Thứ năm, 30/10/2014, 15h10

Ngộ độc do ăn ốc bùn lóng

Loài ốc bùn bóng, tên khoa học là Nassarius (Alectrion) glans glans có độc tố thần kinh cực mạnh gây ngộ độc cho con người.

Ốc bùn bóng. Ảnh tư liệu.

Ngày 29-10, bác sĩ Nguyễn Văn Xáng - giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa - cho biết Viện Hải dương học (tại Nha Trang) đã xác định được độc tố từ loài ốc gây ngộ độc đối với bệnh nhân Lê Văn Dít ở huyện Vạn Ninh vào ngày 26-10.

Sau khi ăn bún ốc và bị ngộ độc, bệnh nhân Lê Văn Dít đang được điều trị tại khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.

Theo Viện Hải dương học, loài ốc trên có tên tiếng Việt là ốc bùn bóng, tên khoa học là Nassarius (Alectrion) glans glans. Độc tố của loài ốc bùn bóng gây ngộ độc cho bệnh nhân Lê Văn Dít là tetrodotoxin.

Đây là độc tố thần kinh cực mạnh không hề bị phân hủy, biến tính trong nhiệt độ cao. Do đó, độc tố tetrodotoxin vẫn tồn tại trong các sản phẩm thức ăn đã được chế biến, xào nấu hay cả trong sản phẩm cấp đông, đóng hộp.

Khi ăn phải các loài sinh vật chứa độc tố tetrodotoxin, theo Viện Hải dương học, triệu chứng ngộ độc thường xảy ra trong vòng 20 phút đến 3 giờ.

Nạn nhân có cảm giác tê, rát bỏng ở môi và đầu lưỡi, sau đó lan dần đến tay chân; đôi lúc có kèm đau đầu, đau bụng, đau cánh tay; đi đứng loạng choạng, nôn mửa dữ dội, khó thở, hôn mê, hô hấp ngưng trệ do bị tê liệt cơ hô hấp. Nạn nhân có thể tử vong sau khi bị ngộ độc trong vòng 30 phút đến 8 giờ.

Hiện nay không có thuốc giải đặc hiệu cho các trường hợp ngộ độc do tetrodotoxin. Biện pháp chữa trị hữu hiệu nhất khi có dấu hiệu bị ngộ độc là kích thích cho nạn nhân nôn, nôn càng nhiều càng tốt; súc rửa dạ dày bằng than hoạt tính để thải bớt chất độc...

Sau khi ăn bất cứ loài ốc biển nào mà người ăn thấy có các triệu chứng như đã nêu thì phải lập tức đến các cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ điều trị kịp thời, tránh xảy ra tử vong đáng tiếc.

P.S.NGÂN (TTO)