Thứ tư, 1/4/2015, 08h04

30 năm gieo chữ ở cù lao Chàm

30 năm gieo chữ ở cù lao Chàm, cô Trái đã bắc nhịp cầu cho hàng trăm đứa trẻ học chữ
“Sinh ra và lớn lên ở đảo, tôi thấm thía những nhọc nhằn trên hành trình học chữ của những đứa trẻ xứ này. Bám đảo ngót 30 năm, niềm mong mỏi lớn nhất của tôi là giúp các em thành thạo con chữ, phép tính để có cái nghề ổn định, thoát cảnh nghèo…”. Đó là tâm tư của cô Mai Thị Trái, người giáo viên có 30 năm dạy học ở xã đảo Tân Hiệp (TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam).
Đến cù lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp), gặp gỡ và trò chuyện với những người dân chân chất trên hòn đảo này về niềm tin và khát vọng của họ, chúng tôi chợt nhận ra rằng, sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua câu chuyện về những người gieo chữ!
30 năm bám đảo
“Về bãi Hương mà chưa tới điểm Trường Mầm non - Tiểu học Tân Hiệp 2, xem các cháu học chữ và nghe chuyện về tấm lòng cô Trái bám đảo thì coi như chưa đến cù lao Chàm”, bà Nguyễn Thị Ngôn, một cư dân ở bãi Hương nói với chúng tôi.
Nép mình bên mép sóng, 3 giờ chiều, điểm Trường Mầm non - Tiểu học Tân Hiệp vang vang tiếng đọc bài. Ở đây có 2 phòng dành cho mầm non và 3 phòng dành cho tiểu học. Điểm trường này vỏn vẹn có 3 cô giáo và 16 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, nhưng không khí dạy học diễn ra rất nghiêm túc. Ấn tượng đập vào mắt chúng tôi là cô giáo dạy lớp 5 với sĩ số chỉ… 5 học sinh. Đó là cô Mai Thị Trái. Trên bục giảng, những bước chân của cô hơi khó nhọc bởi tấm nẹp lưng làm mất đi phong thái tự nhiên. Trên bàn học các em, mỗi bàn đều đặt sẵn một cây đèn pin. “Ở cù lao, tầm hơn 2 giờ chiều là trời bắt đầu tối. Những ngọn đèn bão nhỏ này cùng một cây đèn tích điện lớn vừa được Phòng GD-ĐT TP.Hội An tặng đầu năm học mới giúp phòng học có ánh sáng cho các em học chữ. Trước đây, các em toàn phải thắp đèn dầu. Tình trạng ấy kéo dài gần 30 năm…”, cô Trái bùi ngùi cho biết.
“Đất cù lao nhờ có những cô giáo giàu nhiệt huyết như cô Trái mà trẻ con được học con chữ, thoát đời chài lưới cơ cực. Với người dân, cô Trái như “nhân chứng sống” cho hành trình tìm chữ của con em mình!”, ông Nguyễn Bốn (72 tuổi) ở bãi Hương nói.
30 năm dạy học ở cù lao thì đến 25 năm cô gắn bó với bãi Hương - một thôn có địa hình hiểm trở, đời sống kinh tế khó khăn. “Hồi xưa, việc học của con em trên cù lao không được quan tâm như bây giờ. Chuyện giữ sĩ số lớp cũng như dạy cho các em thành thạo con chữ vô cùng gian nan”, cô Trái kể. Ngày đó để học sinh không bỏ học, ngoài giờ dạy, cô cùng đồng nghiệp tranh thủ đến từng gia đình tìm hiểu cuộc sống, vận động bà con đưa trẻ tới trường. Cô nói: “Không còn cách nào hay hơn là bắt đầu khát vọng học chữ từ chính phụ huynh. Dẫu vậy, có nhiều khi vừa thấy bóng dáng cô giáo, phụ huynh đã ra rả quát con ra biển buông lưới”. Thương học trò, cô ngậm ngùi giãi bày hơn thiệt. Mưa dầm thấm lâu, bà con trở nên yêu mến cô. Ở điểm trường này, ngoài việc dạy học, cô Trái đảm nhiệm luôn nhiều vai trò khác từ dạy thể dục, tổ chức sinh hoạt dưới cờ, hoạt động ngoài giờ đến cả bác sĩ bất đắc dĩ khi có học trò cảm mạo, thậm chí nhiều khi cô còn làm nhà tư vấn bất đắc dĩ trước các lựa chọn, ngã rẽ tương lai của học trò…
Cùng trò “cõng” chữ vượt đại dương

