Thứ tư, 22/10/2014, 16h10

Hơn 30 năm hái me kiếm sống

Công việc hái me đã nuôi sống gia đình ông Thới hơn 30 năm qua
Tuổi đã gần 70 nhưng hàng ngày ông Nguyễn Văn Thới (quê huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) vẫn phải trèo cây hái trái me bán kiếm tiền nuôi gia đình.
Hơn 30 năm qua, những hàng me cao to xanh ngắt trên đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Du, Lý Tự Trọng (Q.1, TP.HCM), Bà Huyện Thanh Quan (Q.3)..., ông Thới đều “gửi” thân mình trên đó.
Mối tình vỉa hè
Ông Thới và bà Ánh (vợ ông) nhìn nhau cười tươi khi nghe chúng tôi hỏi về những ngày đầu chung sống của ông bà, rồi cơ duyên đến với nghề trèo cây hái trái me độc nhất vô nhị giữa đất Sài Gòn. Ông Thới cho biết: “Những năm 70, khi bọn diệt chủng Pôn Pốt tràn qua biên giới, gia đình tôi ly tán, mỗi người một nơi, có người đến nay vẫn bặt tăm. Tôi cũng hòa vào dòng người, đi đâu cũng chẳng biết, rồi lưu lạc đến Sài Gòn. Quãng thời gian ấy, tôi được người ta thuê hái me cho vựa, nhà thầu… Một trưa nọ, tôi tình cờ gặp bà Lê Thị Ánh, kém tôi 4 tuổi, quê biển Phan Thiết (Ninh Thuận) tha hương mưu sinh với nghề bán hàng rong. Thấy tôi vừa tụt xuống từ cây me trên đường Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng), bà Ánh thiệt tình: “Cho tui xin một trái đi”. Nghe vậy, tôi liền trêu ghẹo: “Đổi trái bắp à”. Thế là bà Ánh đưa tôi luôn hai trái bắp kèm nụ cười rạng rỡ. Từ lần gặp đầu tiên, những ngày sau khi đi ngang qua chỗ đó, bà Ánh hay ngó tới ngó lui xem thằng-cha-hái-me có ở đây không. Tôi cũng thế, sau lần đó từng giờ từng ngày mong ngóng cô bán hàng rong… Qua những lần chuyện trò, chúng tôi nhận thấy cả hai có nhiều điểm chung, trong đó có… cái nghèo. Thế là tình yêu nảy nở, đơm hoa kết trái. Sau đó tôi và bả quyết định góp gạo thổi chung và có với nhau hai mặt con. Đến nay, cuộc sống gia đình vẫn hạnh phúc êm đềm, dẫu cái nghèo mãi đeo bám”.
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, vợ chồng ông Thới dắt díu con cái về Tây Ninh quê ông, rồi dạt về Phan Thiết quê bà sinh sống nhưng chỉ được một thời gian rồi trở lại Sài Gòn. “Dường như cái nghề leo trèo nó hợp với tôi hơn. Từ thời tôi còn trai trẻ và đến giờ đã có cháu nội, cháu ngoại. Con cái đã có gia đình, cũng ra ngoài thuê nhà ở. Tụi nó làm công nhân lương ba cọc ba đồng lại phải lo cho con cái ăn học nên chẳng giàu có gì. Tôi còn leo trèo, mua bán được thì tự lo cái ăn, không làm phiền đến con cái”, ông Thới bày tỏ.
Ngày mới của ông Thới và bà Ánh bắt đầu từ 3 giờ sáng. Rời căn nhà trọ ở Q.9, ông chở bà lên trung tâm thành phố, hôm ở đường Lý Tự Trọng, bữa ở đường Lê Thánh Tôn... Mùa nào me nấy: Me non, me dốt, me chín... đều hái bán được. Ông Thới nói: “Chỉ còn khoảng tháng nữa là có me chín, bán được giá lắm. Mỗi năm, giỗ cha, giỗ mẹ, về quê thăm mồ mả ông bà hai bên cũng nhờ số tiền kiếm được từ mùa me chín rộ. Những mùa khác trong năm cũng chỉ đủ tiền thuê nhà, điện nước và lo cơm hàng ngày”.
