Thứ tư, 28/3/2012, 15h03

Phong thấp - bệnh không chỉ của người già

Bệnh nhân bị phong thấp cũng có thể dùng phương pháp châm cứu để chữa trị. Ảnh: T.L

Phong thấp (còn gọi là bệnh viêm khớp xương) với triệu chứng ban đầu khớp xương sưng đau, mà trước tiên là các khớp ngón tay và cổ tay. Sau đó, hiện tượng này chuyển dần tới khuỷu tay, mắt cá chân rồi lan đến các khớp xương còn lại.
Bệnh không chỉ của người già
Những người bị bệnh phong thấp thường than thở rằng da thịt, thậm chí toàn bộ xương cốt trong người cứ như bị bó chặt, đau tựa kim châm, như bị dao cứa... Nếu thấy xuất hiện thêm triệu chứng cứng chân, cứng tay vào sáng sớm khi ngủ dậy có nghĩa là bệnh đã chuyển sang giai đoạn mạn tính.
Nhiều người cứ tưởng rằng, phong thấp là bệnh của tuổi già. Nhưng không hiếm người ở độ tuổi 20-40 cũng mắc bệnh này. Nữ giới thường bị bệnh thấp khớp cao gấp 2 lần nam giới. Nếu không chữa trị kịp thời, 20-30% bệnh nhân sẽ mất khả năng làm việc trong vòng 2-3 năm.
Một bệnh nhân nam 21 tuổi, thể trạng phát triển bình thường, đến gặp tôi ở bệnh viện và cho biết là không có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào ngoài bị phong thấp tay chân. Cụ thể là từ lúc còn nhỏ đến khi trưởng thành, khi tay nhúng vào nước chừng 5 phút là bắt đầu nhăn nheo như tay của một người cao tuổi. Do thấy hiện tượng này không ảnh hưởng đến sức khỏe lắm nên cậu ta không đi khám. Nhưng dạo gần đây thấy không ổn, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe sau này nên mới tìm đến BS.
Bệnh phong thấp rất khó để chẩn đoán. Các chứng của bệnh rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh xương khớp khác như: Chứng khớp xương biến dạng, hiện tượng xương và khớp bị lão hóa. Vì vậy, trong thực tế, đã có những người bị chẩn đoán mắc chứng phong thấp, nhưng khi khám kỹ ở chuyên khoa thì hóa ra lại bị khớp xương lão hóa, biến dạng.
Kế hoạch “chiến đấu” lâu dài với bệnh
Điều quan trọng trong việc điều trị bệnh phong thấp là chuẩn bị tâm lý chữa bệnh. Đây là căn bệnh chưa rõ nguyên nhân và chưa có phương cách điều trị dứt điểm. Vì vậy, cần chuẩn bị tư tưởng đồng thời có kế hoạch để “chiến đấu” lâu dài với nó.
Ngoài những cách chữa bệnh do BS thực hiện kể trên, bệnh nhân cũng cần biết cách tự săn sóc mình giúp cho cuộc sống bớt khó khăn cũng như ngăn chặn sự tiến triển của bệnh như: Tập thể dục thường xuyên (bệnh nhân cần hỏi BS hay nhân viên vật lý trị liệu về những bài thể dục nào thích hợp và cần thiết); giữ không cho lên cân nhiều (số cân dư sẽ làm cho các khớp xương phải chịu sức ép nhiều hơn, dễ bị phá hoại hơn; ăn uống đúng cách (ăn nhiều rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt); tắm nước nóng hay dùng bình nước nóng đặt lên các khớp để giảm đau, thư giãn các bắp thịt và tăng máu đến khớp; tập những phương pháp thư giãn như thở sâu, thư giãn bắp thịt; uống thuốc đầy đủ theo lời dặn của BS; giữ thái độ lạc quan (việc này sẽ làm cho bạn chủ động trong việc đối phó với căn bệnh); dùng những dụng cụ giúp mình vận động; không làm quá sức mình, cần nghỉ ngơi khi mệt mỏi.
Bên cạnh đó, bệnh nhân bị phong thấp cũng có thể dùng thử những phương pháp chữa trị khác như: Châm cứu, dùng một số bài thuốc theo đông y, một số thuốc dùng thêm như glucosamine, chondroitin sulfate... Tuy nhiên, những phương pháp này phải được theo dõi và kiểm chứng đầy đủ của BS. Do đó, bệnh nhân phải cẩn thận tìm cho đúng thầy đúng thuốc, không nên dùng bừa bãi.
ThS.BS Nguyễn Văn Út
(Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - TP.HCM)