Thứ sáu, 11/7/2014, 07h07

Điểm thi sẽ không cao

Thí sinh sau giờ làm bài thi sáng 9-7 tại HĐT Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM. Ảnh: M.Tâm
Hai đợt thi chủ yếu nhất với số lượng thí sinh (TS) lớn của kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay đã chính thức khép lại. Ở đợt 2, mặc dù đã được cảnh báo trước nhưng vẫn khá nhiều TS cố tình mang tài liệu, thậm chí có TS sử dụng giấy báo thi… giả, mang cả thiết bị truyền tin vào phòng thi.
TS… tinh vi hơn
Tiến sĩ Hà Hữu Phúc - Vụ trưởng, Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM - đánh giá, năm nào lượng TS mang tài liệu vào phòng thi cũng tăng lên ở đợt 2 do đợt này tập trung rất nhiều khối, môn thi tự luận xã hội.
Năm nay, những vi phạm của TS có phần tinh vi hơn khi các em không chỉ mang điện thoại, tài liệu mà còn mang cả thiết bị truyền tin mở sẵn vào phòng thi, dùng giấy báo thi giả để lọt vào khu vực thi. Thậm chí cả giám thị dù nắm rõ quy chế vẫn lén nghe điện thoại trong nhà vệ sinh ngay tại thời điểm TS đang làm bài.
Đơn cử, chỉ trong ngày đầu tiên, 1 TS nữ (Hội đồng thi Trường ĐH Mở TP.HCM) cố tình xõa tóc dài để vào phòng thi với sắc mặt khá khác lạ. Sau khi yêu cầu TS này buộc tóc lên, cán bộ coi thi phát hiện một thiết bị truyền tin có gắn bluetooth đã được mở sẵn. Tại Hội đồng thi Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, TS Nguyễn Lê Quang Khương (sinh năm 1996) cũng bị phát hiện ngồi trốn trong… nhà vệ sinh. Đáng nói, mặc dù không có tên trong danh sách TS dự thi nhưng em này lại có đến 2 giấy báo thi giả. Theo giải thích của Khương, bản thân em không “mặn” thi ĐH nhưng gia đình gây sức ép, đợt này có cả anh rể đưa đến tận phòng thi nên em đành phải chọn cách làm trên. Cùng thời điểm, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng phát hiện một TS có ảnh trên giấy báo thi khác chứng minh nhân dân. Hội đồng thi Trường ĐH Hoa Sen cũng có 1 TS có biểu hiện khác lạ khi xé danh sách dự thi của các TS cùng phòng, đi lòng vòng xem danh sách các phòng khác, xem phù hiệu của cán bộ coi thi…
Sau 2 đợt, lỗi ĐTDĐ vẫn tiếp tục góp phần kéo dài thêm danh sách TS vi phạm. Ngay cả 1 cán bộ coi thi Trường ĐH Y dược TP.HCM trong đợt 2 cũng bị phát hiện lén nghe ĐTDĐ trong nhà vệ sinh. Theo lý giải của giám thị này, cuộc gọi trên nhằm hỏi thăm tình hình người thân đang bị sốt.
Dự kiến hơn 10 ngày nữa công bố điểm
Kết thúc 2 đợt thi, hiện nhiều trường đã bắt tay vào thực hiện khâu rọc phách để tiến hành chấm. Với gần 9 ngàn lượt TS tham dự cả 2 đợt, Trường ĐH Luật TP.HCM sẽ chính thức chấm thi từ ngày 14-7 và dự kiến công bố sau ngày 22-7. Ông Lê Văn Hiển - Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM - cho biết đơn vị sẽ bám sát đáp án của Bộ GD-ĐT để chấm nhằm đảm bảo chính xác quyền lợi của TS. Được biết, có gần 150 giáo viên tham gia chấm các môn thi tự luận của trường.
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng bắt đầu chấm từ ngày 14-7 và dự kiến công bố điểm vào 22-7 tới. Đại diện nhà trường đánh giá, qua ghi nhận tình hình làm bài của TS, khả năng điểm thi sẽ không cao hơn năm trước. Mức điểm chuẩn các ngành tại trường năm nay có thể dao động từ 14 đến 18, tùy mỗi ngành. Trong đó, nhóm ngành điểm cao của năm trước (chủ yếu thuộc khối B), điểm chuẩn khoảng không quá 18. Nhóm ngành kinh tế khả năng từ 15 đến 16 và nhóm ngành cơ khí điện tử sẽ lấy mức 14 điểm. Riêng một số ngành có điểm chuẩn tăng đột biến năm ngoái tại trường, năm nay có thể sẽ giảm nhẹ.
Tại ĐH Quốc gia TP.HCM, theo PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa (Phó giám đốc), Trường ĐH Bách khoa đã tổ chức chấm thi ngay sau khi kết thúc đợt 1, các trường khác gom bài của cả 2 đợt mới tiến hành. Thông thường, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn kết thúc chậm nhất trong khối ĐH Quốc gia TP.HCM nhưng vẫn luôn trước hạn định của bộ. Trường ĐH Tài chính Marketing cũng bắt đầu chấm thi từ 12-7…
Bài, ảnh: Mê tâm
 
