Thứ hai, 2/3/2015, 09h03

Cẩn trọng khi cho trẻ “chơi” với thú nuôi

Bé Trần Tấn Lộc bị khỉ cắn được điều trị tại Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn do trẻ tiếp xúc với thú nuôi nên bị tấn công gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng và tương lai của trẻ. Chính vì vậy, trong những ngày lễ, Tết các bậc phụ huynh cần lưu tâm đến trẻ để hạn chế tai nạn xảy ra.
Tai nạn nghiêm trọng
Nhiều loài động vật như chó, mèo, gấu, khỉ… vốn được coi là những người bạn thân thiết, gần gũi gắn bó với nhiều gia đình. Đây cũng là những thú nuôi được các cô chủ, cậu chủ cưng chiều hết mức, đặt cho những cái tên mỹ miều, kiêu sa. Tuy nhiên, ngoài những mặt có lợi mà chúng đem lại thì nhiều loài động vật cũng có bản tính hung hăng, thậm chí còn dám “phản chủ”. Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM có tiếp nhận bệnh nhi Trần Tấn Lộc (8 tuổi, ngụ huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) bị chấn thương nặng vì cho khỉ ăn thì bị cắn. Thầy Minh Đức (sư thầy của bé Tấn Lộc) cho biết: “Bình thường chú tiểu vẫn cho khỉ ăn nhưng bữa đó khi cho ăn thì lại dùng cây để trêu chọc, đánh con khỉ mà Thất mới nhận nuôi cách đây mấy tháng. Theo phản xạ khi bị tấn công con khỉ tấn công lại, nó ôm vào đùi chú tiểu và cắn xé dẫn đến bị chấn thương nặng. Ngay sau đó, chú tiểu được đưa đến trạm y tế xã để sơ cứu, rồi được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM”. BS. Trần Đắc Nguyên Anh (Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM) cho biết: “Bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị khỉ cắn nhưng đây là một trong số những trường hợp bị tổn thương nghiêm trọng. Sau khi bé được chuyển đến viện thì Khoa Cấp cứu đã thực hiện việc làm sạch vết thương rồi chuyển bệnh nhi đến Khoa Ngoại thần kinh để các BS tiến hành mổ cấp cứu”. ThS.BS. Lê Phước Tân (Phó khoa Phỏng, Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM) cho biết thêm: “Ngoài vết rách da lớn ở đoạn nối giữa cẳng chân với đùi, phần dây thần kinh và mạch máu ở chân cũng bị cắn đứt. Trước tình trạng bệnh nhân có biểu hiện sốc do mất máu, các BS lập tức làm sạch vết thương, cắt lọc những mảng da rách đồng thời khâu nối mạch máu và dây thần kinh. Sau khi xuất viện bệnh nhân phải tập vật lý trị liệu để có thể đi lại nhưng cái chân bị tổn thương sẽ yếu hơn so với chân còn lại”. Trước đó cũng có một tai nạn đau lòng đối với bé A (3 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM). Trong khi đang ngồi chơi với bà ngoại ở sân gần chuồng nuôi gấu thì bé A bị con gấu nuôi trong chuồng cắn và kéo cánh tay vào phía trong lồng rồi cắn đứt bàn tay trái. Bé A nhập viện trong tình trạng bàn tay bị đứt lìa, các BS tiến hành khâu vá lại vết thương nhưng không thể nối lại bàn tay. Đây chỉ là một trong số ít các tai nạn mà trẻ em gặp phải khi tiếp xúc với thú nuôi trong nhà do thiếu sự kiểm soát của người lớn.
Không nên chủ quan

Trẻ đang được tiêm phòng bệnh dại. Ảnh: T.H
Cho rằng những loài  thú nuôi trong nhà gần gũi, thân quen với chủ nên ít ai đề phòng. Những suy nghĩ chủ quan, thiếu kiểm soát, vô tư của người lớn mà vô tình làm hại tới con trẻ. Vào những ngày nghỉ lễ mặc dù có nhiều công việc bận rộn nhưng phụ huynh cần lưu tâm tới trẻ vì trẻ em vốn có tính tò mò, hiếu động, thích khám phá. BS. Nguyên Anh nhấn mạnh: “Không nên để trẻ “chơi” với các loài vật nuôi quen thuộc như chó, gấu, khỉ… vì chẳng may bé “chọc giận” chúng thì sẽ bị cắn lại rất nguy hiểm”. Trong khi vật nuôi đang ăn thì tuyệt đối không được để trẻ mon men lại gần vì vốn có bản tính sinh tồn nên các loài động vật rất dễ có những phản ứng để giữ miếng ăn cho mình. Một điều đáng lưu ý là không nên dùng những con vật đó để dỗ dành trẻ khi trẻ quấy khóc, không để trẻ dùng cây hay một vật gì đó để xua đuổi, đánh những loài vật nuôi này vì rất dễ bị tấn công lại. BS. Nguyên Anh khuyến cáo: “Cách tốt nhất để phòng tránh tai nạn cho trẻ từ những con vật nuôi là không để trẻ tiếp xúc, gần gũi với chúng. Cần dạy cho trẻ biết nhiều loài động vật nguy hiểm ngay từ khi còn nhỏ để các bé biết “sợ” mỗi khi gần chúng”. Đây chỉ là những biện pháp chung chung, còn vấn đề cốt yếu là phụ huynh cần phải quan tâm đến trẻ, hạn chế để trẻ tiếp xúc với vật nuôi vì chúng chỉ là một loài động vật mà bản chất  là “con” chứ không phải “người”.
Bài, ảnh: Nghiêm Quế
BS. Nguyên Anh khuyến cáo: “Con chó là vật nuôi quen thuộc đối với nhiều gia đình nhưng cần lưu ý phải tiêm phòng dại theo định kỳ, rọ mõm, nuôi trong lồng… để đảm bảo an toàn cho những người xung quanh”.
 
Các bậc phụ huynh phải hết sức cẩn thận
Theo BS. Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM thì thời gian qua, số người bị chó cắn đang ngày càng tăng. Trung bình mỗi ngày, có khoảng 25-30 trường hợp bị chó cắn đã đến bệnh viện kiểm tra và tiêm phòng dịch. Bệnh dại những năm gần đây báo động cả về số ca mắc và số ca tử vong, đặc biệt là trẻ em từ 5-14 tuổi, bởi trẻ thường hay đùa nghịch với chó, trong khi chiều cao của các em còn thấp nên thường bị chó cắn vào đầu, cổ. Chính vì thế, các bậc phụ huynh phải hết sức cẩn thận.
Khi bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn, phải rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng hay nước muối hòa đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn. Xử lý tại chỗ vết thương càng sớm thì tác dụng sát khuẩn, phòng virus dại tán phát càng hiệu quả. Sau đó, nạn nhân phải đến ngay cơ sở y tế để tiêm vaccine. Cho đến nay, y học đã khẳng định bệnh dại khi đã lên cơn đều dẫn đến tử vong 100%. Biện pháp duy nhất để cứu chữa những người bị súc vật dại cắn hoặc tiếp xúc với virus dại là phải tiêm vaccine dại và huyết thanh kháng dại càng sớm càng có hiệu quả. Ngoài ra, cần phải lưu ý khi tiêm vaccine phòng dại. Việc tiêm phòng phải thực hiện càng sớm càng tốt sau khi bị súc vật cắn, luôn tuân thủ đúng lịch hẹn tiêm vaccine để đạt hiệu quả tốt nhất.
T.HIỀN