Hạnh phúc tuổi xế chiều
Khách hàng của ông Thới và bà Ánh đa phần là các bà nội trợ đi tập thể dục sáng về, hay nữ nhân viên văn phòng làm việc gần đó và các cô cậu sinh viên, học sinh. Bà Ánh cho biết, nhiều năm trước ông bà còn hái me bỏ mối cho các tiểu thương ở chợ, ngày vài mươi ký, thu nhập cũng khá lắm nhưng gần đây tiêu thụ rất chậm, lại đi xa nên tiền lời không được là bao.
Mấy mươi năm kiếm sống ở lề đường, bán buôn cũng quen nhưng già rồi, lại không chút vốn liếng. Ông tính xin làm bảo vệ nhưng cầm hồ sơ đến đâu cũng bị từ chối vì lớn tuổi. Có nơi tiếp đón nhưng không nhận vào làm bởi ông không có hộ khẩu thành phố.
Hiện tại, thu nhập trung bình của cả hai vợ chồng chỉ hơn 100.000 đồng/ngày. “Vợ chồng tôi già rồi, ăn uống được bao nhiêu. Sáng ổ bánh mì cắt đôi, hộp cơm trưa cũng vậy. Trước thuê phòng ở Q.2, giờ dời về Q.9, tiền nhà cũng giảm được chút đỉnh. Chỉ lo mai này, ổng (ông Thới - PV) không trèo được nữa thì không biết lấy gì mà sống”, giọng bà Ánh đầy lo lắng.
Leo trèo ban ngày đã khó nhưng với ông Thới, tuổi già hom hem, mắt kém lại ở thời điểm ánh sáng nhá nhem nên tai nạn là điều khó tránh khỏi. Những hôm trời mưa suốt đêm, thân cây ướt trơn trượt, ông Thới vẫn phải cố trèo me để có cái mà bán kiếm tiền. Mấy bận tay chân ông không bám được, cả thân khi tiếp đất đau ê ẩm, thương tích đầy mình. Mấy mươi năm nay, ông Thới leo cây không cần nài, không có bất cứ dụng cụ bảo hộ nào. Bộ đồ nghề của ông chỉ có một cây móc tầm hơn thước, một cái bao nhỏ đựng me cột sợi dây để hái xong thòng xuống đất, ngày qua ngày ông thoăn thoắt chuyền cành...
Sau những lần bị té chí mạng, vợ chồng ông thức trắng nghĩ chuyện tìm công việc mới để làm. Mấy mươi năm kiếm sống ở lề đường, bán buôn cũng quen nhưng già rồi, lại không chút vốn liếng. Ông tính xin làm bảo vệ nhưng cầm hồ sơ đến đâu cũng bị từ chối vì lớn tuổi. Có nơi tiếp đón nhưng không nhận vào làm bởi ông không có hộ khẩu thành phố. Ông bà cũng từng nhiều lần cậy cục các mối quen biết nhờ bảo lãnh nhưng không ai dám nhận lời.
Con cái dù khó khăn vẫn mong muốn ba mẹ về ở chung, cơm cháo có nhau nhưng vợ chồng ông một mực không chịu. “Khi nào ổng không leo trèo được nữa rồi hẵng tính. Khách hàng quen biết thương tình mua ủng hộ, bán được nhiều cố mà tích cóp lo hai cái thân già, phòng lúc đau bệnh”, bà Ánh mong mỏi.
Bài, ảnh: Trần Anh
 
Thấy... khó chịu khi không leo trèo
Ông Thới thường trèo me vào thời điểm 4-5 giờ sáng, sau đó ông di chuyển về đường Tôn Đức Thắng (gần Nhà máy Ba So, Q.1) ngồi bán. Còn bà Ánh vẫn ngồi bán bên đường Ngô Văn Năm (Q.1) quen thuộc. Sở dĩ phải leo trèo vào cái giờ ấy, theo ông Thới, me hái để qua đêm sẽ xuống màu, ăn không ngon, khách không thích. Hơn nữa, đồng hồ sinh học của ông cũng đã quen, đến giờ đó mà không leo trèo là cảm thấy... khó chịu.