Thứ tư, 2/12/2009, 15h12

Bệnh da mùa lạnh

Khi trời trở lạnh, ngoài một số bệnh lý phát sinh từ bên trong, còn có những biểu hiện bệnh lý ngoài da gây khó chịu
Da tiếp xúc với không khí lạnh sẽ bị nổi sẩn, mảng màu đỏ, sưng phù, gây ngứa dữ dội ở một hay nhiều vùng, thường gặp nhất là những vùng da hở như mặt, tay, chân. Đây là biểu hiện của bệnh mày đay vào mùa lạnh.
Ngứa và đau ngoài da
Nặng hơn thì bệnh phát khắp toàn thân.  Kích thước có thể nhỏ, đường kính từ 5 mm hoặc lớn như dĩa ăn. Mày đay gây ngứa dữ dội. Mày đay kéo dài vài phút đến vài giờ khi ngừng tiếp xúc với lạnh và có thể tái phát nhiều lần trong ngày. Một số trường hợp nặng sẽ xuất hiện mày đay lan tỏa, hạ áp, sốc, bất tỉnh hay thậm chí tử vong.
Có hai dạng mày đay là mày đay di truyền và mày đay mắc phải. Mày đay do di truyền thì hiếm gặp hơn mày đay mắc phải, tuổi khởi phát của mày đay mắc phải là 18 – 25. Khi mắc bệnh này, bệnh nhân phải tự học cách bảo vệ cơ thể chống lạnh, nên tránh ra ngoài lúc trời lạnh và mặc quần áo ấm đầy đủ.

Bệnh nhân đang điều trị chàm da
do dị ứng thời tiết lạnh tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM. Ảnh: C.T.V
Còn chàm khô ở da xuất hiện sau khi da khô quá mức, đặc biệt trong suốt những tháng mùa đông hay ở người già. Sang thương có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào nhưng thường gặp nhất là ở vùng trước ngoài của chân. Hai chân trở nên khô,  tróc vảy và tạo nên những lằn da, những mảng đỏ với các vết nứt nằm nông, ngang, dài và mỏng xuất hiện kèm theo khô và ngứa dữ dội.
Nếu thời tiết tiếp tục lạnh, sang thương sẽ lan lên tay và toàn thân. Các sang thương nặng sẽ có hình ảnh vết nứt ngang, sâu, rộng có tiết dịch và tạo mủ. Người bệnh thường than đau nhiều hơn là ngứa. Nếu bệnh nhân gãi nhiều hay điều trị với các thuốc làm khô da sẽ làm nặng thêm tình trạng chàm gây nhiễm trùng. 
Để điều trị chàm khô, nên giữ ẩm và dùng kháng sinh để loại bỏ mày và nhiễm trùng trước khi dùng steroid hay chất bôi trơn, ép nước lên sang thương chỉ dùng trong thời gian ngắn vì dùng kéo dài sẽ làm khô da hơn.
Tránh tắm với xà phòng thơm, nên dùng loại sữa tắm hoặc xà phòng nhẹ có chất làm ẩm da và không có chất làm thơm. Bôi kem làm ẩm da ngay sau khi tắm, mỗi tối trước khi đi ngủ cần bôi thêm để tạo độ ẩm liên tục cho da. Uống thuốc chống dị ứng hằng ngày.
Nứt da vì trời lạnh
Vào mùa lạnh, da bị mất nước sẽ dẫn đến tình trạng khô, ẩm mốc, dễ bị kích thích gây ngứa. Khi gãi, trên da xuất hiện những vệt trắng. Nếu không can thiệp kịp thời hoặc người bệnh lại sử dụng thuốc bôi và xà phòng không thích hợp, da sẽ có thể bị chàm hóa, chảy nước, có mụn nước. Nếu bệnh nặng hơn, da sẽ bong ra như vẩy cá (gọi là da vảy cá).
Nứt môi cũng do tình trạng mất nước gây ra. Đầu tiên môi khô, bong vảy, từ từ dẫn đến nứt, gây đau, chảy máu. Nếu không được điều trị đúng, môi sẽ bị chàm hóa, nhiễm trùng, gây ăn uống khó khăn và mất thẩm mỹ.
Nứt gót chân thường gặp ở phụ nữ. Vị trí thường gặp là gót và đầu ngón chân cái, út. Da dày lên, có những đường nứt dọc xung quanh gót chân, ở ngón cái thì bị nứt cả đường dọc và ngang. Lâu ngày, những vết nứt này sẽ kéo dài ra và sâu hơn, gây đau đớn, chảy máu, đi lại khó khăn.
Bình thường, vào những ngày nóng, hiện tượng nứt da chân ít gặp, đến những ngày lạnh thì nứt da chân tăng rõ rệt. Hiện tượng này cũng có thể gặp ở phần da tay nhưng ít hơn ở phần chân. Trời càng lạnh nhiều và kéo dài thì mức độ nứt da chân cũng tăng theo, thậm chí còn rịn máu và gây ra triệu chứng ngứa ngáy rất khó chịu.
Tăng cường độ ẩm cho da
Trong mùa lạnh, da bình thường cũng trở nên nhạy cảm. Nếu da nhạy cảm quá mức, chọn những loại sữa tắm hay xà phòng không gây dị ứng, các sản phẩm không mùi, không  màu, không khô.
Ăn nhiều thức ăn có chứa axít béo không no bảo vệ da như axít béo omega-3 có nhiều trong cá. Uống nhiều nước mỗi ngày để cung cấp độ ẩm cho da.
Giữ không khí trong nhà ẩm bằng cách đặt một thau nước hay khăn ẩm trong nhà và thay 2-3 lần/ngày.
Tắm nước ấm 1-2 lần/ngày khi thời tiết lạnh, tốt nhất bằng vòi sen và không tắm quá lâu. Tắm xong, thoa lên da lớp kem giữ ẩm trong khi da còn ướt sẽ giúp thuốc thấm vào da tốt hơn.
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Út
(Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM)
Theo NLĐ