Thứ tư, 4/3/2015, 07h03

Cam kết gỡ khó cho doanh nghiệp

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải phát biểu tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP với doanh nghiệp
Ngày 3-3, Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM đã tổ chức chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo TP với doanh nghiệp (DN) năm 2015. “Đây là dịp chúng ta nhìn lại những kết quả trong năm 2014, những khó khăn, thách thức sắp phải đối mặt trong thời gian tới để cùng chung sức tạo môi trường thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN đẩy mạnh đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của TP”, ông Tất Thành Cang - Phó chủ tịch UBND TP - khẳng định.
Trên 6.600 doanh nghiệp “chết”
“Năm 2014, có 6.620 DN giải thể, ngưng hoạt động. Trong đó chủ yếu là DN có quy mô vừa và nhỏ (chiếm 95,8%). Các DN này vay vốn ngân hàng là chủ yếu nên dễ bị ảnh hưởng khi lãi suất thị trường có biến động. Hơn nữa, thị trường tiêu thụ khó khăn, áp lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu khá cao trong khi chúng ta chưa có rào cản kỹ thuật hữu hiệu để bảo vệ sản xuất trong nước... Bên cạnh đó là các khó khăn xuất phát từ vấn đề nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu; công tác dự báo, phân tích, đánh giá chưa sát với thực tế. Đặc biệt, bản thân nhiều DN còn đầu tư dàn trải nên không kiểm soát được dòng vốn, nhiều DN không đủ năng lực hấp thụ vốn”, ông Lê Văn Khoa - Giám đốc Sở Công thương TP - cho biết.
Lý giải về những “cái chết” của DN vừa và nhỏ, bà Lã Thị Lan - Chủ tịch Hiệp hội DN Cơ khí TP - tâm tư: “Hơn 10 năm trở về trước, Nhà nước bảo trợ cho các mặt hàng cơ khí sản xuất trong nước nên tỷ lệ nội địa hóa được trên 80 đến 90%. Nhưng nay không còn bảo trợ nữa nên DN chơi vơi, bị các DN nước ngoài đánh bại ngay trên sân nhà”.
Ông Hàn Mai Chi - Chủ tịch Hiệp hội DN quận 11 - bức xúc: “Thật là đau lòng khi đến nay chúng ta còn phải nhập từ cái kim, sợi chỉ, con bu lông. Trong khi đó, những thứ này hơn 20 năm trước chúng ta đã sản xuất được. Đi thực tế một số DN vừa và nhỏ, tôi rất buồn khi nhận thấy máy móc của các DN còn rất lạc hậu, thô sơ. Có nơi vẫn còn phải làm thủ công, bởi vậy để làm ra một đôi dép phải mất tới 15 phút. Trong khi với công nghệ tiên tiến thì 15 phút làm được tới 50 đôi. Tuy nhiên để đầu tư máy móc hiện đại thì DN vừa và nhỏ rất khó tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng, thường phải vay với lãi suất cao...”.
Thủ tục vẫn còn “hành” DN
Ông Nguyễn Xuân Hàn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận Maseco - cho biết: “Hiện nay thủ tục hành chính vẫn còn gây nhiều khó khăn cho DN. Có quá nhiều quy định, chính sách được ban hành, DN không có thời gian để đọc dẫn đến tình trạng làm sai và bị xử lý. Chúng tôi có cảm giác mình bị “rơi vào bẫy”. Tại sao khi ban hành văn bản, cơ quan chức năng không nghiên cứu kỹ dẫn đến cho ra những quy định “trời ơi” để DN phải lãnh đủ hậu quả. Riêng với TP, tuy có nhiều cải tiến nhưng vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, việc đổi thẻ APEC phải mất tới 4 tháng với 7-8 cơ quan xác minh. Trong khi đó, với thời gian này DN cần phải sử dụng thẻ nhiều lần...”.