Thí sinh Đà Nẵng “choáng” vì đề khó
Đợt 2, hơn 17 ngàn thí sinh (TS) đã tham dự kỳ thi. Ngoài ra, đợt này tại Đà Nẵng còn có thêm 2 trường cũng tổ chức thi tuyển là Trường ĐH TD-TT Đà Nẵng và Trường ĐH Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng.
Trong đợt 2 này, ĐH Đà Nẵng phát hiện 5 trường hợp vi phạm quy chế thi. Trong đó, có 1 TS không dự thi nhưng giả làm giấy báo thi để đến điểm thi. 2 trường hợp bị đình chỉ thi do mang ĐTDĐ vào phòng thi; 1 TS bị đình chỉ do sử dụng tài liệu và 1 TS bị khiển trách do nhìn bài bạn.
Về đề thi môn toán, nhiều TS than đề khó, nhất là đề toán và hóa khối B. TS Nguyễn Văn Nam thi để xét vào ngành công nghệ thực phẩm, Trường CĐ Công nghệ cho biết: “Em chỉ làm được 6 câu đầu, ước khoảng được 5 điểm. Các câu còn lại khó quá, em không thể làm được”. Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thị Thanh cho biết: “So với đề khối A ở đợt 1, đề toán khối B khó hơn nhiều, em chỉ làm độ mức 6 điểm”. Trong khi đó, sau buổi thi môn hóa, TS cho rằng đề thi này quá khó. TS Nguyễn Thị Thanh Thủy, dự thi vào Trường ĐH Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng than thở: “Đề thi năm nay khó, ở lớp 12 điểm hóa em luôn đạt 9 nhưng kỳ thi này cố gắng hết sức song chỉ chắc chắn đúng được 5 điểm”.
Vĩnh Yên
Đáp án sẽ mở, không có vùng cấm
Chiều 10-7, sau khi kết thúc môn thi cuối cùng, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo thông báo kết thúc công tác coi thi của kỳ thi tuyển sinh ĐH 2014. Các vấn đề được báo chí quan tâm trong kỳ thi năm nay đó là đề thi đổi mới và điểm sàn năm nay sẽ như thế nào?
Trước ý kiến cho rằng, đề thi năm nay có sự thay đổi cấu trúc đột ngột, khiến nhiều TS bị “choáng”. Tuy nhiên, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT - cho biết kỳ thi tuyển sinh ĐH được xây dựng dựa trên cơ sở đồng bộ với kỳ thi tốt nghiệp. Cơ sở đổi mới đề thi năm nay dựa trên cơ sở NQ29, dựa trên thực tế trong các năm học vừa qua, các trường đã đổi mới kiểm tra đánh giá. Đồng thời, những kỳ thi tuyển sinh ĐH vừa qua đã có những đề dạng tổng hợp. Do đó, theo ông Trinh vì đã làm nhất quán với những gì đã công bố. Thứ hai, đề thi nằm trong chương trình phổ thông, không có gì vượt quá chương trình đã học của TS. Cũng liên quan đến kỳ thi, ông Trinh cho rằng việc đề thi khó hay dễ là tùy theo đánh giá của từng người. Ông Trinh cũng khẳng định với các đề thi mở thì đáp án cũng sẽ mở, không có vùng cấm. Trước câu hỏi khi nào thực hiện một kỳ thi chung, ông Mai Văn Trinh cho hay NQ29 có yêu cầu rõ nét là tổ chức một kỳ thi chung. Nó cũng xuất hiện trong đổi mới phổ thông vừa qua. Bộ đang cố gắng thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Kỳ thi chung có 2 sứ mệnh: Xét tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Tuy nhiên, theo ông Trinh, kỳ thi chung này không cướp đi quyền tuyển sinh riêng của các trường. Còn Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định Luật Giáo dục ĐH và xu thế chung của thế giới là các trường tự chủ tuyển sinh. Về điểm sàn năm nay, ông Trinh cho hay bộ xây dựng điểm sàn trên cơ sở phổ điểm. Điểm sàn có 3 mức cho ĐH và một mức cho CĐ. Căn cứ vào phổ điểm, chỉ tiêu tuyển sinh để định cỡ các mức điểm sàn phù hợp.
Nghiêm Huê
 
