Thứ hai, 1/9/2014, 19h09

Bắt tay xây trường tiên tiến, hiện đại

Trong một giờ học của Trường TH Nguyễn Văn Trỗi
Căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội và yêu cầu GD-ĐT của TP, Sở GD-ĐT TP.HCM đề ra chủ đề năm học 2014-2015: “Xây dựng trường học tiên tiến, hiện đại; thực sự là một trung tâm văn hóa, giáo dục. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức với giáo dục thể chất, giáo dục truyền thống văn hóa; rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống”.
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn, để thực hiện có hiệu quả chủ đề này, ngành GD-ĐT TP đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trước tiên là triển khai thực hiện các nội dung của nghị quyết 29, nghị quyết 33-NQ/TW. Trong đó, chú trọng giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật; hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc cho HS. Thứ hai là tiếp tục tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, phương thức đánh giá kết quả học tập của HS. Đặc biệt chú trọng công tác đào tạo và bồi dưỡng HS giỏi, đẩy mạnh việc hướng dẫn HS nghiên cứu khoa học, vận dụng lý thuyết vào thực tế; đồng thời phát huy năng lực sáng tạo và nâng cao kỹ năng thích ứng với cuộc sống cho HS. Thứ ba là tiếp tục phát triển, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; chú trọng đổi mới tư duy nghiên cứu, giảng dạy, bồi dưỡng kỹ năng sử dụng - ứng dụng các công cụ hỗ trợ hiện đại trong giảng dạy. Thứ tư là huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng mới, mở rộng mạng lưới trường lớp theo quy hoạch; tăng cường đầu tư trang thiết bị, đồ dùng dạy học hiện đại; xây dựng các trường tiên tiến - hiện đại hội nhập khu vực và quốc tế. Thứ năm là tiếp tục phối hợp và phát huy sức mạnh tổng hòa của việc gắn kết gia đình - nhà trường - xã hội trong công tác giáo dục; giữ mối liên hệ chặt chẽ với địa phương, với phụ huynh nhằm thực hiện tốt các chế độ chính sách trong giáo dục, đáp ứng yêu cầu và quyền lợi học tập của con em nhân dân. Nhiệm vụ cuối cùng là tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho HS phổ thông và chuyên nghiệp”, đề án “Hỗ trợ giáo dục mầm non TP”...
PV: Xin ông cho biết các giải pháp để thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nêu trên?
- Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn: Ngành GD-ĐT TP đã đề ra 4 nhóm giải pháp. Trước tiên là nhóm giải pháp đổi mới căn bản công tác quản lý GD-ĐT. Trong đó triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Thành ủy TP.HCM về xây dựng các mô hình thí điểm thực hiện nghị quyết 29; đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giáo dục đối với các loại hình giáo dục, các cơ sở giáo dục ngoài công lập, giáo dục có yếu tố nước ngoài. Đối với các trường công lập, mạnh mẽ giao quyền tự chủ về tài chính, tự chủ - tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cho các đơn vị; giám sát chặt quản lý thu - chi tại các cơ sở, xử nghiêm những đơn vị vi phạm; kiên quyết xử lý các trường hợp dạy thêm không đúng quy định.
Nhóm giải pháp tiếp theo là đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD-ĐT. Cụ thể là tiếp tục thực hiện hiệu quả, sáng tạo việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua của Bộ GD-ĐT, của TP gắn với đặc thù của ngành; đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ học tập và giảng dạy; đẩy mạnh công tác giáo dục ngoại khóa, lồng ghép, tích hợp các môn xã hội, tăng thời lượng HS học tập, tìm hiểu ở môi trường thiên nhiên, địa danh lịch sử, văn hóa TP...
