại có một hướng dẫn khác nhau. Theo tuổi tác, nướu dần teo nhỏ lại, hàm răng giả rất dễ bị lỏng nên bệnh nhân cần kiểm tra răng giả thường xuyên. Người sử dụng răng giả nên tránh ăn thức ăn quá cứng vì sẽ làm vỡ hàm giả. Sau khi lấy răng ra vệ sinh cần lắp khít, chặt để giảm nguy cơ nuốt phải. Tốt nhất nên cố định răng, còn trong trường hợp răng chỉ phục vụ yếu tố thẩm mỹ thì hết sức thận trọng khi ăn uống hoặc có thể tháo ra trước bữa ăn, để tránh gặp phải những tai nạn đáng tiếc.
Nuốt phải răng giả có thể làm thủng ruột nếu là loại có nhiều móc sắc. May mắn là loại này hiện cũng ít được các nha sĩ chỉ định sử dụng. Còn những loại khác có thể gắp ra hoặc theo đường tiêu hoá ra ngoài. Dù vậy cũng không thể coi thường những tai nạn do nuốt phải răng giả. Sau khi nuốt răng giả, bệnh nhân thường bị tức vùng ngực, đau bụng, khó thở. Lúc này cần phải tới cơ sở y tế chuyên khoa để xử trí kịp thời, tránh những tai biến cho đường tiêu hoá, hô hấp...
TS.BS Phạm Như Hải
trưởng khoa răng, bệnh viện Việt Nam – Cuba, Hà Nội
SGTT