Thứ ba, 31/3/2015, 09h03

“Chảo lửa” Yemen ngày càng nóng

Ngày 30-3, Ấn Độ điều chuyến máy bay đầu tiên thực hiện sứ mệnh sơ tán công dân nước này đang bị mắc kẹt ở Yemen. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng cử một hạm đội hải quân hỗ trợ công tác sơ tán công dân khỏi đất nước Yemen đang chìm trong xung đột do Tổng thống Yemen vẫn hối thúc các đồng minh Ảrập tiếp tục tấn công cho đến khi lực lượng phiến quân Hồi giáo dòng Shi’ite Houthi bị đẩy lùi.

Trẻ em, nạn nhân vô tội ở Yemen

Bác bỏ khả năng đối thoại
Ngày 30-3, lực lượng nổi dậy Houthi đã chiếm thêm nhiều địa điểm ở miền Nam Yemen, bất chấp các cuộc không kích của liên minh các nước Ảrập vùng Vịnh do Saudi Arabia đứng đầu. Theo truyền thông địa phương, quân đội chính phủ đã giành lại một số khu vực đang tranh chấp với sự hỗ trợ của chiến dịch không kích bắt đầu từ hôm 26-3. Tuy nhiên, phe nổi dậy đã chiếm lại một phần tỉnh Abyan, quê hương của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi và tỉnh Shabwa, cũng ở miền Nam. Ít nhất 38 người đã thiệt mạng trong các vụ đụng độ ở các tỉnh phía Nam.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn trên Đài Truyền hình Ai Cập ngày 29-3, Ngoại trưởng Yemen Riyadh Yassin đã loại bỏ khả năng tiến hành đối thoại với phiến quân Houthi cho tới khi chính phủ của Tổng thống Abedrabbo Mansour Hadi giành lại quyền kiểm soát toàn bộ đất nước. Cùng ngày, tờ Al Arabiya dẫn tuyên bố của Saudi Arabia cho biết, lực lượng liên minh sẽ phá hủy tất cả tên lửa đạn đạo của Houthi trong những ngày tới.
Liên minh do Saudi Arabia chỉ huy đã tấn công các địa điểm mà phiến quân Houthi bố trí tên lửa và lực lượng phòng không, cũng như các kho đạn, đường tiếp tế, đường di chuyển và các nơi tập kết. Trước đó, chiến dịch không kích đã phá hủy toàn bộ các máy bay và trung tâm liên lạc của Houthi.
Chiến dịch quân sự kéo dài
Chiến dịch can thiệp quân sự vào Yemen được Saudi Arabia và 5 nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) phát động hôm 25-3 theo lời kêu gọi của Chính phủ Yemen nhằm vào các mục tiêu Houthi trên toàn lãnh thổ nước này. Trong phiên họp thứ hai tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 của Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ảrập (AL) tại Ai Cập ngày 30-3, Tổng Thư ký AL Nabil al-Arabi tuyên bố, chiến dịch quân sự tại Yemen sẽ tiếp tục cho tới khi phiến quân Houthi đầu hàng và giao nộp vũ khí. Ngoài ra, tuyên bố chung của hội nghị AL tiếp tục kêu gọi phiến quân Houthi tại Yemen ngay lập tức phải rút khỏi thủ đô Sanaa, trao trả quyền điều hành cho chính phủ và giao nộp vũ khí.
Cũng tại phiên họp bế mạc, các nhà lãnh đạo AL đã ra tuyên bố chung nhất trí thành lập lực lượng quân đội của khối trong bối cảnh chiến dịch không kích phiến quân Houthi ở Yemen do Saudi Arabia dẫn đầu bước qua ngày thứ 6. Dự kiến, đại diện các nước thành viên AL sẽ nhóm họp lại trong tháng 4 để nghiên cứu phương thức thành lập lực lượng. Đây là bước tiến lớn và là quyết định lịch sử khi mà lần đầu tiên một lực lượng quân sự chung được thành lập và hoạt động dưới danh nghĩa các nước Ảrập.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, quyết định tiếp tục chiến dịch quân sự ở Yemen đến khi phe phiến quân Houthi đầu hàng cho thấy tương lai bất định của Yemen. Ban đầu, Riyadh dự kiến kéo dài chiến dịch 1 tháng, nhưng nay tuyên bố có thể sẽ kéo dài đến 5 hoặc 6 tháng. Báo Guardian ngày 29-3 nhận định: “Yemen hiện đang ở trong chảo lửa” và các bên đối địch ở Yemen đã kêu gọi Nga giúp giải quyết cuộc xung đột này.
Trước đó, Nga và Iran cũng đã cảnh báo sự can thiệp của quốc tế tại Yemen dường như sẽ dẫn đến sự gia tăng các cuộc xung đột giáo phái và tình trạng bất ổn dân sự kéo dài. Người phụ trách chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini nói rằng, một sự đáp trả quân sự sẽ không giải quyết được khủng hoảng tại Yemen, đồng thời kêu gọi các bên phải có trách nhiệm.

Theo SGGP