Thứ tư, 22/10/2014, 11h10

Nỗi niềm ban đại diện cha mẹ học sinh: Bài 2: Chung tay làm trường xanh-sạch-đẹp

Mặc dù ngân sách cấp cho giáo dục hàng năm đều tăng nhưng phần lớn là chi lương cho giáo viên. Số ít ỏi còn lại dùng để trả tiền điện, tiền nước… Trong khi đó xã hội ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng giáo dục, phụ huynh mong muốn con em mình được giáo dục toàn diện. Nhiều hiệu trưởng khẳng định, nếu không xã hội hóa thì trường khó có điều kiện dạy tốt, học tốt. Vì vậy không thể thiếu sự tồn tại của ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐDCMHS)…
Xã hội hóa từ phòng học…
Trung bình mỗi năm Trường Tiểu học Kim Đồng (Q.Gò Vấp, TP.HCM) tuyển từ 8 đến 9 lớp 1. Nhưng cách đây 4 năm, số HS lớp tăng vọt lên 12 lớp. Theo đó, muốn HS có chỗ học, bắt buộc nhà trường phải giảm số lớp bán trú. Song nhu cầu cho con học bán trú của phụ huynh là rất lớn. Trước nhu cầu bức thiết này, nhà trường quyết định cải tạo phòng họp và nhà ăn trên lầu 3 làm phòng học cho HS. Tuy nhiên nếu chờ đợi ngân sách cấp kinh phí thì sẽ rất mất thời gian, ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học của nhà trường. Do vậy, sau khi báo cáo với Phòng GD-ĐT quận và được chấp thuận, nhà trường đã để cho BĐDCMHS đứng ra nhận làm. Và phụ huynh trong trường, người đóng góp một ít - người thì đóng góp ngày công, người thì đóng góp vật tư… Một thời gian ngắn sau đó, dãy nhà mưa thì tạt, nắng thì hắt đã được ngăn thành 4 phòng học khang trang đáp ứng nhu cầu học bán trú của HS.
Trong năm học mới này, BĐDCMHS ở nhiều lớp đã tự bỏ tiền túi ra để ốp gỗ sàn, trải thảm, sơn lại cửa lớp. Thậm chí nhiều lớp còn được phụ huynh trang bị thêm quạt, máy điều hòa không khí để HS có điều kiện học tập tốt hơn; trang bị loa, amply để cô giáo giảng bài…
Còn tại Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (Q.7, TP.HCM) mặc dù 3 năm liên tiếp trường không được cấp kinh phí thường xuyên nhưng nhìn vào cơ sở vật chất của nhà trường ai cũng mê. Thầy Trần Ái Việt - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “4 năm trước khi tôi về đây, toàn trường chỉ có một máy chiếu (Projector) nhưng đến nay thì 31/36 lớp học đã có Projector hoặc màn hình LCD. Nhiều phụ huynh thấy con than phiền lớp học nóng là mua ngay máy lạnh vào gắn cho lớp. Hiện tại có khoảng 5-6 lớp gắn máy lạnh. Những lớp này đều gắn đồng hồ điện để thanh toán tiền điện hàng tháng…”.
Cũng theo thầy Việt, nhà trường đang tiến dần đến mô hình trường học tiên tiến - hiện đại. Và điều này có sự hỗ trợ rất tích cực của phụ huynh, đặc biệt là các mạnh thường quân và BĐDCMHS từ cấp lớp đến cấp trường.
…Đến sân trường và nhà vệ sinh
Không chỉ quan tâm đầu tư cho các lớp học được khang trang hiện đại nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động dạy và học của thầy và trò, tại nhiều trường BĐDCMHS còn quan tâm đến nơi vui chơi của con em mình sau giờ học, thậm chí là cả chỗ các em đi… vệ sinh.
Đơn cử như Trường Tiểu học Chương Dương (Q.5, TP.HCM). Mặc dù trường trú đóng trên địa bàn dân cư rất khó khăn, nhiều em không có cha cũng chẳng còn mẹ phải sống với bà nội hay bà ngoại, nhiều phụ huynh bán vé số để kiếm cái ăn cái mặc qua ngày. Song, họ vẫn không phó mặc con em mình cho nhà trường. Mỗi khi nhà trường thực hiện một công trình nào đó cho HS là phụ huynh ủng hộ ngay. Có người ủng hộ 1-2 triệu đồng, cũng có người ủng hộ 2-5 trăm ngàn đồng, thế nhưng cũng có không ít phụ huynh ủng hộ 10-20 ngàn đồng. Nhờ vậy mà năm học mới này, HS của trường đã được “giải quyết nỗi buồn” sau mỗi giờ học tại nhà vệ sinh rất… vệ sinh. Trước đó nhà vệ sinh không chỉ cũ kỹ, ẩm thấp mà còn bốc mùi hôi bay vào tận lớp học. Cô Lê Thị Bạch Tuyết - Hiệu trưởng nhà trường - khoe: “Mình làm tất cả là vì HS nên được phụ huynh, đặc biệt BĐDCMHS rất ủng hộ. Năm học này, ngoài việc đưa vào sử dụng nhà vệ sinh mới, phụ huynh còn hỗ trợ làm mái che ở sân trường để HS có chỗ vui chơi, tập thể dục, chào cờ; ủng hộ kinh phí để lát gạch nền các phòng học, nâng mái cho dãy nhà cấp 4 được thoáng mát hơn”.
Một trường nghèo khác là Trường Tiểu học Chương Dương (Q.1, TP.HCM) cũng rất được phụ huynh quan tâm. Tuy họ không thể bỏ ra 5-10 triệu đồng, thậm chí là cả trăm triệu để ủng hộ trường làm công trình này, công trình nọ. Nhưng, “Có phụ huynh góp 50 ngàn đồng, cũng có phụ huynh hỗ trợ 100 ngàn đồng… để nhà trường mua gạch bông ốp tường ở sảnh cho HS vui chơi mỗi giờ ra chơi. Nhìn thấy con em mình được vui chơi, học tập trong môi trường sạch đẹp phụ huynh hiểu đồng tiền mình bỏ ra rất xứng đáng”, thầy Nguyễn Văn Nghĩa - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết.
Theo thầy Ngô Thanh Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền - thì: “So với quy định của Bộ GD-ĐT, số nhà vệ sinh trong trường hiện nay chỉ đáp ứng được hơn 60% nhu cầu. Vì vậy, một trong những công trình trọng tâm mà BĐDCMHS trường sẽ thực hiện trong năm học này là làm nhà vệ sinh để HS rửa mặt, rửa tay…”.
Hòa Triều