Thứ năm, 26/3/2015, 22h03

Chống bạo lực học đường bắt đầu từ đâu?

Một số hình ảnh bạo lực học đường được tung lên mạng trong thời gian gần đây. Ảnh: I.T

Làm thế nào để nhận diện được bạo lực học đường, từ đó tìm ra được các giải pháp ngăn chặn. Đó là câu hỏi lớn nhất đặt ra tại buổi tọa đàm Bạo lực học đường nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa do Trung tâm Nghiên cứu tâm lý học và giáo dục học, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 25-3 tại Hà Nội.
Bạo lực đến đâu?
PGS.TS Phạm Minh Mục, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tâm lý học và giáo dục học của viện này cho biết, vừa qua trung tâm đã cộng tác với Khoa Tâm lý giáo dục của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khảo sát thực trạng bạo lực học đường, để từ đó đề xuất cần phải có một đội ngũ cán bộ tư vấn tâm lý học đường. Kết quả khảo sát từ hơn 700 HS và 120 giáo viên đến từ các vùng miền của cả nước cho thấy môi trường học đường không êm đềm như vẫn tưởng. Có 51,6% số em cho biết các em đã từng liên quan tới bạo lực như bạo lực tinh thần như mắng, chửi, đe dọa, bắt phạt, đặt điều, sỉ nhục… là hình thức thường gặp nhất với 73%; Bạo lực thể chất như tát, đá, xô đẩy, kéo tóc, bạt tai, đánh đập… chiếm tới 41%. Một số vấn đề khác mà HS đang gặp phải trong đời sống học đường đó là nghiện game, mạng xã hội. Vấn đề này chiếm vị trí quán quân trong kết quả điều tra với tỷ lệ 67,7%. Học kém chiếm vị trí thứ 2 với 61,3%, còn bạo lực học đường chiếm vị trí thứ 3. Nói về nguyên nhân, theo PGS.TS Phạm Minh Mục, có 11 nguyên nhân chính gây ra tình trạng bạo lực học đường. Trong đó đứng đầu là do đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi (67,7%), kế đến là do gia đình không quan tâm, đổ hết trách nhiệm cho giáo dục nhà trường, chiếm 64,5%, do HS đua đòi với bạn bè xấu ngoài trường cũng chiếm tới 58,1%... Các nguyên nhân khác như do gia đình quá chiều con, do ảnh hưởng tiêu cực từ các quán nét, quán game… cũng là các nguyên nhân gây nên tình trạng bạo lực học đường.
Sự thất bại của giáo dục
Là một trong những giáo sư đầu ngành liên quan đến tâm lý học đường, PGS. Mạc Văn Trang cho biết quay lại vụ việc ở Trà Vinh, em P. đã được một trường quốc tế ở TP.HCM nhận đỡ đầu, ở nội trú, ăn học đến hết lớp 12. Mừng cho em, “từ họa thành phúc”, nhưng về giáo dục thì thất bại. Đó là một sự chạy trốn và mang theo nỗi buồn cho P. suốt quãng đời sau này. Cũng theo PGS. Mạc Văn Trang, hệ thống pháp luật, quy định trách nhiệm trong quản lý từ trên xuống dưới không rõ ràng, trách nhiệm không cụ thể, kỷ luật không nghiêm minh, nên hiệu quả công vụ, trách nhiệm nghề thấp. Ví dụ, vụ bạo lực ở Trường THCS Lý Tự Trọng, Trà Vinh vừa qua, Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm gì, kỷ luật gì? Phó hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ, cán bộ Đoàn, Đội, giáo viên trực, giáo viên chủ nhiệm... chịu kỷ luật gì? Từ trước đến nay không rõ. Dưới góc độ ứng xử với HS vi phạm, PGS. Trang phân tích: Những việc kiểm điểm, phê bình, khiển trách, đuổi học 1 tuần... rất ít có tác dụng vì chỉ là tác động bên ngoài. Đối với em bị hại càng khó khăn giải tỏa được những “uẩn khúc” nặng nề qua khuyên bảo hay tham vấn hời hợt...
Đứng ở góc độ khác, cô Nguyễn Thị Lê, Phó hiệu trưởng Trường THPT Thực nghiệm - Hà Nội đặt vấn đề cho các nhà nghiên cứu: Lâu nay chúng ta mới chỉ bàn đến việc bạo lực học đường giữa HS với HS. Vậy có hay không bạo lực giữa người lớn (trong đó có đội ngũ giáo viên, quản lý...) với HS. Khi giáo viên có thể gây ra cho HS những vấn đề khiến cho các em quá lo sợ, hoảng sợ thậm chí là ức chế với các bộ môn học thì có phải là bạo lực về vấn đề tinh thần không? Cô Lê cũng cho rằng, những sự việc bạo lực học đường diễn ra trong thời gian qua đang được nhiều người đặt câu hỏi: Vai trò của thầy cô đang ở đâu? Hay là do học trò mất niềm tin quá lớn ở các thầy cô, nhà trường nên các em im lặng, nhẫn nhịn, chịu đựng để rồi xảy ra những tình huống đáng tiếc nhất. Và điều mà cô Lê trăn trở băn khoăn nhất là năng lực sư phạm của giáo viên hiện nay. Chúng ta đang nói tập huấn cho giáo viên nhưng đó chỉ là giải quyết từng tình huống, không phải là một bài toán. Trong trường sư phạm, ngày xưa tất cả các thầy cô đều có năng lực sư phạm để tư vấn cho sinh viên, định hướng sinh viên từ cách ứng xử, cách giải quyết bạo lực học đường ở nguyên nhân lặt vặt nhất. Hiện nay, hình như công tác này đang có vấn đề.
Hãy dạy HS biết xin lỗi và cảm ơn
Với mỗi HS, để nói được lời xin lỗi, lời cảm ơn không phải dễ. ThS. Ngô Thanh Thủy, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết thiếu hụt kỹ năng kết bạn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bị bạo lực ở một số HS. Thiếu những kỹ năng cơ bản có thể được xem là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng bạo lực học đường hiện nay ở HS. ThS. Ngô Thanh Thủy cho rằng cần phải dạy cho HS biết nói lời cảm ơn. Bản thân bà, trong túi lúc nào cũng có một cuốn sổ nhỏ. Cuốn sổ này không ghi gì khác ngoài lời cảm ơn. Nếu biết nói cảm ơn, xin lỗi, bạo lực học đường có lẽ đã giảm đi rất nhiều.
Còn theo PGS. Phạm Minh Mục, từ kết quả điều tra nói trên, về phía nhà trường có 6 giải pháp để giải quyết những vấn đề gặp phải. Trong đó có nhóm giải pháp mang tính tư vấn tâm lý học đường chuyên nghiệp, cao như có văn phòng tư vấn học đường giúp HS có thể đến chia sẻ, tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh trong học tập và cuộc sống. Tuy nhiên, giải pháp này lại ít được giáo viên lựa chọn. Nhóm giải pháp được lựa chọn nhiều nhất là đề ra những biện pháp mang tính răn đe như đuổi học hay đình chỉ học và các hình thức kỷ luật khác đối với HS vi phạm tại trường (chiếm tới gần 42% số giáo viên được khảo sát). TS. Hoàng Gia Trang, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cũng đưa ra một số giải pháp khác như nâng cao nhận thức về hậu quả của hành vi bạo lực, giúp HS tránh rơi vào trạng thái tâm lý hụt hẫng, xây dựng môi trường học đường tích cực, dạy cho HS những kỹ năng giải quyết xung đột có hiệu quả, thúc đẩy xây dựng mạng lưới tư vấn học đường.
Nghiêm Huê