Thứ ba, 26/8/2014, 22h08

Tắm đêm dễ bị đột quỵ?

Một bệnh nhân đang điều trị đột quỵ tại Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: P.N.Q

Một trong những nguyên nhân làm cho cơ thể suy yếu thiếu sức đề kháng và có khi dẫn đến thiệt mạng là do thói quen tắm đêm, đặc biệt là người có huyết áp không bình thường.
Nhiều người có quan niệm đơn giản là người bẩn lúc nào thì tắm lúc đó. Việc vệ sinh cơ thể là nhu cầu xảy ra mọi nơi mọi lúc chứ thời gian và thời tiết chẳng ảnh hưởng bao nhiêu. Đây là một quan niệm chưa đúng và thiếu khoa học dễ làm cho con người chủ quan trong việc tắm rửa nhất là về đêm.
Xét về yếu tố thời tiết, khí hậu sau 20 giờ tối nhiệt độ bắt đầu giảm hơn so với thời gian trước đó. Con người sau một ngày lao động cần được nghỉ ngơi vì mệt mỏi, sức đề kháng cũng giảm dần. Áo quần dơ bẩn cần phải thay đồ mới sạch sẽ, cơ thể bám đầy bụi và thấm mồ hôi nên không ít người tranh thủ dội vài xô nước hay đứng dưới vòi sen để thỏa cơn nóng bức. Chính đây là cơ hội để làm cho nhiệt độ, trạng thái cơ thể thay đổi bất thường khiến các mạch máu co lại đột ngột ảnh hưởng việc máu lưu thông lên não dẫn đến các tai biến và nguy cơ đột quỵ.
Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với BS. Bạch Thanh Thủy - Chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Quân y 175 TP.HCM:
PV: Thưa BS, thực tế cho thấy một số người sau khi tắm đêm đã có triệu chứng nhức đầu, đột quỵ dẫn đến những cái chết bất ngờ. Theo BS có phải tắm đêm là nguyên nhân chính gây ra những biến chứng ngoài ý muốn đó hay không?
Trước hết phải khẳng định rằng những cái chết bất ngờ đó là do nhiều nguyên nhân. Có thể là do tai biến mạch máu não, có thể do bệnh lý về tim mạch như nhồi máu cơ tim… Đột quỵ do bệnh lý mạch máu não có thể xảy ra bất cứ lúc nào, có thể khi đang tắm, khi đi đường hoặc đột quỵ xảy ra trong lúc đang ngủ… Như vậy, chúng ta có thể đi đến kết luận rằng: Tắm đêm không phải là nguyên nhân chính và duy nhất gây ra đột quỵ.
Thế nhưng đã có rất nhiều người chết “bất đắc kỳ tử” ngay bên xô nước hay trước đó đã có một trận ngâm mình trong nước lạnh khi trời đã về đêm. BS có thể giải thích chuyện này?
Điều này có thể là có sự trùng hợp. Tuy vậy, cũng có thể có một số cơ sở khoa học để giải thích. Ví dụ sự thay đổi nhiệt độ đột ngột trong khi tắm (trong trường hợp người tắm không có sự chuẩn bị trước) làm các mạch máu co thắt. Điều này đối với một số người đã có các vấn đề về mạch máu từ trước như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp… có thể làm tăng huyết áp đột ngột và dễ làm khởi phát đột quỵ hơn. Như vậy, chỉ có thể nói tắm đêm là một trong nhiều nguyên nhân làm dễ dẫn đến đột quỵ hơn trong một số đối tượng nhất định mà thôi. 
Như vậy rõ ràng những ai trước đó bị bệnh cao huyết áp thì tắm đêm sẽ là điều kiện để cho huyết áp tăng cao và có nguy cơ về đột quỵ?
Đúng vậy. Những người bị đột quỵ sau lúc tắm đêm thường là các bệnh nhân có sức khỏe và huyết áp không bình thường, nói cách khác là có bệnh lý sẵn từ trước. Khi đã có tiền sử về mạch máu nếu chủ quan tắm nhiều vào buổi tối thì nguy cơ đột quỵ rất cao.
Thưa BS, khi gặp người nhà bị đột quỵ sau khi tắm thì cách xử lý như thế nào là tốt nhất?
Cũng giống như tất cả các trường hợp đột quỵ khác, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng nhanh càng tốt để có nhiều cơ hội cứu chữa.
Khi đưa đến bệnh viện, các BS đã có những phương pháp điều trị như thế nào?
Nếu đi sâu vào chuyên môn thì nhiều vấn đề cần nói, nhưng ở đây tôi chỉ trao đổi là BS sau khi chẩn đoán sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Ta đã biết trong điều trị đột quỵ thiếu máu não thì 3 giờ sau khởi phát được coi là quan trọng nhất, bởi khi này có nhiều khả năng cứu chữa nhất khi được dùng thuốc điều trị tiêu huyết khối. Còn nếu do xuất huyết não thì sau khi chẩn đoán, ngoài việc điều trị triệu chứng, các BS sẽ cân nhắc việc điều trị phẫu thuật hoặc các biện pháp điều trị chuyên biệt khác.
Vậy đâu là lời khuyên cho những ai có thói quen tắm đêm, thưa BS?
Hạn chế tắm đêm, nhất là vào thời gian quá khuya đặc biệt là các bệnh nhân cao huyết áp, tiểu đường vì dễ có nguy cơ đột quỵ. Ngoài điều trị thường xuyên theo yêu cầu của BS các bệnh nhân phải có lối sống và cách sinh hoạt lành mạnh. Trong ăn uống thực hiện các khẩu phần ăn hợp lý và nên thường xuyên tập thể dục. 
Ngoài ra, cần giữ nhiệt độ cơ thể hài hòa, không để thay đổi nhiều và quá đột ngột, nhất là đối với người già và người đã có bệnh.
Xin cảm ơn BS rất nhiều!
Ngọc Quang (thực hiện)