Nhóm giải pháp thứ ba là phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Trong đó ưu tiên thực hiện quy hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của TP; tiếp tục triển khai thực hiện đề án Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên - đảm bảo cung cấp đủ số lượng giáo viên cho các cấp học (đặc biệt là mầm non và tiểu học), bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, tin học, ngoại ngữ và bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên; đổi mới công tác tuyển dụng, đánh giá, sử dụng và bổ nhiệm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Đặc biệt, tạo điều kiện để các nhà giáo, chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy tại các trường trên địa bàn TP. Và trên hết, Sở GD-ĐT sẽ tham mưu với UBND TP để ban hành một số chính sách đặc thù cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhất là chế độ hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, học tập nâng cao trình độ.
Nhóm giải pháp cuối cùng là tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục. Theo đó, thực hiện hiệu quả quy hoạch mạng lưới trường lớp - đảm bảo đến năm 2015 đạt diện tích bình quân 6-8m2/HS; tăng cường các giải pháp về chính sách xã hội trong GD-ĐT nhằm đảm bảo 100% HS thuộc diện gia đình khó khăn có điều kiện đến trường; tăng cường xã hội hóa trong giáo dục, huy động mọi nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển giáo dục; triển khai thực hiện đề án Thanh toán học phí không dùng tiền mặt...
Đó là giải pháp chung cho toàn ngành, còn giải pháp cho từng cấp, bậc học thì như thế nào thưa ông?
- Đối với giáo dục mầm non, ngoài việc duy trì kết quả phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, phối hợp với UBND quận, huyện tăng cường công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhất là các nhóm trẻ, mẫu giáo độc lập. Nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non nhằm đảm bảo cho trẻ phát triển tốt hơn, đồng thời giảm tải lao động cho giáo viên. Duy trì đảm bảo chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng và an toàn tuyệt đối cho trẻ. Thực hiện triển khai có hiệu quả kế hoạch “Chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non từ 6-18 tháng tuổi”.
Với giáo dục tiểu học, thực hiện đúng chương trình giáo dục phổ thông, tổ chức dạy tích hợp theo quy định một cách hợp lý, nhẹ nhàng, không gây áp lực cho HS; tăng tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày, khuyến khích HS tiếp cận các chuẩn tiếng Anh quốc tế.
Giáo dục trung học - thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; rà soát, đánh giá thường xuyên chương trình, sách giáo khoa, đảm bảo nội dung dạy học đạt yêu cầu cơ bản, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường; dạy học phân hóa trên cơ sở chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông; nghiên cứu và triển khai các chương trình đánh giá HS theo quốc tế PISA, PASEC. Bên cạnh đó, hướng dẫn và thu hút HS nghiên cứu khoa học.
Giáo dục thường xuyên - thực hiện dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề, tập trung xây dựng trung tâm giáo dục thường xuyên tiên tiến, tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở văn hóa ngoài giờ, trung tâm học tập cộng đồng để người học được tiếp cận với chương trình, phương pháp, trang thiết bị, điều kiện dạy học tiên tiến.
Với giáo dục chuyên nghiệp, tiếp tục mở rộng quy mô, đa dạng hóa các ngành nghề, hình thức và hệ đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp. Chủ động liên kết đào tạo, trao đổi giáo trình, phương pháp, nội dung giảng dạy với các cơ sở giáo dục nước ngoài có chất lượng nhằm giảm dần khoảng cách giữa GD-ĐT TP và các nước phát triển...
Xin cám ơn ông!
Hòa Triều (thực hiện)
 LTS: Năm học 2014-2015 có ý nghĩa rất quan trọng đối với GD-ĐT nước nhà nói chung và GD-ĐT TP.HCM nói riêng. Bởi, đây là năm học đầu tiên triển khai thực hiện các nội dung của nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị TW 8 (khóa XI) về: “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, nghị quyết 33-NQ/TW Hội nghị TW 9 (khóa XI) về: “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”... Nhân dịp khai giảng năm học mới, Giáo dục TP.HCM xin gửi đến quý thầy, cô và các em HS những lời nhắn nhủ, sự mong đợi của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, lãnh đạo TP và lãnh đạo ngành đối với sự nghiệp phát triển GD-ĐT của TP.HCM.
 
