Thứ năm, 26/3/2015, 22h03

Nắng nóng, trẻ nhập viện tăng

Phụ huynh đưa trẻ đến khám tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM (ảnh chụp ngày 22-3-2015)
Thời tiết nắng nóng kéo dài là cơ hội thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn sinh sôi nảy nở và gây hại đến sức khỏe của trẻ. Các bệnh về da, tiêu hóa, hô hấp, nhiễm siêu vi… tăng nhanh làm cho số trẻ nhập viện tăng cao.
Dễ mắc nhiều loại bệnh
Thời gian gần đây, ở Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM các phòng khám bệnh đông nghẹt người. BS.CK2 Đặng Thị Kim Huyên (Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM) cho biết: “Số bệnh nhi đến khám tại khoa rất đông và thường mắc nhiều loại bệnh khác nhau nhưng tập trung chủ yếu vào các bệnh mang tính điển hình như bệnh về tiêu hóa, hô hấp, nhiễm siêu vi… Trong số 1.700 bệnh nhi điều trị nội trú về các loại bệnh thì có khoảng 500 bệnh nhi mắc các bệnh về hô hấp”. Chị Kim Dung (ngụ quận Bình Tân) đưa bé Tin 3 tuổi đến khám tại Khoa Khám bệnh chia sẻ: “Mấy ngày nay bé quấy khóc, sốt, bị ho liên tục nên gia đình lo lắng đưa bé đi khám. Mà mấy đứa trẻ ở gần nhà cũng bị triệu chứng tương tự, không biết có phải dịch không nữa mà vào viện cũng đông quá trời luôn”. Nhiều bệnh nhân còn than thở, đi bốc số từ sớm mà cũng phải đợi mãi mới đến tên, con bị bệnh nhìn vào cảnh người chen lấn, tiếng khóc của trẻ làm không khí tại bệnh viện có phần nặng nề. Mùa nắng nóng việc bảo quản thức ăn không tốt, không đảm bảo cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều bé mắc các bệnh về tiêu hóa. Cầm quyển sổ khám bệnh trên tay, anh Nguyễn Văn Nam (ngụ huyện Củ Chi) kể: “Bé Ben bị rối loạn đường tiêu hóa, mấy bữa trước bé bị nôn ói, tiêu chảy… mua thuốc uống hoài không giảm nên bữa nay đưa bé đi khám. BS chỉ kê đơn thuốc rồi cho về điều trị chứ không phải nằm viện. Tôi vui mừng hết sức chứ nằm viện mùa nắng nóng vậy thì vất vả lắm”. BS. Huyên cho biết thêm: “Sức đề kháng của trẻ còn rất yếu nhất là trẻ ở độ tuổi dưới 3 tuổi, đây cũng là độ tuổi đến khám bệnh đông nhất. Trẻ lớn hơn cũng có nhưng tỷ lệ ít hơn. Đây là các loại bệnh mang tính cộng đồng, dễ lây lan”. BS. Huyên chia sẻ: “Lớp con gái chị đang học thì phân nửa lớp cũng bị nhiễm siêu vi do khi một bé trong lớp bị có thể lây lan sang cho nhiều bé khác trong lớp. Chính vì vậy, việc chủ động phòng ngừa ở gia đình hay trường học là vô cùng quan trọng”.
Phòng ngừa mang tính cộng đồng
Trẻ em sức đề kháng còn yếu lại không thể tự bảo vệ mình trước sự khắc nghiệt của thời tiết. Chính vì vậy, cha mẹ cần phải chủ động phòng tránh cho trẻ và cần có các kỹ năng cần thiết để giúp trẻ có thể hạn chế được khả năng mắc bệnh. Các bậc phụ huynh cũng nên chú ý tránh sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ như khi đang đi ngoài trời nắng nóng thì không nên cho trẻ tiếp xúc ngay với môi trường có điều hòa. Khi sử dụng máy lạnh ở gia đình cũng nên đặt chế độ phù hợp, cần cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. BS. Huyên nhấn mạnh vì đây là các loại bệnh mang tính cộng đồng nên rất cần sự chung tay của nhiều người chứ riêng các BS thì không làm được. BS. Huyên khuyến cáo: “Nếu bị ho, sổ mũi thì phải mang khẩu trang để tránh các giọt nước văng ra kéo theo vi khuẩn lây lan cho người khác. Biện pháp thiết thực và gần gũi nhất là tập cho các bé rửa tay, đây là biện pháp hữu ích để phòng ngừa bệnh đường hô hấp và tiêu hóa. Đặc biệt, trong các trường học cần có biện pháp chủ động phòng ngừa như khi thấy một em trong lớp bị bệnh cần cho em nghỉ để tầm soát bệnh, tránh lây lan cho những học sinh khác trong lớp. Các ông bố, bà mẹ nên quan tâm đến việc chích ngừa cúm cho trẻ, nếu chích ngừa hàng năm sẽ hạn chế khả năng mắc bệnh cho bản thân và xã hội. Khi trẻ bị bệnh cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ, cung cấp nước đầy đủ, ăn uống đảm bảo chất dinh dưỡng, hợp vệ sinh”. BS. Huyên khuyến cáo: “Nếu trẻ bị sốt từ 1-2 ngày thì cần phải đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế. Bởi khi trẻ bị sốt thì không đơn thuần chỉ là bị cúm mà trong đó có thể tồn tại nhiều loại vi khuẩn khác nhau gây nên các bệnh về tay chân miệng, sốt xuất huyết…”. Chính vì vậy cha mẹ không nên tự làm BS, bởi có nhiều trường hợp trẻ chỉ bị ói, tiêu chảy nhưng do sự chủ quan của gia đình mà đưa trẻ đến khám chậm trễ thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Bài, ảnh: Nghiêm Quế
Những sai lầm cần loại bỏ
BS. Huyên lưu ý, việc truyền tai nhau trong dân gian là khi trẻ bị bệnh thường có thói quen không cho trẻ tắm là sai lầm, bởi nếu không tắm rửa sạch sẽ thì vi khuẩn sẽ phát triển, thời gian khỏi bệnh sẽ lâu hơn. Đặc biệt phải cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng chứ không để trẻ ăn cháo trắng với suy nghĩ giúp trẻ tiêu hóa tốt. Đây là các biện pháp phản khoa học, thói quen không tốt cần phải loại bỏ.