Ông Nguyễn Đức Huỳnh - Giám đốc Công ty Phần mềm FPT (Khu công nghệ cao TP.HCM) - kể lại: “Thủ tục tạm nhập - tái xuất hiện nay rất nhiêu khê. Cụ thể, chúng tôi tạm nhập sau đó tái xuất một thiết bị y tế phải xin phép tới 3 bộ (Y tế, Công thương, Thông tin truyền thông) với thời gian lên tới 3 tháng. Trong khi đó khách hàng của chúng tôi chỉ cho phép thời gian có 1 tháng. Nên chăng giao việc này cho Khu công nghệ cao để giảm bớt khó khăn, phiền hà cho DN...”.
Theo các doanh nhân, vốn chính là máu của DN. Song, theo ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội DN TP - thì: “Ngân hàng không thiếu vốn nhưng thiếu cơ chế tiếp cận vốn. DN rất khó để tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Mặt khác, thời gian được vay vốn với lãi suất ưu đãi ngắn. Do vậy, nhiều DN không dám đầu tư chiều sâu...”.
Khó khăn của DN là khó khăn của TP!
Đó là khẳng định của ông Lê Thanh Hải - Bí thư Thành ủy TP.HCM. Theo ông Hải, năm 2015 dự báo có rất nhiều khó khăn và thách thức cho các DN. Vì vậy, DN phải chủ động hội nhập với cả thị trường thế giới chứ không chỉ thị trường trong nước bằng cách cố gắng vượt qua mọi khó khăn. “Lãnh đạo TP coi khó khăn của DN như khó khăn của chính mình để cùng nhau tháo gỡ. Lãnh đạo TP sẽ tạo mọi điều kiện để DN phát triển, tăng cường các buổi gặp gỡ để tháo gỡ các vướng mắc cho DN...”, ông Hải nhấn mạnh.
Ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND TP - cũng cho biết: “Lãnh đạo TP ghi nhận những ý kiến của các DN. Qua đó cái nào thuộc thẩm quyền của TP thì xem xét giải quyết, cái nào không thuộc thẩm quyền thì sẽ kiến nghị với TW để tháo gỡ khó khăn cho DN phát triển”.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, với chủ trương kích cầu đầu tư giúp các DN phát triển, đến tháng 1-2015 toàn TP đã có 480 dự án (trị giá 27.638 tỷ đồng), trong đó ngân sách hỗ trợ lãi vay là 13.465 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm TP chi 400-500 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho hoạt động kích cầu, đầu tư đổi mới công nghiệp của DN. Năm 2015, tiếp tục hỗ trợ DN, đặc biệt đi sâu vào 4 ngành cơ khí, công nghệ, hóa dược cao su, công nghệ thực phẩm.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM - cũng cho biết: “Sau 3 năm thực hiện kết nối ngân hàng với DN đã có khoảng 4.500 DN tiếp cận được lãi suất thấp từ 7-9%/năm. Năm 2015, sẽ không còn DN nào đủ điều kiện mà gặp khó khăn khi vay vốn ngân hàng nữa. DN nếu gặp khó khăn xin gọi vào đường dây nóng (0838211230) chúng tôi sẽ hỗ trợ...”.
Bên cạnh đó, lãnh đạo TP cũng cam kết sẽ cải cách mạnh mẽ hơn về các thủ tục hành chính để DN không thấy phiền hà...
Bài, ảnh: Hòa Triều
Theo báo cáo của UBND TP, năm 2014, tốc độ tăng trưởng cao của TP tăng 9,6% (năm 2013 tăng 9,3%). GDP bình quân đầu người đạt 5.131 USD, tăng 12,9% so với năm 2013. Các DN trong nước đã đóng góp xuất khẩu 10,8 tỷ USD, chiếm 49,1% tổng kim ngạch của TP. So với DN FDI, các DN trong nước có ưu thế cao về xuất khẩu hàng nông sản và một số ngành như dệt may, hóa chất, sản phẩm cao su, gỗ…