Chủ nhật, 29/3/2015, 21h03

Chuyện ghi từ… lô cốt

Hai bảo vệ ngồi trong lô cốt canh giữ công trình tòa nhà Phú Hoàng Anh
Dạo một vòng các công trình xây dựng ở vùng ven thành phố, chúng tôi gặp hàng chục lô cốt dã chiến nằm cách mặt đất trên dưới chục mét. Lô cốt được lắp ráp tạm bợ bằng nhiều thứ gỗ, cây tạp, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Đó là nơi làm việc của bảo vệ công trình.
Trong 24 giờ (ca 24), mỗi lô cốt có hai người trực. Ở những công trình lớn thì có đến 4 chốt nằm ở 4 góc.
Nắng mưa không rời chốt
Anh Nguyễn Văn Hùng, Tổ trưởng Tổ bảo vệ tòa nhà Phú Hoàng Anh đang xây dựng ở huyện Nhà Bè (TP.HCM), cho biết cùng là bảo vệ nhưng không phải ai cũng được quản lý đưa lên ngồi trên lô cốt. “Không phải ai cũng quen với việc ngồi suốt 24 giờ dưới cái nắng gắt, đêm sương xuống lạnh hay mưa bão. Hơn nữa, khi phát hiện có trộm đột nhập phải phản ứng nhanh, khéo léo tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra. Lương bảo vệ ngồi trên lô cốt cao hơn bảo vệ ở dưới đất gần 2 triệu đồng, ai cũng ham nhưng không dễ trụ được”, anh Hùng nói.
Nguyễn Văn Phước, chàng thanh niên mới vào nghề hơn năm chia sẻ, ngoài tố chất gan lì, nhanh nhạy ứng trả với những tên trộm liều lĩnh, những người bảo vệ phải có một tinh thần đoàn kết, chịu khó và đặc biệt là sức khỏe dẻo dai. “Chỉ ngủ từ 4-5giờ/ngày, đâu phải ai cũng chịu được. Với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng là không phải dễ kiếm trong thời buổi khó khăn về việc làm như hiện nay, tuy nhiên mức lương như vậy chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Không ít người chỉ mới trải qua 12 tiếng, đêm đến là “trốn” mất tiêu. Thức đêm riết rồi cũng quen nhưng không thể chịu nổi vì buồn, chưa kể những đêm mưa gió lạnh buốt”, anh Phước chia sẻ.
Người ngồi chốt làm việc theo ca (mỗi ca làm 24 giờ) và xuống ca (nghỉ ca) cũng 24 giờ. Khi đêm về, ở mỗi chốt, hai người trực thay phiên nhau ngủ, mỗi người ngủ khoảng 2-3 giờ rồi đến lượt người khác. Giờ giấc quy định chung là vậy nhưng chẳng ai ngủ yên. “Nhiều năm trước, ở các công trình này ít khi có trộm nhưng gần đây liên tục xảy ra nên trách nhiệm của tôi cũng nặng nề hơn. Có đêm, vừa giải quyết xong vụ này thì lại đến vụ khác, gần sáng chợp mắt chưa đầy 5 phút thì bị máy bộ đàm đánh thức hỗ trợ cho chốt khác”, anh Hùng nói.
Để hiểu rõ hơn công việc của các anh về đêm thế nào, một đêm trung tuần tháng 3, khi đường sá vắng bóng người và xe cộ, chúng tôi trở lại nơi anh Hùng làm việc. Chúng tôi làm theo lời anh Hùng bảo: “Để tránh rắc rối, khi các em gần tới nơi nhá máy điện thoại cho anh biết để đón chứ anh em bảo vệ không biết, tưởng tội phạm ập đến bắt đó”. Dù đã gọi điện báo trước anh Hùng nhưng do các anh quá cảnh giác nên khi chúng tôi đến, có nhiều luồng ánh sáng đèn pin từ các hướng rọi thẳng vào mặt. Phát hiện người quen, anh Hùng nói qua bộ đàm: “Người thân của mình”, lúc này mọi người mới di chuyển sang hướng khác.
Ngủ 4/24 giờ
Cũng theo anh Hùng, để có một ca trực an toàn, suôn sẻ thì cả ê-kíp trực phải làm việc cật lực, ăn ý. “Với tổ trưởng, phải thường xuyên trò chuyện, nắm bắt suy nghĩ, nguyện vọng của anh em. Hiểu được tính tình của mỗi người để phân công đứng chốt với người hợp tính, nếu không sẽ bị “nghịch” nhau, gây mất đoàn kết… Lúc đó hậu quả rất nguy hiểm. Đã có nhiều vụ trộm cắp vật liệu xây dựng xảy ra, trong đó có sự “trợ giúp” của bảo vệ. Chính vì thế, tuyển chọn những người ngồi chốt bảo vệ từ trên cao cũng hết sức gắt gao. Trong khi đó anh Phước tâm sự: “Tài sản ở một công trình lớn (máy móc, xe, vật liệu…) có khi lên đến vài tỷ đồng, có chuyện gì xảy ra thì làm cả đời không trả nổi, đó là áp lực nặng nề nhất của chúng tôi”.
Ngày nắng, đêm mưa… người đứng chốt không được phép vắng mặt ở lô cốt của mình. Không chỉ đối mặt với tai nạn do kẻ xấu chống trả mà người làm công việc này khó tránh khỏi bệnh tật vì thiếu ngủ triền miên.
Hì hục một lúc chúng tôi cũng đặt chân lên lô cốt theo lời mời của anh Hùng. Cách mặt đất chừng chục mét, sàn lót tạm bằng mấy thanh gỗ tạp có dấu hiệu mục nát, mái che bằng lá dừa nước, riêng thân trụ của lô cốt được dựng bằng giàn giáo công trình. Trông lô cốt khá kiên cố nhưng khi chúng tôi di chuyển, chúng lắc mạnh như muốn bổ nhào xuống đất. Anh Phước kể: “Tuần trước lô cốt bên kia bị sập, may nó ngã ra ngoài mé kênh chứ ngã vào đống sắt thép bên trong là tiêu thằng Thành rồi”. Được biết, đêm ấy gió mạnh, giàn giáo xiêu vẹo chưa được gia cố thì bị đổ, trên đó có anh bảo vệ tên Thành.
Trước đây, khi vào nhận việc, quản lý công trình chỉ giao cho mỗi người một chiếc ghế, một cây dù (hoặc tấm bạt). Theo anh Phước, ban ngày thì không sao nhưng đêm không thể quan sát hết, thế là mới có “sáng kiến” dựng lô cốt, dù không được kiên cố, an toàn nhưng cũng có chỗ ngả lưng, hạn chế sương đêm, nước mưa… Thời gian gần đây, một số công trình cho dựng lô cốt chắc chắn hơn với trụ sắt, bắt đinh, sàn và mái che khá rộng. “Có lô cốt rồi cũng đỡ bệnh đau hơn”, anh Phước nói.
Bài, ảnh: Trần Anh
“Tài sản ở một công trình lớn (máy móc, xe, vật liệu…) có khi lên đến vài tỷ đồng, có chuyện gì xảy ra thì làm cả đời không trả nổi, đó là áp lực nặng nề nhất của chúng tôi”, anh Nguyễn Văn Phước, bảo vệ công trình tòa nhà Phú Hoàng Anh, nói.