Thứ ba, 11/2/2014, 21h02

Chớ xem thường hội chứng ống cổ tay

Thay băng hàng ngày sau khi mổ hội chứng ống cổ tay tại nhà
Hội chứng ống cổ tay là căn bệnh liên quan nhiều đến những người sử dụng liên tục và lâu dài một số cơ bắp nhỏ ở bàn tay. Cán bộ văn phòng, nhân viên đánh máy, người thu ngân, các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ chơi đàn và đội ngũ công nhân sản xuất dây chuyền cũng rất dễ “vướng” vào căn bệnh này.
Mới 40 tuổi nên anh Nguyễn Hữu Phước - nhân viên vi tính của một công ty ở quận 12, TP.HCM rất khỏe khoắn. Tuy nhiên, trước đây một năm, sau mỗi ngày đi làm về anh thấy đau ở bàn tay trái. Lâu ngày bàn tay càng thêm cảm giác tê buốt, còn các ngón tay giống như bị kim châm trong mùa lạnh. Đến lúc cảm giác đau và tê buốt lan sang bàn tay còn lại, nghi mình đang bị một căn bệnh nào đó hoành hành nên anh mới chịu bỏ công việc ở công ty để đi khám. Tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, BS. Nguyễn Văn Thì chẩn đoán anh bị hội chứng ống cổ tay.
Đó cũng là nỗi khổ nhiều năm nay của bà Phạm Thị Xuân Lưu - nhân viên một chi nhánh ngân hàng ở quận 7, TP.HCM khi đôi bàn tay thường xuyên tê buốt về đêm. Thời gian đầu, do đau mỏi nhiều, bà thường lấy dầu gió xanh xức đủ các ngón tay, ngâm nước muối để đánh lừa cảm giác khó chịu đó nhưng cũng chẳng ăn thua gì. Mặc dù biết bệnh tật có liên quan đến công việc thu tiền và đánh máy hàng ngày của mình nhưng bà cũng không có thời gian nghỉ ngơi, chữa trị. Vì thế từ chỗ ban đầu mới đau ở cổ tay, càng về sau cảm giác tê nhức lan rộng ra các ngón tay ở cả hai bàn tay. Bà Lưu và anh Phước phải qua các ca phẫu thuật tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM mới phục hồi được sức khỏe cho bàn tay.
Bài, ảnh: Phan Quang
 
Phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn
TS.BS Nguyễn Đình Phú - Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 giải thích: “Hội chứng ống cổ tay hay còn gọi là hội chứng đường hầm cổ tay, hội chứng chèn ép thần kinh giữa có tên khoa học là Carpal tunnel syndrome. Đây là bệnh lý chèn ép của thần kinh ngoại biên do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó có nguyên nhân nghề nghiệp”. So với đàn ông thì phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn. Cũng vì hay đau buốt về đem nên dễ làm cho người bệnh mất ngủ, trằn trọc nhiều giờ vì khó chịu. Nếu không chữa trị kịp thời, đúng cách lâu ngày bệnh nhân sẽ mất dần cảm giác và gây cản trở lúc làm việc. Khi ngón tay cái bị yếu thì các cơ liên quan ở phía dưới cũng teo đi. Không chỉ vụng về khi cầm nắm các vật, các cơn đau còn lan xuống cẳng tay.
PV: Thưa BS, khi một người bị hội chứng ống cổ tay thì có những triệu chứng gì dễ nhận biết?
Ống cổ tay có 2 triệu chứng: Triệu chứng cơ năng và triệu chứng thực thể. Trước hết xét về triệu chứng cơ năng. Điển hình của triệu chứng này là đau tay, tê ở gan bàn tay, tê buốt như kim châm ở bàn tay, tê nhức, châm chích ở các ngón tay, đặc biệt các ngón cái, ngón hai, ba và phân nửa ngoài ngón áp út. Mức độ nhẹ chỉ cảm thấy tê buốt như bị kim châm ở bàn tay, nặng hơn thì cảm thấy rất đau ở bàn tay. Triệu chứng có thể xảy ra ở cả hai tay, nhưng thường nặng hơn ở bàn tay thuận.
Còn về triệu chứng thực thể, thưa BS?
Dấu hiệu rõ nhất của triệu chứng thực thể là Tinel dương tính. Lúc đó BS gõ trên ống cổ tay ở tư thế duỗi cổ tay tối đa gây cảm giác đau hay tê giật lên các ngón tay. Còn nghiệm pháp Phalen dương tính là khi gấp cổ tay tối đa (đến 900) trong thời gian ít nhất là 1 phút gây cảm giác tê tới các đầu ngón tay giảm hoặc mất cảm giác châm chích vùng da do thần kinh giữa chi phối. Các triệu chứng như teo cơ mô cái, cử động đối với ngón yếu, cầm nắm yếu là những dấu hiệu muộn đã có tổn thương thần kinh.
Muốn chẩn đoán xác định một cách chính xác hội chứng ống cổ tay ở bệnh nhân thì BS phải làm gì?
Để chẩn đoán xác định hội chứng ống cổ tay một cách đầy đủ và chính xác, BS cần tiến hành đo điện cơ.
Được biết, cũng như một số căn bệnh khác, hội chứng ống cổ tay phải điều trị bằng 2 phương pháp đó là điều trị nội khoa và điều trị phẫu thuật. Xin BS nói rõ hơn 2 cách chữa bệnh này?
Về điều trị nội khoa, chủ yếu dùng thuốc giảm đau chống viêm uống, dùng thuốc corticoid tiêm vào trong ống cổ tay để chống viêm, kết quả bệnh có thể khỏi từ vài tháng đến nhiều năm, tùy thuộc vào việc bệnh được phát hiện càng sớm thì thời gian càng khỏi được lâu. Khi điều trị nội khoa không kết quả thì thầy thuốc phải dùng phương pháp điều trị phẫu thuật cắt dây chằng vòng để giải phóng dây thần kinh giữa ra khỏi ống cổ tay. Thủ thuật này chỉ cần gây tê tại chỗ, bệnh nhân có thể xuất viện sau một ngày.
Xin BS cho lời khuyên về cách phòng ngừa và hạn chế bệnh hội chứng ống cổ tay nhất là đối với các đối tượng người lao động là nhân viên văn phòng, nhân viên vi tính?
Trong quá trình làm việc người lao động cần có thời gian để nghỉ ngơi, không làm việc liên tục nhiều giờ đồng hồ. Nghỉ ngơi giúp con người có được những phút giây thư giãn để xoa bóp cổ tay nhằm phục hồi tuần hoàn máu cho các nhóm cơ của vùng cổ tay, giúp tăng tưới máu cho các nhóm cơ vùng vai, cổ, tay. Tạo thói quen làm động tác khởi động cổ tay trước khi lao động đối với các công việc phải thường xuyên sử dụng đến cổ bàn tay. Nếu thấy bị tê tay, mức độ tê tăng lên khi lao động, lái xe máy, hoặc bị tê khi đang ngủ, tê nhiều ở ngón trỏ và ngón giữa thì chúng ta nên đi khám ngay để có chẩn đoán xác định.
Để chiến thắng bệnh tật, tập thể dục là một trong những biện pháp hữu hiệu. Đối với bệnh hội chứng ống cổ tay cũng không ngoại lệ, phải không thưa BS?
Đúng vậy, thường xuyên tập thể dục rất có lợi cho sức khỏe và giảm bớt bệnh tật, nhất là với những người mà công việc bắt buộc phải ngồi nhiều, hoặc phải thực hiện những thao tác lặp đi lặp lại ở cổ tay trong đó có cả nhà văn, nhà báo, biên tập viên. Khi làm việc cần chú ý các động tác vừa phải, không nắm dụng cụ quá mạnh, không gõ bàn phím quá mạnh. Không tập trung vào một tư thế mà nên đổi tay nếu có thể được.
Xin cảm ơn BS rất nhiều!