“Hưởng thụ tối đa” gây nhiều tranh cãi cho thí sinh
Kết thúc môn thi cuối cùng của kỳ thi ĐH đợt 2, nhiều thí sinh (TS) khối D phấn khởi với phương châm sống của nhiều bạn trẻ hiện nay là sống hết mình, hưởng thụ tối đa được đưa vào đề thi môn văn.
Theo nhiều giáo viên, đề thi này đã đánh động những chủ nhân tương lai của đất nước về một lối sống thích hưởng thụ của lớp trẻ hiện nay. Cô Vũ Thị Nga, giáo viên Trường THPT Đức Trí cho rằng, cống hiến hết mình và biết hưởng thụ là phương châm sống có ý nghĩa tích cực đối với con người. Cống hiến hết mình sẽ giúp con người phát huy được năng lực cao nhất, sống có giá trị và mang lại nhiều đóng góp cho cộng đồng xã hội. Còn hưởng thụ giúp người đã cống hiến có được trạng thái tinh thần thư giãn, giải tỏa áp lực tinh thần, mang lại tâm thế tự do giúp con người cảm thấy cuộc đời có ý nghĩa và sau đó có điều kiện để tiếp tục phát huy năng lực tinh thần đã có ở bản thân. Thế nhưng, giới trẻ hiện nay đang hưởng thụ quá nhiều so với giới hạn cho phép. Trong khi đất nước còn nhiều khó khăn, xã hội còn hàng ngàn người phải lam lũ kiếm từng bữa cơm, manh áo thì nhiều bạn trẻ lại đốt tiền vào những trò chơi vô bổ, quan tâm tới hình thức bên ngoài nhiều hơn là xây dựng nhân cách, tinh thần. Nguy hiểm hơn, khao khát hưởng thụ, hưởng thụ thái quá sẽ dẫn người ta đi đến tư tưởng hưởng lạc, dễ tha hóa, suy đồi.
Còn ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM nhận định: Với đề thi này, chắc chắn sẽ làm cho TS thích thú, tâm đắc bởi nó vừa gần gũi với hơi thở cuộc sống, vừa đánh thức suy nghĩ của giới trẻ về giá trị sống hiện nay để rút ra những bài học bổ ích cho mình. Theo tôi, phương châm này sẽ khuyến khích con người sống hết năng lực, cống hiến đến mức tối đa. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là cống hiến đúng với mục đích cao thượng mới có ý nghĩa, còn cống hiến vì mục đích bản thân, không có lợi cho người khác, không có ý nghĩa cho xã hội thì điều này trở nên vô nghĩa. Ngoài ra, không phải lúc nào cũng hưởng thụ là đúng, hưởng thụ trên sức lao động của người khác, hưởng thụ khi người khác còn khó khăn, khi đất nước còn nghèo nàn thì đó không phải là hưởng thụ hết mình mà là hoang phí…”.
D.Bình - N.Anh
 
Phổ điểm nằm ở mức trung bình
ThS. Lê Phước Dũng (Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng - Cần Thơ):  Đề vật lý cho 50 câu, không có phần tự chọn. Đề mang tính phân loại cao, những câu thuộc kiến thức cơ bản chỉ cần thuộc bài là làm được thì dễ hơn đề thi năm rồi, thậm chí có những câu dễ hơn đề thi tốt nghiệp. Nhưng phần nâng cao thì khó hơn đề thi năm rồi. Theo tôi, phổ điểm 5, 6 sẽ chiếm khá nhiều, điểm 7 cũng có vì xác suất may rủi đối với bài thi trắc nghiệm; nhưng rất khó kiếm điểm từ 8 trở lên, nhất là với HS khu vực ĐBSCL.
ThS. Lê Văn Phương (Trường THPT Tân Lược - Vĩnh Long) Đối với học sinh ĐBSCL, đa số các em sẽ không xác định được yêu cầu của đề bài. Nhìn chung đề văn năm nay đòi hỏi TS không được học tủ mà còn phải có kiến thức về xã hội, phát hiện và phân tích vấn đề rồi xâu chuỗi lại. Dạng đề này sẽ rất khó đối với những TS không học lớp 12 năm vừa qua, (dạng thi ĐH lại). Theo tôi, nếu dùng đề này để tổ chức 2 kỳ thi gộp lại thì e rằng không thích hợp vì kỳ thi tốt nghiệp, đề thi dễ hơn rất nhiều bởi hầu hết nội dung đề chỉ yêu cầu TS tái hiện kiến thức”.
Đ.Phượng (ghi)