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận: Tiếp tục thực hiện tốt các nội dung đổi mới giáo dục

Ông Hưa Ngọc Thuận - Phó chủ tịch UBND TP trao tặng cờ Đơn vị thi đua xuất sắc năm học 2013-2014 cho thầy Nguyễn Minh Nhơn - Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Thạnh. Ảnh: Q.Huy

Vừa qua, tại Hội nghị tổng kết toàn quốc, ngành GD-ĐT TP.HCM đã được Bộ GD-ĐT công nhận và trao cờ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2013-2014. Để có được những thành tích đó, bên cạnh sự nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của mỗi người trong đội ngũ quản lý giáo dục, của mỗi thầy cô, của từng tập thể, còn có sự nỗ lực hết sức quan trọng của mỗi HS và mỗi gia đình, của phụ huynh HS TP chúng ta. TP đánh giá rất cao sự nỗ lực, phấn đấu của ngành GD-ĐT.
Phát huy những thành tích đã đạt được, để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2014-2015, ngành GD-ĐT cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, triển khai thực hiện các nội dung của nghị quyết số 29, nghị quyết số 33 Ban Chấp hành TW khóa XI. Đặc biệt năm học 2014-2015 là năm kết thúc nhiệm vụ nhiệm kỳ 2010-2015 của Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ IX. Vì vậy, kết quả tốt đẹp của năm học 2014-2015 sẽ là món quà quý giá của ngành GD-ĐT TP báo công với Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X. Kết quả đó còn thể hiện sự chăm chút của TP đối với sự nghiệp phát triển GD-ĐT.
Theo đó, trong năm học mới, ngành GD-ĐT cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm. Đó là tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học, đẩy mạnh đào tạo và bồi dưỡng HS giỏi, bồi dưỡng nhân tài cho TP và cho đất nước. Triển khai thực hiện quyết định số 3077 ngày 23-6-2014 của UBND TP về phê duyệt đề án “Quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý ngành GD-ĐT TP.HCM giai đoạn 2013-2020” nhằm đảm bảo đáp ứng đủ số lượng giáo viên, đồng bộ về cơ cấu, loại hình đào tạo theo nhu cầu phát triển quy mô các ngành học, cấp học. Ngành GD-ĐT cần rà soát về tiêu chuẩn đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên theo điều lệ, chuẩn. Trên cơ sở rà soát tiêu chuẩn, điều chuyển, đào tạo lại, bồi dưỡng chuẩn hóa, nâng chuẩn cho đội ngũ…
Trong tình hình ngân sách còn khó khăn nhưng TP vẫn ưu tiên đầu tư cho giáo dục để xây dựng trường lớp, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non. Sở GD-ĐT và UBND các quận, huyện cần tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng mới, mở rộng mạng lưới trướng lớp; tăng cường đầu tư trang thiết bị, đồ dùng dạy học… đảm bảo nhu cầu học tập của HS TP.
Tôi tin tưởng ngành GD-ĐT TP.HCM sẽ luôn luôn xứng đáng với sự tin yêu của Đảng bộ TP và của toàn xã hội; xứng đáng là đơn vị dẫn đầu cả nước; xứng đáng với vị trí vai trò của một đô thị đặc biệt “Vì cả nước, cùng cả nước".
 
 
 
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa:  Tập trung hiện đại hóa trường lớp

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa

TP.HCM là TP năng động, trung tâm kinh tế - xã hội của cả nước, luôn đi đầu trong việc áp dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến, mô hình giáo dục mới với nhiều giải pháp mang tính đột phá để hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục, từng bước hội nhập quốc tế.
Năm học 2013-2014, được sự quan tâm sâu sắc của cấp ủy, chính quyền TP, sự phối hợp có hiệu quả của các ban ngành, tổ chức và nhân dân toàn TP, GD-ĐT TP.HCM đã cùng GD-ĐT cả nước nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học, đạt được nhiều kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, TP.HCM là địa phương sớm được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học (năm 1995), phổ cập giáo dục THCS (năm 2002). Và năm 2013, TP đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đánh dấu một bước chuyển biến về chất của giáo dục mầm non, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả GD-ĐT tại TP.HCM và cả nước.
Việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi là cơ hội để phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non nhưng là nhiệm vụ vô cùng nặng nề và hết sức khó khăn, đối với TP.HCM lại càng khó khăn hơn rất nhiều. Trong điều kiện tăng dân số cơ học quá nhanh, địa bàn dân cư ở một số quận, huyện rộng lớn nhưng TP.HCM đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trước thời hạn 2 năm so với mục tiêu của quyết định 239. Điều đó thể hiện quyết tâm cao của Đảng bộ và chính quyền TP, vai trò của ngành GD-ĐT TP trong việc tham mưu, tổ chức chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức ban ngành, đoàn thể; sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, chung tay góp sức cho mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Kết quả này cần phải được duy trì và củng cố vững chắc trong năm học 2014-2015…
Bên cạnh đó, trong năm học mới này, ngành GD-ĐT TP.HCM cần xây dựng và phát triển mạng lưới trường lớp theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, hiện đại hóa. Nhất là đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia.
Với sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP cùng những thành tích đã đạt được trong năm học vừa qua sẽ là niềm tin, tạo động lực để các thầy cô giáo, các em HS TP.HCM tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2014-2015.