Thứ bảy, 18/10/2014, 08h10

TP.HCM: Lo tay chân miệng vào trường

Bé Ytôkyô H’Mok (thứ nhất từ trái sang) đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng I
“Bệnh tay chân miệng (TCM) đang đi vào đỉnh dịch thứ 2 trong năm và sẽ còn tăng cao trong những tháng tới”, lời cảnh báo từ hồi đầu tháng 10 của BS. Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đang được minh chứng bằng những ca nhập viện liên tục tại các bệnh viện nhi ở TP.HCM.
Bệnh “đến hẹn lại lên”
Cuối tháng 9 vừa qua,ngành y tế dự phòng TP.HCM đã cảnh báo bệnh TCM đang ở mức báo động khi số ca nhập viện tăng vọt ở tuần cuối tháng 9 và bệnh này có nguy cơ bùng phát vào tháng 10. Lời cảnh báo này được phát đi sau khi bé gái T.B.C, 8 tháng tuổi ở quận Tân Phú tử vong do TCM cấp độ 3. Trên địa bàn thành phố, các quận 5, 10, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Bình Chánh là các quận đang có số ca bệnh cao nhất.
Không chỉ riêng TP.HCM, ở một số tỉnh bệnh này cũng hoành hành khiến nhiều bệnh nhi phải nhập viện với thể trạng bệnh nặng. Bé Ytôkyô H’Mok, 1 tuổi vào khuya ngày 12-10 được mẹ là chị Hklak Nie đưa vào Bệnh viện Nhi đồng I để nhập viện cấp cứu vào ngày 13-10 khi bệnh của bé đã trở nặng. Trên mặt và chân tay đã nổi đầy các mụn màu hồng, miệng lở nặng, sốt 39 độ, bỏ ăn uống, mắt lờ đờ và khóc bứt rứt. Chị Hklak Nie nghi ngờ con chị bị TCM do lây nhiễm tại Bệnh viện Đắk Lắk. Do trước đó, bé bị tiêu chảy nằm điều trị tại bệnh viện này và lại nằm kế phòng có đông bệnh nhi bị TCM, và khi bé được xuất viện về nhà vào sáng thứ hai (ngày 6-10) thì ngay trong đêm, bé bị sốt cao kèm theo các triệu chứng của bệnh TCM vào những ngày sau đó.
Nhận thấy nhiều dấu hiệu khả nghi bị TCM, nên chị Huỳnh Ngọc Hà cũng vội vã đưa con gái 15 tháng tuổi Phạm Huỳnh Như Ý từ Cần Đước (Long An) đến nhập viện ở Nhi đồng I vào sáng 13-10. Theo lời chị Hà, vì phòng 109 nơi mẹ con chị được bố trí mỗi giường 3-4 người nên vợ chồng chị đã đưa con ra ngoài hành lang tá túc gần phòng nhận bệnh ở Khoa Nhiễm. Bé Ý bị sốt cao 39 độ từ tối 11-10, sau đó bé bị lở miệng, bỏ bú và thường ngủ li bì. Chị Hà cho hay, nhiều bệnh nhi khác và thân nhân cũng chọn hành lang để ở vì trong các phòng quá chật chội do đông bệnh nhi. “Bệnh nhi cũ chưa khỏi thì bệnh nhi mới đã tới. Mẹ con tôi mới nhập viện một ngày thôi mà đã chứng kiến rất nhiều bệnh nhi nhập viện vì TCM, đếm không xuể”, chị Hà cho biết thêm.
Biện pháp phòng tránh lây lan vào học đường

Phụ huynh xếp hàng chờ khám tay chân miệng cho con. Ảnh chụp tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM ngày 15-10
Theo BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng I, thì bệnh TCM đang vào mùa và có ca nặng phải thở máy. Hiện có khoảng 20-30 ca mắc TCM nhập viện mỗi ngày.
BS. Khanh lưu ý, trường học là nơi có nhiều nguy cơ lây lan bệnh TCM do nơi này tập trung nhiều học sinh, nên nếu có một trẻ bị thì sẽ lây cho nhiều em khác. Đặc biệt, học sinh đã bị bệnh khi về nhà cũng sẽ lây cho trẻ ở nhà. Trẻ ở nhà đi học trường khác sẽ lại lây cho các học sinh ở trường đó.
Trong  trường hợp ở trường có học sinh mắc bệnh TCM, để ngăn ngừa việc lây lan, giáo viên cần phát hiện sớm ca đầu tiên ở trong trường. Để làm được việc này, giáo viên cần có các kỹ năng nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh bằng việc quan sát bàn tay và lưỡi của trẻ để phát hiện học sinh bị bệnh. Nếu có thì phải cho học sinh đó nghỉ học ngay và nghỉ ít nhất là 10 ngày. Vì sau 10 ngày, khả năng phát tán virus ra ngoài môi trường rất thấp nên không gây lây lan nữa. Mặt khác, khi đã phát hiện một trẻ bị bệnh, lập tức giáo viên cần tích cực tìm trẻ thứ hai bị lây để ngăn chặn tình trạng lây lan.
Một biện pháp ngăn chặn lây lan quan trọng nữa là việc vệ sinh lớp học gồm sát khuẩn mặt phẳng (sàn nhà) nơi học sinh sinh hoạt, đồ chơi bằng dung dịch sát khuẩn Cloramin hoặc nước tẩy Javen. Tuy nhiên tùy theo mức độ mà có cách xử lý, chẳng hạn như ở mức độ nhiều thì cần vệ sinh sát khuẩn cho toàn trường, chứ không chỉ dừng ở việc chỉ sát khuẩn cho những phòng có học sinh mắc bệnh.
Bên cạnh các biện pháp ngăn ngừa, thì việc phòng bệnh từ xa cũng quan trọng không kém. Đối với những trường cho dù không có học sinh mắc TCM, thì giáo viên vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng tránh cho trẻ bằng việc vệ sinh định kỳ lớp học, sát khuẩn đồ chơi, hướng dẫn cho học sinh cách rửa tay trước khi ăn, sau khi đi tiêu, sau khi chơi đùa ở ngoài.
Một điểm cần lưu ý nữa để phòng tránh nguồn lây lan vào trường học và cộng đồng (từ ngoài vào trường và từ trường về nhà) thì giáo viên cũng như học sinh cần phải rửa tay trước khi vào trường, trước khi về nhà và cả khi đã về tới nhà.
Bài, ảnh: Bích Vân
TCM là bệnh do virus đường ruột Enterovirus 71 (EV71) và Coxcakieruses gây nên. Bệnh rất dễ lây lan, chủ yếu theo đường tiêu hóa từ người sang người. Hiện bệnh này chưa có vaccine phòng ngừa hay thuốc đặc trị, nên cách phòng ngừa tốt nhất là thực hiện các biện pháp phòng tránh.