Thứ tư, 19/11/2014, 10h11

EU không thể tăng thêm sức ép với Nga

Cuộc họp của ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong 2 ngày 17 và 18-11 đã không thể thông qua các biện pháp trừng phạt mới chống Nga. Thay vào đó, họ gia tăng các biện pháp trừng phạt quân ly khai tại miền Đông Ukraine.

Xung đột tại Ukraine khiến nước này thiệt hại nặng về kinh tế.

Trừng phạt nhắm vào quân ly khai Ukraine

Theo Reuters, ngày 17-11, trở về sau kỳ họp thượng đỉnh G20, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bác bỏ cáo buộc của phương Tây cho rằng Nga đã đưa quân và thiết bị vào Ukraine tiếp viện cho quân ly khai.

Bất chấp áp lực gia tăng đòi trừng phạt Nga mạnh hơn trong cuộc họp thượng đỉnh G20 cũng như lời kêu gọi của Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin, EU đã không đưa ra các biện pháp trừng phạt mới chống Nga do đa số ngoại trưởng các nước thành viên phản đối. Ngoại trưởng Ukraine kêu gọi Brussels gửi một “thông điệp rõ ràng” tới Mátxcơva với các lệnh trừng phạt “mạnh mẽ” nếu Nga tiếp tục “gây bất ổn cho Ukraine”.

Tuy nhiên, Reuters dẫn lời người phụ trách đối ngoại EU, bà Federica Mogherini, cho biết EU sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán với Nga và “biện pháp trừng phạt Nga không phải là một mục tiêu của EU”.

Thay vào đó, các ngoại trưởng EU đã đồng ý bổ sung thêm vào danh sách đen những nhân vật thuộc lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine, theo đó họ sẽ bị đóng băng tài sản và cấm đi lại ở các nước châu Âu. Cho đến nay, EU đã cấm 119 chính khách Nga và nhân vật ly khai tại Ukraine tự do đi lại vào các nước EU.

Phiên họp của cấp ngoại trưởng EU diễn ra trong bối cảnh Nga và nhiều thành viên EU như Ba Lan và Đức trục xuất các nhà ngoại giao lẫn nhau khi bị cáo buộc làm tình báo.

Theo EuroNews, EU đã ký một thỏa thuận với Ukraine để giúp nước này cải cách lực lượng an ninh của đất nước. EU sẽ gửi khoảng 50 cố vấn cho Ukraine để giúp đào tạo lực lượng an ninh. EU sẽ có thêm các quyết định quan trọng về tình hình Ukraine trong cuộc họp thượng đỉnh tại Brussels vào vào ngày 18,19-12.

“Mềm” với Nga

Theo hãng tin Sputnik, trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei tại Minsk, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 18-11, cho biết Nga không tìm cách đối đầu với EU và Bộ trưởng Ngoại giao Nga tin rằng lệnh trừng phạt phương Tây áp đặt chống lại Nga là phản tác dụng.

Ông Lavrov cho biết ông không nghĩ rằng việc có thêm một hội nghị quốc tế giải quyết cuộc xung đột Ukraine là vô ích khi mà các thỏa thuận tại Hội nghị Minsk chưa được thực hiện.

Theo truyền hình Đức DW, tại cuộc họp ngoại trưởng EU, Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn cho rằng Nga là một nước lớn, nước quan trọng xứng đáng được tôn trọng. Theo ông Jean Asselborn, nếu tiếp tục siết chặt “ốc vít” và gia tăng đối đầu sẽ không thể được quay lại. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier tuyên bố biện pháp trừng phạt kinh tế không phải là mục đích tối thượng và phản ứng của EU đối với Nga là rất thận trọng. Ông Steinmeier nói: “Chúng tôi phải rất cẩn thận, không để mất kiểm soát”. Theo ông Steinmeier, trong mọi trường hợp, châu Âu phải cố gắng ngăn chặn bạo lực gia tăng ở Ukraine. Mặt khác, Ngoại trưởng Đức cho rằng EU mong muốn Ukraine ổn định chính trị và kinh tế. Mục tiêu này sẽ khiến EU tiêu tốn hàng tỷ EUR. Nhưng câu hỏi là làm thế nào Chính phủ của ông Poroshenko có thể thực hiện cải cách trong khi một cuộc chiến tranh ác liệt ở phía Đông của nước này tiếp diễn.

Các nhà phân tích cho biết trong điều kiện ngừng xung đột, sẽ mất ít nhất từ 15 đến 20 năm để xây dựng lại nền kinh tế Ukraine và quan trọng hơn nữa là liệu phương Tây sẽ thúc đẩy được cải cách ở Ukraine hay không và không có gì đảm bảo rằng trong thời gian đó, chính trường Ukraine không xuất hiện một nhân vật chính trị mới thân Nga. Đó sẽ là thiệt hại lớn cho phương Tây.

THỤY VŨ tổng hợp

(SGGP)