Chủ nhật, 29/3/2015, 11h04

Thực phẩm chức năng: Cảnh giác với hàng giả

Nhân viên bán hàng đa cấp giới thiệu các loại thực phẩm chức năng
Dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong con người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh nên các loại thực phẩm chức năng đang là sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo BS. Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, không nên dùng khi chưa hiểu rõ thành phần và tác dụng của các loại thực phẩm chức năng.
Những tác dụng thiết thực
Thực tế cho thấy, thực phẩm chức năng có lợi cho một hay nhiều hoạt động của cơ thể như cải thiện tình trạng sức khỏe hơn là giá trị dinh dưỡng mà nó mang lại. Tuy nhiên cũng theo TS. Phan Quốc Kinh - Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam, thực phẩm chức năng ít tạo ra năng lượng cho cơ thể nên khác với các thực phẩm dùng hàng ngày như cá thịt, gạo rau… Vì thế, liều sử dụng của thực phẩm chức năng thường tính theo đơn vị nhỏ gram, miligram và “khoanh vùng” cụ thể đối tượng sử dụng như trẻ em, người già, phụ nữ, người bệnh… Cũng giống như thực phẩm, thực phẩm chức năng có thể dùng lâu dài thường xuyên mà an toàn không độc hại, không có tác dụng phụ như các loại thuốc. Một “điểm cộng” nữa của thực phẩm chức năng là có thể tự mua về uống mà không cần khám bệnh và có sự chỉ định của BS như các loại thuốc khác. Chỉ cần đọc kỹ ngoài bao bì “Cách hướng dẫn sử dụng” của nhà sản xuất là người dùng có thể tự sử dụng được.
Chính vì khả năng vượt trội đó mà thời gian gần đây, thị phần của thực phẩm chức năng đang ngày càng được mở rộng. Ngoài các nhóm bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất, nhà sản xuất còn tung ra thị trường các loại thực phẩm chức năng giúp cân bằng hệ vi khuẩn đường tiêu hóa và bổ sung các chất dinh dưỡng khác. Tại các nhà thuốc, nếu trước đây thực phẩm chức năng khiêm tốn ở trong một ngăn tủ nhỏ lèo tèo vài ba hộp kim tiền thảo, nga phụ khang thì hiện nay, nhà thuốc nào cũng dành riêng một tủ thuốc lớn cho các loại thực phẩm chức năng với một bảng “menu” kéo dài từ làm đẹp vóc dáng, dưỡng da đến giảm béo và cả tăng cường sinh lực cho mọi lứa tuổi.
Thế nhưng, không thể dùng thực phẩm chức năng theo lời đồn thổi mà cần có kiến thức cơ bản để đánh giá đúng từng loại cụ thể. Theo BS. Ngọc Diệp, vì thực phẩm chức năng thường có dạng viên, được đóng gói nên trước hết phải có kỹ năng đọc kỹ bao bì, nhãn mác rõ ràng và chính xác. Không chỉ nắm thông tin tên và công dụng, người tiêu dùng phải nắm rõ thành phần, nhóm sản phẩm của thực phẩm chức năng đó là thực phẩm ăn kiêng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe hay thực phẩm bổ sung vi chất… Bởi vì ngoài xác nhận có lợi cho sức khỏe, các thông tin trên bao bì còn đưa ra tiêu chí xác nhận về cấu trúc chức năng.
Cảnh giác với hàng giả
Mặc dù không có độc tố và tác dụng phụ, nhưng người tiêu dùng cần đọc kỹ cách dùng, mục đích sử dụng vì nếu không theo liều lượng thì lại có tác dụng ngược theo kiểu “chữa lợn lành thành lợn què”. Trên bao bì thường có tên đơn vị sản xuất cũng cần quan tâm để tránh hàng nhái, hàng giả dễ bị “tiền mất tật mang”.
Trên thực tế, đối tượng người tiêu dùng thường rất quan tâm đến thực phẩm chức năng là những người mắc bệnh nan y mà ung thư là căn bệnh hàng đầu vì muốn kết hợp các biện pháp hữu hiệu khác nhau. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn lầm tưởng thực phẩm chức năng là thuốc chữa bá bệnh nên vô tình lạm dụng và ít nhiều thần thánh hóa quá mức. Thực phẩm chức năng còn có tác dụng giảm cân, làm đẹp da nên được nhiều người nhất là chị em phụ nữ sử dụng, vì thế trên thị trường đang loạn các loại thực phẩm chức năng chưa kiểm soát. Theo BS. Ngọc Diệp, thực phẩm chức năng có tác dụng làm đẹp từ trong ra phải bổ sung được chất collagen cho tóc, răng, da, khớp khi nội tiết thay đổi hoặc có sự lão hóa. Tuy nhiên, nói chính xác là thực phẩm chức năng chỉ có khả năng tác dụng chứ chưa chứng minh rõ ràng là tốt cho việc “cải tạo” sắc đẹp. Cũng có loại thực phẩm chức năng làm đẹp dễ gây dị ứng phải cân nhắc và nên kiêng cữ cho những người tăng huyết áp, đường huyết cao hoặc có bệnh lý cấp cứu. 
Cũng vì lợi nhuận của các loại thực phẩm chức năng mà trên thị trường gần đây xuất hiện nhiều loại thực phẩm chức năng nhái không rõ nguồn gốc xuất xứ, hoặc có xuất xứ nhưng lại là hàng giả. Các lô hàng này được chiết xuất từ sữa ong chúa, vi cá mập, rong biển từ hàng xách tay rồi đóng gói mạo danh hàng xách tay rồi tung ra thị trường. Nghe theo lời quảng cáo “nổ”, nhất là các chi nhánh bán hàng đa cấp nên không ít người cả tin coi đó là “thần dược” không bổ ngang thì cũng bổ dọc đã vội mua dùng hoặc làm quà biếu xén, vô tình tiếp tay cho hàng gian, hàng giả làm rối loạn thị trường.
Bài, ảnh: Quang Phan
Theo lời khuyên của BS. Diệp, không nên quá tin vào quảng cáo, vì nếu chỉ dùng thực phẩm mà không chịu tập thể dục và ăn kiêng thì vẫn chưa có tác dụng. Tốt hơn cả nên dùng các loại thực phẩm tự nhiên có trong rau củ quả, sữa chua, để bổ sung các loại vitamin A, B, E.