Thứ năm, 21/8/2014, 21h08

Một tấm lòng đầy khát vọng

Ông Hồ Xuân Long luôn trăn trở trước sự mai một vốn chữ viết của đồng bào Vân Kiều
Gần 70 tuổi, thế nhưng hàng ngày ông vẫn rong ruổi hàng chục kilômét trên nhiều cung đường đèo dốc ngoằn ngoèo để dạy chữ Bru Vân Kiều cho học sinh và cán bộ công tác ở các bản làng xa xôi...
Người mà chúng tôi muốn nói đến là ông Hồ Xuân Long - nguyên là lãnh đạo Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) - một người con Vân Kiều, muốn góp công sức giữ gìn văn hóa dân tộc cho mai sau.
Xông pha “gieo” chữ
Đã ở vào cái tuổi gần 70, ít ai ngờ rằng ông Long vẫn hoạt bát như tuổi trung niên. Trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng của mình nằm phía sau Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Hướng Hóa, ông đã kể cho chúng tôi nghe về khoảng thời gian 40 năm xông pha “gieo” chữ.
Năm 1966, tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Vinh, chàng thanh niên người Vân Kiều Hồ Xuân Long trở về dạy học tại xã Vĩnh Trường (huyện Vĩnh Linh) - mảnh đất nơi địa đầu vỹ tuyến 17 chuẩn bị bước vào những ngày ác liệt nhất của cuộc chiến tranh. Ông Long cho biết: “Thời chiến tranh, mỗi ngày hàng chục lượt máy bay quần sát ngọn cây, dội bom cày xới tan hoang mặt đất. Trường học là những lán hầm đào sâu trong lòng đất. Chạy bom và chạy chữ - hai con đường “ma-ra-tông” ngược chiều nhưng cả thầy và trò đều phải dùng hết tốc lực để chạy. Một tuần có khi phải dời trường đến 3 lần”…
Khi chiến tranh kết thúc, ông trở về địa phương (xã Hướng Hiệp, huyện Hướng Hóa) tiếp tục công việc dạy học. Trong vai trò một người giáo viên dạy môn toán kiêm môn hóa và công tác chủ nhiệm, ông Long đã cùng đồng nghiệp lặn lội khắp núi rừng tìm học trò. Con chữ đến được với các em cũng gian nan không kém thời loạn lạc. “Lúc ấy đường chưa có như bây giờ, xe cộ cũng không, thậm chí giày dép cũng không, giáo viên phải xắn quần, chân đất chống gậy băng qua rừng rậm, gai bụi đâm tứa cả máu. Tìm được một học trò đến lớp đã khó, giữ cho học trò không bỏ học lại khó gấp chục lần. Giai đoạn sau giải phóng, đời sống khó khăn, các bậc phụ huynh dọc biên giới kéo các em vào rừng đi cõng hàng lậu thuê, chuyện học bị bỏ bê”, ông Long hồi tưởng.
Đến năm 1988, ông được phân công về giảng dạy rồi làm quản lý tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Hướng Hóa cho đến ngày nghỉ hưu. “Những tháng năm này cuộc sống tuy vất vả nhưng tôi luôn cảm thấy vui. Vui vì lứa học trò một thời thắp đuốc đi vận động đã bước ra khỏi bản làng, học hành đến nơi đến chốn và đều có định hướng tương lai cho mình. Bản làng bao năm chìm trong khói lửa chiến tranh và nạn mù chữ dần được thay đổi từ thế hệ trẻ ấy”, ông Long trải lòng.
Cứu lấy con chữ Bru Vân Kiều
“Chữ viết Bru Vân Kiều và vốn văn hóa đáng quý của bà con đồng bào thiểu số đang bị mai một dần, nếu tôi nghỉ ngơi thì mai này thế hệ trẻ tìm đâu ra chữ viết mang đặc trưng nét văn hóa của dân tộc mình...”, ông Hồ Xuân Long cho biết lý do vì sao chưa nghỉ ngơi sau gần 50 năm ròng rã “cõng chữ lên ngàn”.
