Chủ nhật, 16/2/2014, 21h02

Tiềm ẩn nguy cơ bệnh suy giãn tĩnh mạch chân

Lạm dụng nhiều thời gian ngồi một chỗ bên máy vi tính sẽ tiềm ẩn nguy cơ bệnh suy giãn tĩnh mạch chân rất cao. Ảnh: M.H
Nhiều người vẫn có quan niệm suy giãn tĩnh mạch chân chỉ dành riêng cho người cao tuổi, thế nhưng trong thực tế, một số đối tượng thường xuyên ngồi hoặc đứng làm việc một chỗ như nhân viên văn phòng hay giáo viên thì bệnh suy giãn tĩnh mạch chân là nguy cơ cần phải đề phòng.
Triệu chứng phức tạp
Trong một lần ẵm con đi dạo công viên, anh Vũ Đình B. - ngụ phường Linh Đông, Q.Thủ Đức, TP.HCM được người hàng xóm phát hiện đằng sau bắp chân trái có nhiều mạch máu nổi lên rất rõ. Đến lúc này người đàn ông mới 42 tuổi mới biết có dấu hiệu bất thường về sức khỏe.
“Nghi án” này được người hàng xóm có kinh nghiệm cho biết có thể anh đã bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Về nhà kiểm tra lại anh thấy rõ hơn những mạch máu ngoằn ngoèo giống như một ổ giun đũa nằm dưới da, nhưng do màu da đen nên nhìn không rõ. Kết quả mà Bệnh viện Thủ Đức chẩn đoán là anh bị suy giãn tĩnh mạch chân.
Tuy không có những búi tĩnh mạch lớn như anh B. nhưng chị Lê Thị Lan, ngụ chung cư Biên phòng Q. Gò Vấp, TP.HCM lại có triệu chứng phù chân gần một năm nay. Chị Lan kể: “Thời gian đầu tôi cứ tưởng nhức mỏi chân là do thời tiết lạnh. Sau đó mới biết rằng mình bị suy giãn tĩnh mạch do  mắt cá và hai bàn chân phù lên, có thêm dấu vết sần sùi của chàm da”.
Theo BS. Nguyễn Văn Hữu - Bệnh viện Nhân dân Gia Định thì bệnh suy giãn tĩnh mạch có nhiều biểu hiện lâm sàng khác nhau và thay đổi tùy theo cơ địa từng người. Có người biểu hiện rõ vùng dưới da như anh B. hay chị L. nhưng cũng có người không mang triệu chứng gì rõ rệt. Theo BS. Hữu, do đau nhức chân, nóng bàn chân, sưng cổ chân nên nhiều người vẫn nhầm lẫn căn bệnh này với một số bệnh khác như viêm khớp, nhức mỏi hay chàm da.
PGS.TS Châu Ngọc Hoa - Trưởng khoa y Trường ĐH Y dược TP.HCM cho biết, mặc dù nguyên nhân của căn bệnh này chưa được xác định rõ nhưng phần lớn là do tuổi tác. Quá trình thoái hóa ở tuổi già đã làm cho các bộ phận trong cơ thể mang bệnh, trong đó có cả suy giãn tĩnh mạch. Tuy nhiên, bệnh cũng tập trung ở các đối tượng trẻ tuổi nhưng lại có tư thế ngồi hoặc làm việc quá lâu và lười vận động.
Do ngồi làm việc tại phòng máy quá lâu mỗi ngày nên máu tích tụ nhiều làm cho đôi chân anh B. phải tăng áp lực trong các tĩnh mạch, và sau đó là gây tổn thương van tĩnh mạch làm cho máu dồn ứ xuống phần dưới của cơ thể, mà cụ thể là đôi chân. Cũng do đứng nhiều trên bục giảng mà cô giáo Hồng Ng. - giáo viên THCS ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM bị suy giãn tĩnh mạch khi mới ngoài 30 tuổi.
Đôi chân cần vận động
PGS.TS Châu Ngọc Hoa khuyến cáo, do không có hoặc có từng biểu hiện lâm sàng khác nhau nên rất ít người phát hiện sớm mình đang mắc căn bệnh âm thầm này. Hậu quả là không được thăm khám và chữa trị kịp thời nên bệnh ngày càng tiến triển trầm trọng, việc chữa trị tốn kém, mất nhiều thời gian hơn.
Theo lời khuyên của BS. Hữu, đối với người lớn tuổi nên thường xuyên vận động để lưu thông tĩnh mạch, đặc biệt là những người béo phì, nặng cân. Đây còn là căn bệnh phổ biến trong thời hiện đại do con người phải làm việc lâu một chỗ. Chính vì thế không có cách nào hơn là chúng ta phải biết hạn chế thời gian lao động quá sức, biết phân bố thời gian nghỉ ngơi hợp lý và có những động tác thể dục giữa giờ cho phù hợp. Nếu quá chủ quan với sức khỏe của mình trong độ tuổi sung sức, lạm dụng nhiều thời gian ngồi một chỗ bên máy vi tính, phòng làm việc hay đứng lâu trên bục giảng thì sẽ làm khổ đến đôi chân và nguy cơ suy giãn tĩnh mạch rất khó tránh khỏi. Chắc chắn rằng mọi bệnh tật đều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như tuổi tác con người, trong đó có bệnh suy giãn tĩnh mạch nói chung và suy tĩnh mạch chân nói riêng.
Hương Thủy
Nhiều biến chứng nặng nề
Theo PGS.TS Châu Ngọc Hoa thì sự nguy hiểm hơn của căn bệnh này là đem lại nhiều biến chứng nặng nề khi tĩnh mạch có những cục máu đông dẫn đến tắc nghẽn tĩnh mạch chi. Nguy cơ tử vong tăng lên khi người bệnh bị tắc nghẽn phổi do bị tắc mạch máu tại chỗ.