Ngọn đèn bão - vật không thể thiếu trong lớp học ở cù lao Chàm
“Sinh ra, lớn lên ở cù lao, tôi thấm thía nỗi nhọc nhằn của lũ trẻ khát chữ giữa mênh mông biển khơi này. Không học chữ thì lại đời nối đời lênh đênh trên biển mưu sinh trên con thuyền nan nhỏ bé. Cái nghèo bám riết phận người. Sau mỗi mùa biển động, nhìn cha bó gối, nồi cơm của mẹ vơi hơn, phần khoai độn đầy thêm, “phải học” như mệnh lệnh dội lên trong tiềm thức lũ trẻ!, cô Trái trải lòng. Chính khát vọng ấy thôi thúc người giáo viên trẻ giàu nhiệt huyết quay về với đảo để lặng thầm làm cầu nối cho thế hệ sau. “Ba đứa con của tui cũng nhờ cô Trái mà ăn học nên người. Hai cháu đã tốt nghiệp cao đẳng, có việc làm ổn định ở TP.Hội An. Cháu út đang học lớp 11 ở thành phố”, bà Nguyễn Thị Ngôn bộc bạch.
Chừng ấy thời gian bám cù lao, hàng chục lứa học trò đã trưởng thành từ lớp học đèn dầu của cô. Nhiều học trò trong số đó cảm phục tấm lòng cô giáo đã trở lại cù lao để tiếp tục nối dài câu chuyện trồng người. Cô Trần Thị Diễm Hương, giáo viên Trường Tiểu học Tân Hiệp, trải lòng: “Tôi có tấm bằng đại học cũng một phần nhờ ngọn lửa nhiệt huyết của những người như cô Trái. Với tôi, cô Trái không chỉ là giáo viên dạy chữ mà còn là người mẹ hiền cho mình biết ước mơ, khát vọng. Bởi vậy ra trường, tôi quyết tâm trở về cù lao để cùng cô dạy chữ cho các em”. Điều kiện khó khăn, học sinh ở bãi Hương muốn lên THCS phải băng rừng, vượt sóng, cơm đùm gạo bới lên trung tâm xã hoặc vào TP.Hội An... Chặng đường học chữ muôn vàn khó khăn nhưng mấy năm nay rất hiếm học sinh bỏ học.
Cách nay 8 năm, để các con có điều kiện học hành, cô Trái bàn với chồng mua mảnh đất nhỏ ở TP.Hội An để ba cha con vào đó sinh sống. Suy nghĩ của cô được chồng ủng hộ. Thế là hành trình tìm chữ của con bắt đầu. “Gia đình chia tách cũng khó khăn lắm nhưng vì tương lai của con, cũng là tấm gương cho học sinh ở đảo noi theo nên vợ chồng tôi phải chịu khó khắc phục. Xa gia đình, khi con ốm đau không thể chăm cũng chạnh lòng nhưng cũng đành vậy. Ở đây các em còn cần đến mình”, cô Trái trầm giọng.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
 
Bị thương nặng vẫn bám trường lớp
6 năm trước, một tai nạn bất ngờ xảy ra khi cô Trái về điểm trường chính để dự họp. Người lái xe máy tình nguyện chở cô đã không may lạc tay lái ở một khúc cua dốc núi đá. Tai nạn khiến cả hai người bị đa chấn thương. Cô Trái bị chấn thương nặng ở cột sống, phải nằm bệnh viện hàng tháng trời và vẫn phải tiếp tục bó nẹp lưng từ đó đến nay. Thấy cô khó nhọc trong việc đi lại, nhiều người khuyên nên kiếm công việc khác nhẹ nhàng hơn, nhưng cô vẫn một mực bám trường, bám lớp. Do địa hình bãi Hương cách trở, mỗi lần về điểm trường chính phải đi thuyền hoặc đi xe máy đường núi. Nhưng cả hai cách trên cô đều không thể thực hiện, bởi cái lưng bị nẹp cần được giữ thăng bằng, chỉ cần khập khễnh bước chân là có thể chấn thương. Vì vậy cô đành… đi bộ! “Mỗi lần lên điểm chính có việc hoặc về thăm mẹ trên ấy là tôi đi mất hơn 2 giờ đồng hồ. Còn chuyện xuống thuyền về đất liền thăm chồng con thì dăm ba tháng mới dám về một lần, chủ yếu là hè và Tết”, cô Trái cho biết.