Sau ngày nghỉ hưu, ông Long vẫn miệt mài dạy con chữ của đồng bào Vân Kiều cho các thế hệ học sinh và cán bộ quản lý địa bàn vùng cao này. Ông bày tỏ: “Nói chung, lòng thuyền đầy khát vọng với tình biển bao la”. Cái khát vọng với tình biển ấy, ông Long giải thích đó là nghề giáo đã thành duyên nợ đời người. Và hơn thế nữa, ông cũng là một người con Vân Kiều, bước chân ra từ bản làng cheo leo vách núi. Ở nơi đó có nhiều nét văn hóa, trong đó có chữ viết Bru Vân Kiều mà một thời đã từng được cha ông truyền dạy. Do đó việc tiếp tục truyền con chữ cho thế hệ trẻ là một cách để giữ gìn văn hóa khỏi bị mai một. “Chuyện cũng dài lắm. Vào thời điểm sau giải phóng, Ủy ban Khoa học và Ban Dân tộc tỉnh Bình Trị Thiên bấy giờ lập Đề án nghiên cứu phục chế chữ viết Bru Vân Kiều, do GS.TS Hoàng Tuệ, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ, làm Chủ nhiệm. Tôi may mắn được mời làm cộng tác viên nghiên cứu. Sau 6 năm, từ 1980 đến 1986, công trình hoàn thành. Vốn chữ viết Bru Vân Kiều của tôi được bổ túc trong những năm đó, rồi sau đó tôi được cho đi học 6 tháng, được cấp chứng chỉ”, ông Long cho biết.
Nỗi niềm truyền dạy con chữ Bru Vân Kiều cứ luôn trăn trở trong ông sau mỗi ngày tới trường. “Người ta có thể quên đi nhiều thứ trong cuộc sống lắm gian nan nhưng không ai có quyền quên đi cội nguồn!”, ông Long tự nhủ. Rồi cơ hội đến khi năm 2008 vừa nghỉ hưu, ông được Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị và Ban Dân tộc tỉnh mời tham gia giảng dạy chữ Bru Vân Kiều cho cán bộ các cơ quan, đoàn thể công tác ở miền núi. “Ấp ủ mơ ước giữ gìn chữ viết của đồng bào mình bấy lâu, từ đó tôi đã có cơ hội thực hiện”. Mỗi ngày, với chiếc xe gắn máy cà tàng, ông Long rong ruổi trên khắp núi đồi đèo dốc để truyền bá chữ viết. Gần 7 năm ông đã dạy chữ và cách đọc thông thạo tiếng Bru Vân Kiều cho gần ngàn cán bộ của tỉnh. “Sau mỗi khóa học hoàn thành, tôi thấy vui lắm. Vui bởi không chỉ có cán bộ người bản địa mà có rất nhiều cán bộ người Kinh ở miền xuôi cũng theo học. Khoảng cách giữa người miền xuôi và miền ngược thông qua ngôn ngữ này được thu hẹp”, ông Long bày tỏ.
Năm học 2013-2014, chữ viết này được dạy thực nghiệm ở hai lớp, với hơn 50 học sinh ở Trường Tiểu học xã Hướng Tân và Trường THCS xã Húc (huyện Hướng Hóa). “Bước đầu các em tiếp cận chữ viết của mình rất khó khăn nhưng qua một năm học, hiệu quả đạt được rất rõ rệt. Đặc biệt, các em rất hào hứng và tỏ ra yêu thích khi được học đọc và viết chính thứ tiếng cội nguồn của mình”, ông Long cho biết.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Còn nhiều trăn trở
Ông Hồ Xuân Long cho biết nhiều năm qua chủ yếu chỉ dạy chữ cho cán bộ phục vụ công tác, số học sinh được học vẫn còn khiêm tốn. Điều đáng buồn là hầu như đồng bào Vân Kiều ở huyện miền núi này đều không biết đến chữ viết của mình. Nếu không có một chiến lược bảo tồn và phát triển nhanh thì e rằng chữ viết này sẽ bị mai một. Từ năm 2011, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị đã triển khai dạy và học tiếng Bru Vân Kiều tại 5 trường dân tộc nội trú. Tuy nhiên, đó chỉ là con số khá khiêm tốn so với gần 60.000 đồng bào Vân Kiều đang sinh sống ở các vùng núi cao này. “Để giữ gìn chữ viết Bru Vân Kiều, trước hết cần có chủ trương đào tạo giáo viên song song với việc dạy thực nghiệm mở rộng trong nhiều trường học. Hiện toàn tỉnh có chưa tới chục người giảng dạy chữ viết Bru Vân Kiều, trong đó phần lớn các giáo viên đều đã ở tuổi nghỉ hưu. Bên cạnh thiếu hụt nhân lực thì giáo án cũng là điều đáng bàn. Năm 1986, khi bộ tài liệu chữ viết Bru Vân Kiều đầu tiên có tên Sách học tiếng Bru - Vân Kiều được nghiệm thu và phát hành tại Bình Trị Thiên, thì mãi đầu những năm 2000, GS. Vương Hữu Lễ mới biên soạn cuốn 72 bài học tiếng Bru Vân Kiều. Ngoài hai cuốn sách đó ra, đến nay chưa có một bộ giáo án chuẩn nào để giảng dạy trong nhà trường”, ông Long trăn trở.